Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội: “Trường nào lạm thu sẽ cách chức hiệu trưởng”

Tạp Chí Giáo Dục

Lạm thu đầu năm – đó là vấn đề mà không một năm học mới nào không gây nhức nhối, bức xúc cho dư luận. Ngành Giáo dục đã đặt ra nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này nhưng cuối cùng dường như vẫn chỉ là "nước đổ lá khoai".
Bà Phạm Thị Hồng Nga.
Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến như vậy, năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội có gì mới để chấm dứt tình trạng lạm thu trên địa bàn đã gây bức xúc cho các vị phụ huynh về vấn đề lạm thu trong những năm qua?
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với bà Phạm Thị Hồng Nga (ảnh bên), Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, trực tiếp phụ trách công tác tài chính của Sở.
Phóng viên (PV): Năm học mới nào Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đưa ra những quy định để hướng dẫn cũng như chống lạm thu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội. Năm nay, chắc cũng không là ngoại lệ thưa bà?
Bà Phạm Thị Hồng Nga (Bà Hồng Nga): Không chỉ là những quy định bằng văn bản giấy tờ đâu mà tôi muốn bổ sung thêm, tháng 8 hàng năm, trước khi vào năm học mới, chúng tôi cũng tổ chức tập huấn cho hiệu trưởng và kế toán các trường về vấn đề thu, chi và quản lý quỹ của trường. Ngoài ra là các văn bản kèm theo.
Như năm nay, bên cạnh Công văn số 5584 của Bộ GD&ĐT, Công văn số 7211 của UBND TP Hà Nội về Thực hiện quy định pháp luật về thu học phí và các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục, Sở có văn bản hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi tại các trường học năm 2011–2012. Trong đó, quy định bốn khoản thu gồm: thu bắt buộc gồm học phí, thu hộ như bảo hiểm, thu theo thỏa thuận và tự nguyện. Chúng tôi đặc biệt lưu tâm hai khoản thu thỏa thuận và tự nguyện. Vì đây là hai khoản thu dễ bị lạm dụng nhất.
PV: Sự lưu tâm đó thể hiện như thế nào, thưa bà?
Bà Hồng Nga: Đối với khoản thu thỏa thuận, chúng tôi quy định gồm tiền bán trú và chăm sóc học sinh. Và những khoản này phải có dự toán chi tiết, đặc biệt phải bảo đảm thu đủ chi chứ không được thu quá dù một đồng. Tất cả thu, chi ở khoản này phải công khai, minh bạch cho các phụ huynh biết. Còn với khoản thu tự nguyện: Bảo đảm đúng tính chất tự nguyện, không được ép buộc phụ huynh đóng góp dưới mọi hình thức.
Khoản thu tự nguyện phải được ghi vào sổ kế toán và tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch. Không được sử dụng quỹ này để khen thưởng cho giáo viên, lãnh đạo nhà trường… Có như vậy công tác xã hội hóa giáo dục mới hiệu quả và huy động thực sự những nguồn lực mạnh mẽ trong xã hội. Dựa trên những quy định này, chúng tôi sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra để thanh, kiểm các trường về thu chi tài chính.
PV: Thưa bà, có ý kiến cho rằng, năm nào ngành Giáo dục cũng đặt ra rất nhiều biện pháp, quy định nghiêm ngặt để chống lạm thu tại các cơ sở giáo dục. Nhưng thực tế cho thấy, vẫn “việc ai người nấy làm”, ban hành văn bản hướng dẫn, quản lý… là việc của cơ quan quản lý. Còn việc “tự tung tác tác” là của các trường, đặc biệt là Ban Giám hiệu nhà trường?
Bà Hồng Nga: Không chỉ người ngoài mà thực ra ngay trong ngành, chúng tôi cũng nhìn ra vấn đề này. Và tự rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, chúng tôi nhận định là do chưa xử lý nghiêm khắc những trường hợp lạm thu, mà ở đây đầu tiên phải là hiệu trưởng của trường.
