Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ: Muốn tích hợp môn sử phải có cơ sở khoa học

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ

Lịch sử (LS) sẽ là môn bắt buộc độc lập hay môn tích hợp bắt buộc? Đến giờ, tranh luận giữa Ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK), Bộ GD-ĐT và các nhà LS vẫn chưa có hồi kết.

Là người biên soạn SGK LS giai đoạn 2000-2014, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ – nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – cho biết: Với mỗi cấp học, trong CT-SGK mới yêu cầu đối với môn LS có sự khác nhau và mức độ yêu cầu tăng dần. Cụ thể, tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, như lời Bác Hồ đã dạy. Từ các yêu cầu này sẽ có các cách tiếp cận nội dung kiến thức khác nhau. Ví dụ, ở tiểu học, LS được tích hợp trong môn “Tìm hiểu xã hội” (lớp 4, 5). Trên cơ sở môn LS và địa lý (ĐL) trong kế hoạch dạy học hiện hành sẽ mở rộng với một số nội dung gắn với thực tiễn đời sống xã hội về con người, địa điểm, thời gian, môi trường xung quanh… Tích hợp sâu giữa LS và ĐL (và một số kiến thức về văn hóa, giáo dục công dân…). Chuyển từ học theo thông sử, ĐL tự nhiên, kinh tế – xã hội thành kể chuyện LS, ĐL, kết hợp Việt Nam với những câu chuyện tiêu biểu của thế giới. Xây dựng các câu chuyện, các chủ đề chung sử – địa, có chủ đề cơ bản là ĐL, chủ chủ đề yếu là LS, ở mức đơn giản dễ hiểu, dễ nhớ. Ở cấp THCS, hiện nay nhiều nước tích hợp nội dung về ĐL, LS, kinh tế, xã hội, giáo dục công dân… Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay chúng ta chưa có điều kiện tích hợp như vậy được. Chúng ta cũng chưa đủ khả năng để viết và chưa thể đào tạo giáo viên theo mô hình tích hợp một cách toàn diện theo đúng khái niệm, nội hàm của khoa học xã hội (KHXH), vì nếu đúng với khái niệm KHXH thì không chỉ có LS, mà còn có các môn chính trị học, kinh tế học… môn ĐL ở đây còn có cả ĐL tự nhiên, nên cũng có ý kiến gọi là môn sử – địa.

Do đó môn KHXH ở phổ thông của Việt Nam, trước mắt vẫn chỉ là tích hợp chủ yếu các lĩnh vực kiến thức về LS, ĐL, đồng thời lồng ghép tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hóa, khoa học… Sẽ xây dựng phần kiến thức chung cho LS và ĐL có những chủ đề tích hợp chung.

Ở THPT, chương trình sẽ được thiết kế theo chủ đề và trong mỗi chủ đề lại có chủ đề nhỏ (phụ thuộc vào nội dung LS mỗi chủ đề và số tiết quy định cho nó). Trong các chủ đề này có thể một phần “đồng tâm” để khái quát lại những nét cơ bản nhất về LS thế giới, LS khu vực và LS dân tộc, mà trọng tâm là các vấn đề về chính trị, tư tưởng, văn hóa, kinh tế, quan hệ quốc tế. Sẽ có chủ đề bắt buộc và tự chọn. Chủ đề bắt buộc sẽ thiết kế theo hướng chủ đề phần Cổ trung, Cận hiện được học theo các lớp 10, 11, 12. Chủ đề tự chọn theo hướng các vấn đề xuyên suốt từ Cổ đại đến Hiện đại. Điều này sẽ dành cho hội đồng bộ môn LS thảo luận, lựa chọn phương án tối ưu.

PV: Vậy theo ý kiến của ông, việc đưa môn học này theo hướng như dự thảo CT tổng thể của Bộ GD-ĐT sẽ để lại hậu quả như thế nào?

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ: Nếu không đặt đúng vị trí của môn LS thì HS sẽ học qua loa, đối phó, dẫn đến không hiểu biết đúng đắn về LS dân tộc, không biết đến cội nguồn của mình, không hiểu rõ ông cha ta dựng nước và giữ nước thế nào; không biết trân trọng quá khứ hào hùng của dân tộc cũng như những thành tựu mà thế hệ đi trước đã tạo ra; không có đủ hành trang để đi đến tương lai và hội nhập quốc tế. Nhiều thí dụ về việc không hiểu biết, nhầm lẫn đã có đối với HS mà các phương tiện thông tin đã đưa mà tôi thấy buồn không muốn nhắc lại.

Việc yêu cầu môn LS là môn độc lập bắt buộc có làm “nặng thêm” cặp của HS, trong khi chủ trương chung là giảm số lượng môn học, thưa ông?

