PGS.TS Bùi Hiền nói thời gian qua có hai luồng ý kiến trước đề xuất cải tiến tiếng Việt của ông, thứ nhất là những nhận xét thật nghiêm túc mang tính khoa học; thứ hai không phải nhận xét mà là… phán xét.
PGS.TS Bùi Hiền |
Trao đổi với Giáo dục TP.HCM về công trình nghiên cứu của mình, PGS.TS Bùi Hiền cho biết:
– Tên công trình khoa học của tôi là “Cải tiến chữ Quốc ngữ”. Tại sao phải cải tiến cũng là có lý do và cơ sở. Khi viết hệ thống chữ hiện nay dễ mắc lỗi chính tả và thường phải kè kè một cuốn từ điển bên cạnh. Nhiều người chưa phân biệt được khi nào dùng là “X-S”, “Ch-Tr”… Nhưng nếu theo chữ mới, sẽ khó mắc lỗi vì không có khác biệt. Tuy nhiên, để phân biệt, chúng ta lại phải tùy vào ngữ cảnh để lựa chọn cách viết, chứ các chữ ấy sẽ không đứng một mình. Ví dụ “chanh” và “tranh” sẽ được viết chung là “canh”.
Hiện nay chữ “chanh” trong đầu ta mặc định là quả chanh, còn “tranh” là bức tranh – đấy là chúng ta gán cho nó chứ bản chất gán chữ nào cũng được. Giờ ta viết là “quả canh” thì trong ngữ cảnh đó không ai nói hay hiểu sang nghĩa bức tranh được cả, hay ngược lại viết “bức canh” thì không ai nói hay hiểu sang nghĩa quả chanh. Đấy mới là cái gốc, nói “tranh” hay “chanh” phải lấy bối cảnh là chính, còn viết “canh” chỉ là ghi lại. Hiện nay chúng ta đang bị phụ thuộc vào chính tả. Vì thế, tôi đưa ra đề xuất thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W = Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản tạm thời dùng ký tự “n” để biểu đạt. Chữ tiếng Việt là chữ tượng thanh, tức là không tượng ý và tượng hình, không biểu đạt âm và chữ mà chỉ là một quy ước ký hiệu không liên hệ với nhau về mặt ý nghĩa. Ký hiệu ngôn ngữ về tượng thanh thì ưu việt nhất là mỗi chữ một âm và ngược lại, mỗi âm một chữ. Chưa nước nào, ngôn ngữ nào làm được, đặc biệt khối sử dụng chữ La-tinh.
Tôi bắt đầu tập trung nghiên cứu đề tài này cách đây trên 20 năm. Thật ra, tôi đã công bố “Đề xuất phương án cải tiến chữ Quốc ngữ” lần đầu tiên trên tờ báo ngành của Bộ GD-ĐT ngày 8-9-1995, nhưng lúc đó mọi người chưa quan tâm lắm. Nội dung cũ mà tôi từng đề xuất cũng chưa thấy phản biện gì về mặt khoa học ở trên các diễn đàn. Và tôi tiếp tục nghiên cứu chứ không phải làm cái mới. Sau này tôi cải tiến thêm, bản mới đây là bản cuối cùng về phần phụ âm.
Tôi chưa có chủ đích muốn công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi, bài nghiên cứu của tôi mới được một nửa là về phụ âm, còn phần nguyên âm tôi vẫn chưa nghiên cứu xong. Khi phối hợp nguyên âm và phụ âm vào một chữ hay một từ còn là vấn đề nữa. Bây giờ, mới chỉ một phần của vấn đề này được đưa ra nên tạo ra sự “khập khiễng”, do đó nhiều người nói tôi bị điên cũng là dễ hiểu.
Vậy hệ thống chữ mới theo cải tiến của ông có ưu việt gì so với hệ thống chữ viết hiện hành?
