Mỗi bước chân trên đường đời có biết bao chông gai, trắc trở nhưng khi đã có niềm tin và quyết tâm thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Và PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là một người như thế.
Hơn 30 năm gắn bó với bục giảng và làm công tác quản lý, thầy đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: danh hiệu Phó giáo sư năm 2002; Nhà giáo ưu tú 2006; 2 bằng khen của Bộ GD-ĐT; 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục… Là thành viên của Hiệp hội Sửa chữa ô tô Úc, Chủ tịch Ban chấp hành Hiệp hội Kỹ sư ô tô Việt Nam.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng tưởng nhớ đến người thầy giáo Nga trong phòng làm việc của mình
|
Gian nan chuyện học
Sinh ra trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, xã An Chánh huyện Tuy An tỉnh Phú Yên, ngay từ nhỏ cậu bé Dũng đã tự tạo lập cho mình một ý chí và nghị lực mạnh mẽ trong học tập. Đạt điểm 10 môn toán khi tốt nghiệp THCS, Dũng được tuyển thẳng vào lớp chuyên Trường THPT Lê Quý Đôn học tại Nha Trang. Cuộc sống xa nhà, sau những giờ miệt mài bên đèn sách, Dũng cùng các bạn trong phòng lên núi đốn củi, đào hầm để hun cây làm than đem về bán kiếm tiền mua gạo, muối những khi “giáp hạt”. Nhớ lại thời gian này thầy Dũng chia sẻ: “Thời kỳ bao cấp, mọi cái đều rất khó khăn! Đậu vào lớp chuyên, cái khó của chúng tôi khi đó ngoài chuyện ăn, ở thì việc tự tìm kiếm tài liệu, sách tham khảo gần như không có. Nhưng có lẽ, chính vì thiếu thốn đủ thứ như vậy mà ngoài kiến thức được thầy cô giảng dạy trên lớp, việc tự học được tôi và các bạn đặt lên hàng đầu. Do đó, kiến thức cơ bản ai cũng nắm vững, gặp một bài toán khó đến mấy dù phải thức trắng đêm cũng phải tìm ra cách giải”. Sau khi tách tỉnh, Dũng được chuyển về học tại Trường chuyên Nguyễn Huệ tại thị xã Tuy Hòa, Phú Yên. Tự tin với kiến thức của mình Dũng đã dự thi vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Tin vui đến với Dũng còn hơn cả đậu ĐH khi nhận được giấy gọi đi du học bên Nga, do điểm thi của Dũng… đạt thủ khoa (29 điểm). Tuy nhiên, khó khăn tiếp tục “níu kéo” Dũng, học lớp tiếng Nga xong, về nhà làm lý lịch để gửi ra bộ. Thế nhưng lý lịch của Dũng bị quy kết: Tại sao, con em nhiều người có công với cách mạng không được chọn mà lại chọn con của viên chức chế độ cũ (trong khi thực tế ba Dũng là cán bộ ngầm của cách mạng). Khi đó Dũng tưởng không còn gì thì “quý nhân” xuất hiện, hàng xóm với gia đình Dũng có người làm cán bộ cấp cao ở trung ương về thăm quê và sang nhà chơi, khi biết sự việc người đó đã làm giấy và trực tiếp gửi ra bộ bảo lãnh cho Dũng. Vậy là Dũng được đi học. Học ở Nga 5 năm tất cả các môn học đều đạt điểm ưu (5 điểm tương đương với điểm 10 tại Việt Nam). Kết thúc 5 năm học, Dũng được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh (tiến sĩ) do đạt thành tích xuất sắc trong tất cả các môn học. Làm thủ tục chuyển tiếp nghiên cứu sinh rồi về VN học chính trị (1985). Về quê đợi giấy hẹn nhưng ăn tết xong vẫn không nhận được giấy báo và khi Dũng nhận được thì đã quá thời gian quy định. UBND tỉnh và bản thân Dũng gửi đơn khiếu nại ra bộ nhưng không được giải quyết. Vào Sài Gòn Dũng xin vào dạy tại Khoa Cơ khí, Trường ĐHBK TP.HCM nhưng lương “ba cọc ba đồng”. Đang gặp khó khăn thì được gặp thầy Trần Chí Đáo (nguyên Phó hiệu trưởng, Trường ĐHSPKT TP.HCM), giới thiệu sang làm giảng viên tại Trường ĐHSPKT và lo được hộ khẩu vậy là thầy chuyển qua dạy tại đây.
