Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

PGS-TS Nguyễn Văn Huy – Cần có một văn miếu đương đại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Sau khi nói lời tạm biệt các đồng nghiệp Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với tư cách là một giám đốc lâu năm, PGS-TS Nguyễn Văn Huy tiếp tục tham gia dự án thành lập Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn di sản (CPD). Hỏi: “Sao PGS chưa nghĩ đến việc nghỉ ngơi?”. Ông cười: “Mình còn rất nhiều việc để làm. Chừng nào còn có thể cống hiến, hãy cứ cống hiến”

Gần gũi, đúng phong cách của một nhà dân tộc học, PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho biết ông “bị” thuyết phục về làm việc tại CPD bởi sự say mê, tâm huyết của nhóm giáo sư, tiến sĩ, cán bộ của Công ty Công nghệ và Xét nghiệm y học (Medlatec), những người đã đề xướng ý tưởng thành lập CPD.

Mất tới khoảng 6 tháng để tìm hiểu và xem xét, trao đổi, bởi dự án đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ, trong khi sức của công ty tư nhân thì có giới hạn, nhà dân tộc học này đã nhận lời. Ông bảo càng làm việc, ông càng nhận thấy sự nghiêm túc và quyết tâm của các nhà khoa học “tư nhân”. Thực ra, các công ty tư nhân có lãnh đạo tốt, làm việc khoa học đôi khi còn hiệu quả hơn một số cơ quan Nhà nước. Nhưng, PGS Nguyễn Văn Huy bảo rằng lý do chính thuyết phục ông đến với CPD chính là di sản của các nhà khoa học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là những di sản phi vật thể, đã trở nên quá “mong manh” và có thể biến mất bất cứ lúc nào.

Nguồn chất xám vô giá

Rất nhiều nhà khoa học đã mất đi với những công trình, tài liệu vô giá của họ, PGS-TS Nguyễn Văn Huy trầm buồn, cố GS Từ Chi (1925-1995) chẳng hạn. Khi còn sống, giới nghiên cứu khoa học dành tặng cho ông cái tên “nhà khoa học bên lề khoa học”, cả cuộc đời ông dành để nghiên cứu dân tộc học. Khi ông mất, tất cả những ký ức trong hai mươi năm ông kết nghĩa anh em, sống với cộng đồng người Mường để nghiên cứu tộc người này cũng mất theo.

Cũng may, những tài liệu, những công trình khoa học của ông còn được một người học trò cất giữ và sau đó trao lại cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trong đó có nhiều bản thảo được viết sau đơn thuốc, phiếu báo cơm của Bệnh viện Việt Đức. Trường hợp GS Trần Đức Thảo (1917-1993) cũng đau lòng, PGS-TS Nguyễn Văn Huy tâm sự. Ông sống cô độc, không có vợ con, lúc mất tại Pháp lại càng cô độc. Những bản thảo ông chắt chiu, tâm huyết giờ không biết ở đâu.

Mười năm sau khi GS Hoàng Xuân Hãn qua đời tại Pháp, vì những nguyên nhân khác nhau như thiếu kinh phí, thủ tục rườm rà… những tài liệu, ghi chép rất có giá trị của vị học giả khả kính này vẫn chưa được chuyển về Việt Nam dù trước khi mất, ông đã tha thiết muốn đưa số tài liệu này về quê hương để cống hiến cho đất nước. Gần đây, khi GS-Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng qua đời, toàn bộ ý tưởng mà ông đóng góp cho ngành khoa học nông nghiệp cũng không được ai ghi chép và truyền lại cho thế hệ sau.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy bảo, đó chỉ là một số ví dụ thôi, kể ra còn nhiều lắm, vì thế hệ các nhà khoa học đi trước thật sự là một thế hệ vàng với các tên tuổi: Đặng Văn Ngữ, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng… Ông tâm sự: “Tôi vẫn nói với anh em, ta phải xúc tiến nhanh dự án này. Khi các nhà khoa học vẫn còn đang cống hiến, hãy nhanh chóng ghi lại những ý tưởng, kinh nghiệm cuộc đời cũng như kinh nghiệm khoa học của họ. Đó thật sự là nguồn chất xám vô giá dành cho xã hội, cho những thế hệ sau”.