– Nếu như bộ chữ cũ phải học mất một năm mới thành thạo, thì tôi nghĩ bộ chữ mới sẽ giản đơn hơn nhiều, thời gian sẽ được rút xuống ngắn hơn và giảm được công sức cho học sinh. Ví dụ học chữ “G” đáng lẽ chỉ cần trong một giờ đồng hồ. Nhưng chúng ta lại mất thêm nhiều lần thời gian đó để dạy học sinh học cả “G, Gi, Gh” nữa thì mới xong một âm. Khi ghép và viết lại tốn thêm một khoảng thời gian nữa.
Bộ chữ chắc chắn tiết kiệm khi từ 38 phụ âm tôi rút lại chỉ còn 31. Chữ “Nghi” chẳng hạn thì 4 ký tự mới ra được 1 chữ như hiện nay, nhưng tôi thay bằng chữ “q” khi quy cho nó giá trị bằng “ngh” và chỉ cần ghi “qi”. Tức đã giảm đi được một nửa số ký tự và cũng giảm một nửa thời gian viết hay đánh máy. Chưa kể tiết kiệm công sức và giấy, vật tư và tiền của. Tôi tính toán với một bản mà chữ mới như hiện nay chuyển sang chữ mới thì tiết kiệm được khoảng 8%. Nghĩa là, nếu cần sử dụng khoảng 100 tấn giấy thì theo chữ viết mới sẽ tiết kiệm được khoảng 8 tấn giấy. Nhân lên nhiều cuốn sách thì con số sẽ rất lớn.
Mọi người tưởng rất lạ và phải đào tạo lại, nhưng tôi nghĩ không quá khó. Nếu chỉ đọc thì có thể chỉ mất khoảng một ngày là thuộc lòng các ký tự đó. Còn nếu viết thì có thể lâu hơn do chưa quen, phải nhớ lại.
Bộ GD-ĐT không dự kiến áp dụng phương án nào cải tiến chữ viết Theo Chinhphu.vn, Bộ GD-ĐT vừa trả lời thông tin về đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông. Ý kiến của PGS.TS Bùi Hiền về cải tiến chữ Quốc ngữ là đề xuất trong một hội thảo khoa học của ngành ngôn ngữ học. Bộ GD-ĐT khẳng định trân trọng tất cả các công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học. Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế, cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ GD-ĐT không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay. N.Nam |
Việc học thuộc 9 chữ cái chỉ sau 1 tiếng, ai chậm thì sau 1 ngày là có thể nhớ được. Lượng tiền, sức bỏ ra không đáng kể so với những cái lợi mà tôi cho là lớn vô cùng.
Ông nghĩ đề xuất của mình liệu có khả thi?
– Trước tôi cũng có nhiều người nghiên cứu và có đề xuất về vấn đề cải tiến chữ viết. Nhưng người ta nghiên cứu không hệ thống mà chỉ chắp vá, thấy chữ nào đó bất hợp lý thì thay bằng một cái gì đó. Do đó, khi đưa vào thì khó được chấp nhận vì trở thành chắp vá, lủng củng và phá vỡ hệ thống. Giờ nếu làm như tôi, tức có hệ thống, toàn bộ chữ được cải tổ hết để nằm trong một hệ thống mới.
Tôi tin nếu chúng ta hiểu được lợi ích của nó rõ ràng ở nhiều mặt thì sẽ quyết tâm làm, nhưng phải từ phía Nhà nước có chính sách. Nếu như vậy thì khả thi 100%, chỉ có điều là nhanh hay chậm mà thôi. Về mặt khoa học tôi cố gắng, quyết tâm làm cho đến cùng. Nhưng làm được đến đâu còn phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó là sức khỏe. Tuy nhiên, dự định của tôi là sẽ trình bày phần còn lại của công trình về nguyên âm vào tháng 3-2018 tại một hội nghị ngôn ngữ.
Nếu không kịp thì có thể sang năm sau nữa. Nhưng tôi kiên quyết còn sống thì sẽ làm đến nơi đến chốn vì tôi thấy ích lợi của nó. Nếu làm một cách có bài bản thì tôi tin có thể thuyết phục được đa số.
Xin cảm ơn ông!
Thiên Lam (thực hiện)
Bình luận (0)