Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

PGS. Đỗ Ngọc Khanh: Gia đình là bệ phóng của khoa học

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Lê Văn Hảo, PGS.TS Đỗ Ngọc Khanh và con trai. Ảnh: V.V
Trong tổng số 644 giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) được công nhận năm 2014 có 2 PGS khá đặc biệt. Họ là vợ chồng, cùng công tác ở Viện Tâm lý, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và cùng từng học ngành tâm lý học tại Nga 1983. Đó là PGS.TS Đỗ Ngọc Khanh và PGS.TS Lê Văn Hảo.
Cởi mở, thân thiện đó chính là những ấn tượng đầu tiên khi được dịp tiếp xúc với PGS.TS Đỗ Ngọc Khanh. Chị cho biết: Tôi và chồng, PGS.TS Lê Văn Hảo sinh cách nhau một ngày, cùng vào mùa thu năm 1962 nhưng ở hai thành phố khác nhau của Việt Nam. Tôi ở Hà Nội còn anh Hảo ở Hạ Long, Quảng Ninh. Không lớn lên cùng nhau nhưng năm 1983 chúng tôi học cùng lớp tại Liên bang Nga. Dù vậy, phải cuối năm thứ 2, đầu năm thứ 3 chúng tôi mới thực sự “bắt chuyện” với nhau. Đó như là một cái duyên trời định vậy. Ngày ấy, khi du học sinh Việt Nam sang Nga học thường được các anh chị lớp trên chăm sóc. Tôi lớp trên nên cũng quan tâm, chăm sóc các em mới sang. Trong một lần dẫn các em mới sang đi tham quan sông Đông, vì nhóm toàn con gái, lại phải chèo thuyền nên chị bạn tôi bảo phải rủ thêm một hai người bạn trai để phòng bất trắc. Bất đắc dĩ, tôi phải rủ anh bạn cùng lớp nhưng ở khác tầng đi cùng. Trong chuyến đi, trao đổi qua lại, tôi thấy anh bạn này cũng ổn đấy chứ. Từ lần ấy, chúng tôi hay nói chuyện, trao đổi với nhau hơn, rồi yêu nhau lúc nào không hay. Đến giờ, có lẽ may mắn lớn nhất của tôi chính là có được một người chồng như PGS. Lê Văn Hảo.
PV: Trong cuộc sống hàng ngày, điều chị thấy quý trọng nhất ở PGS. Lê Văn Hảo là gì?
Chúng tôi đều tương đồng về sở thích, lối sống giản dị. Không những thế, anh Hảo còn là một người rất biết chia sẻ công việc gia đình. Tôi còn nhớ năm 1997, khi sinh cậu con trai thứ hai được 4 tháng thì anh Hảo lên đường sang Úc học thạc sĩ. Sau một năm trở về thăm nhà, thấy vợ quá vất vả chăm và nuôi hai đứa con, anh đã quyết định dừng học một năm để giúp vợ. Con còn nhỏ, lại khó ăn, hay ốm nhưng mỗi lần tôi phải đi công tác xa, gọi điện về, anh đều nói con ngoan để tôi yên tâm công tác. Ngày đấy, chúng tôi rất khó khăn. Mẹ tôi mất sớm, ba tôi lại ở xa, còn bố mẹ chồng đều ở xa, chúng tôi vừa phải chăm con, vừa lo công việc. Trong năm đầu đời của con trai thứ hai, nếu phải lên cơ quan họp tôi mang con sang gửi hàng xóm. Thậm chí, có hôm anh lớn đến giờ đi học nhưng anh bé chưa dậy, tôi đành để con ngủ ở nhà, khóa cửa chở anh lớn đi học. Nhưng tôi thấy mọi thứ với mình đều ổn. Tôi nghĩ không gì bằng vợ chồng luôn đồng thuận và sát cánh cùng nhau. Vợ chồng tôi luôn thực hiện nguyên tắc càng nhiều cùng càng tốt. Chúng tôi luôn áp dụng nguyên tắc 4 cùng: Cùng làm việc nhà, cùng nhau đi bộ tập thể dục để có thời gian nói chuyện, cùng nhau làm việc đến khuya, thỉnh thoảng sắp xếp đi công tác cùng nhau. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi đã vượt qua rất nhiều khó khăn của cuộc sống.
Đó là trong cuộc sống, còn trong nghiên cứu khoa học, kỷ niệm nào mà chị thấy đáng nhớ nhất với anh?