Khi môn LS là môn bắt buộc thì không phải là “nặng thêm”. Trong dự thảo CT tổng thể mới của bộ, LS có mặt ở các phần sau: Môn LS tự chọn dành cho HS đi vào ngành sử; có 2 phân môn nữa là: LS trong môn KHXH ở lớp 10, 11; phân môn LS trong môn “Công dân với Tổ quốc”. Ngoài ra còn có chuyên đề môn học.

Kiểm tra hồ sơ thí sinh thi vào ngành sử tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Ảnh: A.K

Tôi xin nói về LS là môn tự chọn. HS nào sẽ tự chọn môn LS? Sẽ có rất ít. Theo tôi thì lớp trẻ hiện nay chạy theo xu thế hiện đại, thực dụng, học LS đâu có việc làm! Ngay cả khi các HS đã chọn khoa học tự nhiên, HS học phân môn LS trong môn KHXH thì các em học LS cũng chỉ là hình thức không có hứng thú gì. Thực tiễn ở phổ thông trước đây, khi định hình các môn thi tốt nghiệp, thì các môn khác còn lại sẽ không học, hay chỉ học qua loa mà thôi!

Cũng không thể nói kiến thức LS chỉ dạy ở phổ thông mà còn giáo dục LS bằng nhiều hình thức đa dạng khác. Chúng tôi thừa nhận về lý luận thì đúng, nhưng hiện tại đâu có làm được. Tại sao phải là môn bắt buộc thì những điều nói trên về mục tiêu, vai trò môn LS đã rõ.

Xin nhấn mạnh là trong điều kiện hiện nay ở nước ta khi các thế lực thù địch vẫn âm mưu phá hoại đất nước, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, nâng cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước cho người dân, nhất là thế hệ trẻ, HS thì không thể để môn LS là tự chọn được, mà là môn bắt buộc, độc lập ở THPT. Điều này như trên khi nói về hệ quả tôi cũng đã phân tích. Về vấn đề này các nhà sử học hàng đầu của Việt Nam như GS. Phan Huy Lê đã chỉ rõ nếu LS là môn tự chọn thì rất nguy hiểm. Có ý kiến cho rằng, nội dung LS còn được giáo dục tích hợp trong các môn học khác nữa! Mới gần đây còn có ý kiến nói tích hợp LS với môn sinh học, môn vật lý! Thực tình chúng tôi không hiểu được tư duy này!

Môn “Công dân với Tổ quốc” là một môn học mới, tích hợp của 3 phân môn: Đạo đức – công dân, LS và quốc phòng – an ninh; Việc tích hợp và tên gọi môn học này cần phải có cơ sở khoa học và thực tiễn xác đáng. Trên thế giới không có nước nào có kiểu “tích hợp” này? Nên chúng tôi đề nghị là bỏ phân môn LS trong môn công dân với Tổ quốc. Nghị quyết 29/NQTW đã chỉ rõ là tích hợp sâu ở lớp dưới, phân hóa dần ở lớp trên, nên ở đây không nên tích hợp cả phân môn LS vào “Công dân với Tổ quốc”.

Trở lại việc chị hỏi là Việc yêu cầu môn LS là môn độc lập bắt buộc có làm “nặng thêm” cặp của HS? Tôi cho là, khi LS là môn học bắt buộc thì HS sẽ không phải học phân môn LS trong môn KHXH và phân môn công dân với Tổ quốc nữa. Như thế có nghĩa là không nặng. Việc giảm môn học bắt buộc theo tôi không nên máy móc theo một số nước trên thế giới. Kinh nghiệm việc thành lập ĐH Đại cương theo quốc tế đã thất bại trong những năm 90. Cần vận dụng sáng tạo việc giảm môn bắt buộc, tăng tự chọn ở nước ta. Theo chương trình hiện có 4 môn bắt buộc, nay có môn LS đâu phải là nhiều, là nặng.

Ý kiến cá nhân tôi xin đề xuất môn LS là độc lập, bắt buộc, trong đó LS thế giới là tự chọn (LS 2); LS Việt Nam (LS dân tộc – quốc sử) là bắt buộc (gọi là LS 1) ở THPT. Đây chính là chấp hành lời dạy của Bác Hồ là “Dân ta phải biết sử ta”, cũng là thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) “Coi trọng hơn nữa các môn KHXH và nhân văn, nhất là tiếng Việt, LS dân tộc”.

Xin cảm ơn ông!

Nghiêm Huê (thực hiện)

“Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch vẫn âm mưu phá hoại nước ta, nếu không có tri thức về LS, HS không có hiểu biết đúng đắn thì sẽ rất nguy hiểm”, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ khẳng định.

 

Bình luận (0)