Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

PGS.TS Lê Hữu Lập: Nâng điểm, chẳng giải quyết việc sinh viên lười học

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Lê Hữu Lập (HV Bưu chính Viễn thông) cho rằng, nếu tăng lên mức 7 điểm mới đạt yêu cầu thì cũng chẳng giải quyết được việc “sinh viên lười học” hoặc “khuyến khích sinh viên học tốt hơn” trước đề nghị Bộ GD&ĐT sửa lại quy định bài thi thành 7 điểm, nếu không sinh viên sẽ lười học của GS. Trần Phương.

PGS.TS Lê Hữu Lập: Nâng điểm, chẳng giải quyết việc sinh viên lười học
PGS.TS Lê Hữu Lập

Trước đó, GS. Trần Phương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng “Khi thi, sinh viên mở sách ra làm bài dễ dàng đạt điểm 5. Vì vậy, GS Phương đề nghị Bộ GD&ĐT sửa lại quy định đó thành 7 điểm, nếu không sinh viên sẽ lười học” .

Với việc thi các môn có điểm trung bình toàn khoá 6,0 là đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đề nghị Bộ tăng lên thành 7,0 để khuyến khích sinh viên học tốt.

GS. Trần Phương còn cho rằng việc Bộ GD&ĐT quy định các trường chỉ cho phép sinh viên có điểm tổng kết toàn khoá học đạt học lực khá, giỏi thì mới được làm đồ án/khóa luận; những người không đạt phải thi là không ổn.

Theo GS. Trần Phương lý giải, chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nội dung đào tạo và thời lượng đào tạo.Trong khi Bộ yêu cầu các trường nâng cao chất lượng đào tạo nhưng chính sách đưa ra lại không tạo điều kiện để các trường thực hiện được.

Tăng lên mức 7 điểm mới đạt yêu cầu thì cũng chẳng giải quyết được việc “sinh viên lười học” hoặc “khuyến khích sinh viên học tốt hơn. Chất lượng giáo dục đâu có phụ thuộc vào quy định các mức điểm để đánh giá kết quả học tập là đạt yêu cầu, khá, giỏi hay xuất sắc.

PGS. TS Lê Hữu Lập

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Lê Hữu Lập (HV Bưu chính Viễn thông) cho rằng, từ trước đến nay trong hệ thống giáo dục, chúng ta dùng thang điểm 10 để đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên, trong đó: 5-6 điểm là đạt yêu cầu, 7 điểm là khá, 8-9 điểm là giỏi và 10 là xuất sắc, còn dưới 5 là không đạt. Đào tạo theo hệ thống tín chỉ với thông lệ quốc tế thì hệ thống thang điểm cũng từ thang điểm 10 phiên sang.

“Những gì toàn xã hội đã quen với cách đánh giá này thì không nên thay đổi”- Ông Lập cho ý kiến.

Ông Lập cũng cho rằng, nếu tăng lên mức 7 điểm mới đạt yêu cầu thì cũng chẳng giải quyết được việc “sinh viên lười học” hoặc “khuyến khích sinh viên học tốt hơn”, mà mức không đạt lại chạy từ điểm 0 đến 6. 

“Chất lượng giáo dục đâu có phụ thuộc vào quy định các mức điểm để đánh giá kết quả học tập là đạt yêu cầu, khá, giỏi hay xuất sắc”- Ông Lập khẳng định.

Quy định của Bộ GD-ĐT có cơ sở

"Về ý kiến của GS Trần Phương, việc Bộ GD&ĐT quy định các trường chỉ cho phép sinh viên có điểm tổng kết toàn khoá học đạt học lực khá, giỏi thì mới được làm đồ án/khóa luận; những người không đạt phải thi là không ổn", PGS Lê Hữu Lập cho rằng, đối với đào tạo đại học theo hệ thống niên chế thì sinh viên có kết quả trung bình chung học tập chỉ đạt yêu cầu (dưới 7 điểm) sẽ thực hiện thi tốt nghiệp. Còn đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì sinh viên này phải học các học phần thay thế tương đương học phần tốt nghiệp.

“Quy định này thực tế là có cơ sở của nó”- ông Lập nhận định.

Cũng theo ông Lập, hiện nay, số sinh viên thuộc các chuyên ngành của các trường là khá đông so với số lượng giảng viên thuộc các chuyên ngành đó (ước tính có thể trên 30 sinh viên tốt nghiệp/1 giảng viên chuyên ngành/năm).

“Nếu tất cả các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp này đều làm đồ án/khóa luận tốt nghiệp, thì thực sự giảng viên hướng dẫn tốt nghiệp sẽ quá tải, dẫn đến chất lượng đồ án/ khóa luận tốt nghiệp rất hạn chế, do không quản lý nổi”- PGS. TS Lê Hữu Lập.

Chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Lập cho rằng, nếu ngành nào, trường nào có đủ lực lượng giảng viên chuyên môn để hướng dẫn sinh viên đảm bảo chất lượng đồ án/khóa luận thì không nên hạn chế mức điểm làm đồ án/khóa luận tốt nghiệp đối với sinh viên.

Vì theo ông Lập, khi sinh viên được làm đồ án/khóa luận tốt nghiệp sẽ có cơ hội rèn luyện thêm cho sinh viên khả năng nghiên cứu khoa học để giải quyết  một vấn đề của chuyên môn, cũng như rèn luyện kỹ năng mềm khác như:  viết, trình bày báo cáo.

“Ở các nước phát triển thì việc làm đồ án/ khóa luận trước tốt nghiệp là đương nhiên, thậm chí là một thầy một trò. Tuy nhiên với hiện trạng giáo dục đại học của ta là rất khó do thiếu các điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường học thuật, đội ngũ giảng viên hướng dẫn, nhất là lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ”- Ông Lập cho biết thêm.

Đỗ Hợp (TPO)

Bình luận (0)