Y tế - Văn hóaThư giãn

PGS.TS Lê Tiến Dũng: Một cuộc đời kiên cường như tên gọi

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 10-4-2018, vừa đến trường, tôi đã bàng hoàng khi nhận được tin: Thầy tôi – PGS.TS Lê Tiến Dũng, giảng viên cao cấp, Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM – đã vĩnh viễn rời khỏi cuộc đời. Vẫn biết lâu nay thầy không khỏe, vẫn biết thầy đã kiên cường chống chọi với bệnh tật trong suốt gần 20 năm nay để làm chỗ dựa cho gia đình, cho các thế hệ học trò và chiếc lá ấy sẽ rụng rơi vào một ngày nào đó nhưng sao lòng vẫn bàng hoàng, đau xót. Thầy ra đi đột ngột quá! Biết bao nhiêu việc chưa làm xong, biết bao học trò đồng nghiệp còn cần thầy và con trẻ còn cần thầy. Vậy mà thầy đã vội ra đi…

1.Mặc dù chưa được học thầy nhưng “tiếng lành đồn xa”, tôi đã nghe danh thầy khi còn là sinh viên năm thứ 3, Khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm Huế. Thầy là một người tài hoa, là trong số ít người thầy tôi được biết, vừa viết hay vừa giảng văn hay. Những bài giảng của thầy có sức truyền cảm lớn, đặc biệt, những lớp luyện thi đại học của thầy lúc nào cũng chật kín học sinh.

Rồi tôi vào Sài Gòn học cao học, qua sự giới thiệu của thầy cô và bạn bè, tôi đã tìm đến thầy để mượn tài liệu cũng như nhờ thầy góp ý cho luận văn. Đó là vào năm 1994. Lần đầu tiên gặp thầy, tôi đã rất ấn tượng vì sự nhiệt tình, thân thiện, dễ mến và cũng rất “tâm lý” của thầy. Lúc đó, tôi hiểu hơn tại sao những giờ văn của thầy luôn có sức hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên. Rồi “duyên nợ” đưa đẩy, thầy đã trở thành người đồng hướng dẫn luận án tiến sĩ của tôi (cùng với người hướng dẫn 1 là PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân). Từ đó, tôi có nhiều dịp gặp gỡ thầy hơn. Nhưng rất tiếc, trong thời gian đó, thầy lại bị tai biến lần thứ 3 nên không thể nói được. Con người tài hoa với những bài giảng mượt mà, tràn đầy cảm xúc ngày nào bây giờ diễn đạt một câu nói, một suy nghĩ của mình cũng rất khó khăn. Nhưng mỗi lần đến gặp thầy để trao đổi về đề tài, thầy vẫn cố gắng góp ý cho tôi bằng cách viết ra giấy. Những lúc đó, tôi thấy thương thầy vô cùng…

2. Nhớ thầy, tôi nhớ đến một cuộc đời đầy nhọc nhằn, gian khó nhưng cũng rất kiên cường. Gần 20 năm sống chung với bệnh tật qua 3 lần tai biến, thầy vẫn sống mạnh mẽ và lạc quan, vẫn giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học; vẫn miệt mài viết sách, viết bài nghiên cứu khoa học. Nhìn vào danh mục với hơn 15 đầu sách là tác giả hoặc in chung với đồng nghiệp và gần 40 bài viết đăng trên các tạp chí và kỷ yếu hội thảo của thầy (phần lớn được ra đời trong khoảng thời gian thầy bị tai biến), chúng ta mới thấy được ý chí, nghị lực và tâm huyết của thầy. Trong đó, những tác phẩm: “Nhà phê bình và cái roi ngựa” (NXB ĐHQG TP.HCM, 2004), “Những cách tân trong thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932-1945” (NXB ĐHQG TP.HCM, 2004); “Giáo trình lý luận văn học” (NXB ĐHQG TP.HCM, 2004); “Giờ văn ngoài lớp” (NXB Trẻ, 2004); “Một lòng với văn nhân” (NXB Thanh niên, 2007); “Nhà văn và phong cách” (NXB ĐHQG, 2007), “Văn hóa cải lương Nam bộ” (NXB Văn hóa, văn nghệ, 2016, đồng tác giả)… đã thể hiện cái tâm và trách nhiệm của một nhà giáo, một nhà nghiên cứu – phê bình đối với văn học nước nhà.

3. Nhớ thầy, tôi nhớ đến một tấm lòng nhân hậu, bao dung. Còn nhớ, hơn 10 năm trước, khi phát hiện ra một đồng nghiệp có “vướng víu” với mình trong khoa học, tôi không biết phải xử lý thế nào cho hợp lý hợp tình thì nhận được điện thoại của thầy. Thì ra, thầy đã chủ động gọi người đó và hẹn tôi đến nhà riêng để nói chuyện. Hôm đó, trời mưa tầm tã, nước bò vào tận hiên nhà thầy ở đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Chúng tôi nghe thầy tiếng được tiếng mất nhưng hiểu rằng thầy muốn người ấy nhận lỗi và tìm cách khắc phục. Còn tôi, thầy muốn tôi thông cảm, bỏ qua mọi chuyện… Thực tình, lần ấy tôi đã bỏ qua cho người đồng nghiệp đó không phải hoàn toàn do sự rộng lượng của mình mà chính là vì sự nhân hậu của thầy. Không biết có lúc nào trong cuộc đời, người ta nghĩ đến thầy và thầm cảm ơn người đã “cứu” mình? Nhưng với tôi, đó là bài học ân tình mà tôi học được từ thầy…

Sau này, cuộc sống của tôi có quá nhiều thay đổi, tôi ít có dịp đến thăm thầy nhưng thực sự, trong lòng tôi lúc nào cũng nghĩ đến thầy. Sau chuyến công tác xa trở về, tôi đã định sẽ đến thăm thầy nhưng rồi… tôi đã chậm…

Giờ thì không còn cơ hội nữa rồi. Thầy tôi đã vĩnh viễn ra đi, khép lại một kiếp người với bao nhọc nhằn, cay đắng.

Thầy ơi! Thầy đã kiên cường bước đi trong cuộc đời gian khó, giờ hãy cứ nhẹ tênh mà đi vào cuộc chơi miên viễn! Bao thế hệ học trò, đồng nghiệp và người thân sẽ mãi nhớ thương thầy và thực hiện tâm nguyện của thầy.

TS. Trn Mai Nhân

 

 

Bình luận (0)