Phục dựng cuộc đời các nhà khoa học

CPD lưu giữ không chỉ những bản luận án tiến sĩ. PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho biết tham vọng của trung tâm là sẽ lưu giữ cả những bản thảo lần 1, lần 2, cả những bản thảo có bút tích của thầy hướng dẫn, cả những bản nháp, những ghi chép trên sổ tay công tác điền dã… để có thể qua đó phục dựng lịch sử cuộc đời từng nhà khoa học.

Qua đó hiểu được những tư tưởng của các nhà khoa học, sẽ thấy được sự tiếp nối từ thế hệ trước đến thế hệ sau, ví như Vũ Tuyên Hoàng tiếp nối Lương Định Của như thế nào, tiếp nối Đào Thế Tuấn ra sao… Ông kể bản thảo đầu tiên (viết bằng bút chì) bài phát biểu của cha ông (GS – nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên) trong lễ khai giảng trường đại học đầu tiên (tháng 11-1946) của nền giáo dục đại học cách mạng đã được người Pháp mang sang Paris cất ở một cơ quan lưu trữ. Bài phát biểu viết tay được coi như tuyên ngôn của nền giáo dục đại học nước ta đã được sống lại sau hơn nửa thế kỷ nằm ở Paris nhờ lưu trữ tốt và người ta biết trân trọng nó.

Khi được hỏi, bây giờ tiến sĩ thật cũng nhiều, nhưng “tiến sĩ giấy” không hiếm, thật – giả khó lường, nhỡ tôn vinh nhầm thì sao? PGS-TS Nguyễn Văn Huy trả lời ngay, không phải bây giờ mới có chuyện tiến sĩ bảo vệ “thành công” luận án tiến sĩ nhưng không dám nộp một bản luận văn cho Thư viện Quốc gia. Nhiều năm trước đã có chuyện phó tiến sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp ở Liên Xô và các nước Đông Âu giấu nhẹm luận văn của mình.

Nhưng, ông nhấn mạnh, chúng tôi hy vọng những gì chân chính sẽ chiến thắng. Việc lưu giữ di sản tiến sĩ cũng là một cách giúp xã hội càng có thêm nhiều cơ hội để thẩm định, so sánh hay dở. Do vậy chúng ta cần có một Văn Miếu đương đại. Hiện vật càng phong phú, càng công khai thì những nhà khoa học chân chính sẽ càng được tôn vinh, còn những người chạy bằng chạy cấp thì cũng như cái kim thôi, giấu đến mấy cũng có ngày lộ ra. Ông cũng cho biết, hội đồng cố vấn gồm 22 nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực khác sẽ cố vấn cho trung tâm trong quá trình thẩm định, lựa chọn và giới thiệu những cống hiến thật sự của các nhà khoa học.

Khởi động dự án Công viên Văn miếu đương đại

Chiều 27-9 tại Hà Nội, dự án Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam đã chính thức được khởi động mà hạt nhân là dự án công viên Văn Miếu với diện tích 20 ha tại xóm Tiếng, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Bia tiến sĩ ở Văn Miếu. Ngày nay, các tiến sĩ cũng sẽ được ghi danh

Quy hoạch công viên Văn Miếu đương đại sẽ gồm các khu tưởng niệm, mô phỏng Văn Miếu cũ và hệ thống văn bia mới dành cho các nhà khoa học, các tiến sĩ thời cận – hiện đại. Tại đây, tên của tất cả các tiến sĩ Việt Nam đã được công nhận trong nước và trên thế giới sẽ được ghi nhận trân trọng trên nền đá hoa cương.

Sau khi đi vào hoạt động, trung tâm có chức năng nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thông qua tiểu sử, ký ức, tư liệu và hiện vật cá nhân của các tiến sĩ, các nhà khoa học.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy là giám đốc chuyên môn của trung tâm, GS-Viện sĩ Phạm Minh Hạc làm chủ tịch. Hội đồng Cố vấn bao gồm nhiều nhà khoa học nổi tiếng như GS Phan Huy Lê, GS-TSKH-Viện sĩ Nguyễn Duy Quý…

Yến Anh (Theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)