Một hội thảo diễn ra tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Ảnh: I.T
Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất đó là thời gian hai vợ chồng cùng làm luận án tiến sĩ. Khi chỉ còn 3 tháng là đến hạn cuối cùng, hai vợ chồng tôi “vắt chân lên cổ” để làm. Ở chung nhà nhưng mỗi người một tầng, chỉ gặp nhau 30 phút lúc ăn trưa. Ngủ cùng giường nhưng không ai biết người kia đi ngủ lúc nào. Sở dĩ tôi làm tiến sĩ vất vả như thế là do tôi là khóa đầu tiên làm tiến sĩ tại viện, tôi lại học thẳng, không qua thạc sĩ, có nhiều chuyên đề phải học. Nhưng học xong, quy chế của Bộ GD-ĐT lại thay đổi, không công nhận kết quả đào tạo tại viện, tôi lại phải quay về ĐH Sư phạm Hà Nội học lại từ đầu. Còn anh, lẽ ra anh có học bổng để đi làm tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng anh nghĩ, nếu thế, quá thiệt thòi cho vợ nên anh làm trong nước. Tôi bắt đầu học tiến sĩ từ năm 2000 còn anh bắt đầu từ 2003. Đến 2005, cả hai người cùng làm luận án. Đã có lúc tôi nghĩ đến việc bỏ cuộc, nhưng may có anh kịp thời động viên nên đã vượt qua. Cuối cùng, anh và tôi bảo vệ luận án tiến sĩ cách nhau đúng một tháng.
Ngoài ra, trong công việc, anh rất nghiêm khắc với vợ. Những cái chưa biết, tôi có ý định “lười”, hỏi anh, anh nhất khoát không trả lời mà bắt buộc tôi phải tự tìm hiểu. Có được thành quả như ngày hôm nay có lẽ tôi phải cảm ơn anh vì sự nghiêm khắc đó.
Quan điểm của anh chị trong nuôi dạy con cái như thế nào?
Có lẽ vì bận nhiều công việc nên ngay từ nhỏ, tôi đã rèn cho con tính tự lập. Tôi có hai con trai, một cháu 27 tuổi, một cháu 18 tuổi đều khá độc lập. Giai đoạn hai vợ chồng chúng tôi làm luận án tiến sĩ, lúc đó cậu anh mới 17 tuổi, cậu em đang học lớp 3 nhưng bố mẹ bận, anh em đều tự lo cho nhau. Trong nuôi dạy các con, vợ chồng tôi luôn tuân theo phương pháp giáo dục dân chủ, cởi mở, tôn trọng. Các con luôn được bố mẹ tôn trọng và trao đổi ý kiến trong hầu hết các vấn đề của gia đình. Các con tự đưa ra quyết định những vấn đề của bản thân sau khi được bố mẹ góp ý. Việc nuôi dạy con, quan trọng nhất là dùng ảnh hưởng hơn là kiểm soát.
Trong thời gian tới, mong ước lớn nhất của chị là gì?
Tôi mong con trai thứ hai sẽ đỗ ĐH và trưởng thành.
Còn về mặt chuyên môn, tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều bạn trẻ say mê với ngành tâm lý học lâm sàng hơn. Bởi lực lượng này ở Việt Nam còn quá mỏng trong khi xã hội hiện đại đang rất cần những người làm việc về lĩnh vực này. Hiện ở Việt Nam mới chỉ có ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị duy nhất đào tạo ngành này bậc thạc sĩ.
Xin cảm ơn chị!
Nghiêm Huê
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)