Có ý kiến cho rằng, việc lạm thu có lẽ bắt đầu từ phụ huynh, nhất là những người trong Ban Phụ huynh của trường hoặc lớp. Nhưng cá nhân tôi đánh giá phải bắt đầu từ  Ban Giám hiệu nhà trường. Bởi là những người đã được hướng dẫn trực tiếp về thu, chi, quản lý quỹ, hơn ai hết họ biết rõ khoản nào thu đúng, khoản nào lạm thu. Cho nên trong trường hợp nếu phụ huynh đưa ra những khoản thu bất hợp lý thì nhà trường phải “nói không” lại ngay. Nhưng đằng này…
PV: …Nhưng đằng này lại lờ đi hoặc thậm chí còn “định hướng” cho Hội Cha mẹ học sinh lạm thu trong trường hợp có thể?
Bà Hồng Nga: Đúng thế. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh không phải trường nào cũng vậy. Bởi vậy, việc lạm thu trước hết trách nhiệm phải thuộc về Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên mà đứng đầu là hiệu trưởng.
PV: Thưa bà, các khoản lạm thu đó thường được các trường sử dụng vào việc gì?
Bà Hồng Nga: Để phục vụ cho những hoạt động ngoại khóa, công tác Đoàn, Đội, phong trào khuyến học và có trường dùng để khen thưởng cả giáo viên… Vì ngân sách Nhà nước không cấp kinh phí cho những hoạt động này. Bạn cứ hình dung giống như chi tiêu cho một gia đình, không đơn giản chỉ có tiền ăn, uống mà có cả tiền hiếu, hỷ…
Nhưng ngay cả trong trường hợp như vậy, như đã nói năm nay chúng tôi quy định không cho phép dùng những khoản thu tự nguyện để khen thưởng giáo viên và hạn chế tối đa lợi dụng phong trào này để lạm thu. Còn việc tư túi khoản lạm thu thì không thể xảy ra được vì có nguyên tắc tài chính… Chính vì vậy, mới dẫn đến một số hiệu trưởng chậc lưỡi cho rằng, không tư túi cho nên không ngần ngại, cứ thu quá lên một chút cũng không sao. Nhưng quan niệm như vậy là sai hoàn toàn và phiến diện.
PV: Như vậy, đối với những hiệu trưởng các trường bị phát hiện lạm thu, Sở GD-ĐT sẽ xử lý như thế nào để khắc phục tình trạng xử lý chưa nghiêm vẫn diễn ra ở những năm trước cũng như đủ sức phòng ngừa cho những năm sau?
Bà Hồng Nga: Sẽ có những mức độ sai phạm khác nhau nên hình thức kỷ luật cũng khác nhau. Nhưng nhẹ nhất là phê bình, khiển trách, có ghi vào lý lịch, chậm lại niên hạn tăng lương… Nặng nhất là cách chức hiệu trưởng. Tôi nghĩ rằng, với hình thức kỷ luật này, năm nay sẽ hạn chế nhiều tình trạng lạm thu tại các trường.
PV: Những khoản lạm thu sẽ xử lý như thế nào, thưa bà?
Bà Hồng Nga: Chúng tôi sẽ trả lại cho phụ huynh học sinh. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, trên địa bàn Hà Nội có 2.509 cơ sở giáo dục. Chắc chắn, chúng tôi không thể sát sao hết các trường. Vì vậy rất mong các vị phụ huynh hãy lên tiếng một cách công khai để chỉ rõ những cá nhân, tổ chức lạm thu để từ đó chúng tôi xử lý nghiêm khắc những trường hợp sai phạm.
PV: Xin được hỏi câu cuối cùng, như đã nói ở trên rằng, số tiền lạm thu đôi khi được sử dụng vào những phong trào Đoàn, Đội, hoạt động ngoại khóa… Vậy có cách nào để ngăn ngừa tình trạng lợi dụng những hoạt động này để lạm thu nhưng vẫn có kinh phí để cho những phong trào ấy hoạt động?
Bà Hồng Nga: Tôi hướng đến cách giải quyết, sẽ thu dàn trải trong một năm hoặc trước khi diễn ra phong trào nào thì thu kinh phí cho hoạt động ấy.
PV: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Theo Tú Anh
(Petrotimes)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)