Phải nỗ lực hết mình
Thầy Dũng tâm sự: “Tôi không đặt mục tiêu là phải dẫn đầu, nhưng quan niệm của tôi là phải nỗ lực hết mình trong bất cứ việc gì thì mới có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Phải nỗ lực hết mình trong học tập, đào sâu nghiên cứu xung quanh vấn đề mình học chứ không chỉ học những nội dung bên trong quyển giáo trình của nhà trường, có như vậy thì mới hiểu biết sâu rộng và nắm chắc môn học của mình”. Vâng, qua câu chuyện của thầy tôi mới được khám phá nhiều hơn những quan điểm, tư duy của thầy kể cả khi làm giảng viên hay làm công tác quản lý. Đó là vào năm 1998, khi được cơ quan “cất nhắc” lên làm quản lý nhưng bản thân xác định: Một người giỏi chuyên môn chưa chắc giỏi quản lý và tình cờ thấy có học bổng học thạc sĩ quản lý giáo dục tại Úc, dù lúc đó bản thân đã đạt được học vị tiến sĩ (tại Nga) thầy đã mạnh dạn đăng ký dự thi và tiếp tục… đậu thủ khoa. Chia sẻ về quyết định này thầy nhấn mạnh: “Cả cuộc đời phải học, lĩnh vực nào không biết thì càng cần phải học. Những ai đã chấp nhận việc học của mình là đủ rồi thì chỉ có thể yên phận ở một vị trí và vị trí đó ngày càng xuống thấp, còn những ai muốn vươn lên thì chỉ có một con đường: học! Vì xã hội ngày nay là xã hội học tập, chỉ có bằng cách vươn lên nắm bắt những kiến thức mới hơn người ta, chiếm lĩnh được vai trò chuyên sâu của mình trong công tác mới cạnh tranh được với người khác. Dù bản thân ở cương vị nào thì việc học là việc quan trọng nhất”. Nếu là sinh viên chuyên ngành khác, chắc hẳn bạn sẽ phải ganh tị với các sinh viên ngành cơ khí động lực khi thầy giới thiệu cuốn từ điển Anh – Việt chuyên ngành cơ khí ô tô do chính tay thầy viết.Thầy đã bỏ ra ba năm để hoàn tất cuốn sách này, cuốn sách mà không phải chuyên ngành nào cũng có. Có lẽ sau những thăng trầm trong cuộc sống điều làm thầy thấy hài lòng nhất: những gì bản thân mong muốn thì đã đạt được một phần. Sau thời gian dài phấn đấu trong dạy và làm việc miệt mài thầy đã góp phần xây dựng được một khoa Cơ khí Động lực có uy tín, thương hiệu tại Việt Nam, được xã hội tin cậy và điều quan trọng nhất là thầy có một gia đình hạnh phúc, người vợ hiền thảo, các con học giỏi, trưởng thành trong xã hội. Tuy nhiên, điều thầy Dũng trăn trởvới sinh viên ngày nay: dù các em có điều kiện tốt hơn cho việc học, một môi trường học tập năng động… nhưng các em chưa nhận thấy và làm nổi bật trách nhiệm của bản thân mình với chính bản thân, gia đình và xã hội. Vì thế, việc học ngày nay của một bộ phận sinh viên là đối phó! Làm cách nào sau bốn năm, cầm được tấm bằng ra trường và tự mình thỏa mãn. Ý chí vươn lên, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, đất nước chỉ có trong một bộ phận nhỏ sinh viên, đó là điều rất đáng tiếc! Bởi đó là sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường (thực dụng) và một phần trong giáo dục.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Điều ấn tượng với tôi khi bước vào phòng thầy, đó là tấm hình chân dung một người thầy giáo Nga được thầy thờ và treo trang trọng giữa phòng. Ngày 14-6 hàng năm, trở thành ngày truyền thống để thầy cùng các bạn của mình tưởng nhớ về người thầy kính yêu. Người mà thầy coi là người cha thứ hai của mình, thầy Fesenko Mikhail Nikonorovich, một giáo sư tên tuổi của Liên bang Xô Viết trước đây.
|
Bình luận (0)