Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Thi cử kiểu may rủi như hiện nay thì không ổn

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh xếp hàng chờ xét nguyện vọng 2 tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Năm 2012, thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã có nhiều đổi mới so với những năm trước. Đi đầu trong vấn đề này, ĐHQG Hà Nội đưa ra phương thức cải tiến thi cử của riêng mình nhưng cũng có thể áp dụng chung đối với hệ thống giáo dục ĐH, CĐ của Việt Nam. Phương thức này đã được ĐHQG Hà Nội thí điểm thành công ở phạm vi hẹp và dự kiến đến 2013, ĐHQG sẽ có cách thi của riêng mình.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQG Hà Nội chia sẻ: Trước khi nói về đổi mới, chúng ta phải khẳng định kỳ thi 3 chung có nhiều ưu điểm. Sau nhiều năm tổ chức 3 chung, không còn lộ đề thi, không còn tiêu cực, các lò luyện thi cũng không còn rộ lên, không có chuyện ra đề kém chất lượng. Toàn bộ hệ thống các trường ĐH, CĐ của Việt Nam đều có chung một mặt bằng, có chung một thang đo. Điều này tôi thấy rất hay. Có 3 chung mới xuất hiện trường điểm cao hơn hẳn nhưng có những trường ĐH, nhất là các trường mới thành lập gần đây do nhu cầu xã hội nên điểm chỉ lấy từ sàn.
Nhưng 3 chung cũng bộc lộ một số nhược điểm, đó là sức ép thi cử. Do thi cùng ngày, cùng đợt, nên cả xã hội vào cuộc, các thành phố lớn quá tải. Một năm, Nhà nước tổ chức thi một lần, đây là thi cử theo hình thức học tập niên chế. Nhưng hiện nay, Bộ GD-ĐT đang yêu cầu các trường chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, do đó, chúng ta phải đổi mới phương thức thi cử. Thi đầu vào là khâu đầu tiên của quá trình đào tạo ở ĐH, CĐ. Khâu đầu tiên này rất quan trọng. Nếu còn tổ chức thi cử theo kiểu may rủi như hiện nay thì không ổn.
PV: Theo ông, chúng ta nên đổi mới như thế nào?
– PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Từ năm 2010, Bộ GD-ĐT có chủ trương đổi mới tuyển sinh và giao cho các trường ĐH trọng điểm, đầu ngành như hai ĐHQG, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm Hà Nội làm thử đổi mới tuyển sinh. Cũng năm 2010, một số trường báo cáo với bộ đủ sức làm tuyển sinh riêng. Nhưng tuyển sinh riêng lúc bấy giờ theo tôi biết là kỳ thi riêng song vẫn theo hình thức chung: Vẫn 3 đề thi theo các khối thi, chỉ khác do trường ra đề, trường ra đáp án, trường chấm thi. Chính vì vậy, năm đó, ĐHQG Hà Nội có làm công văn gửi Bộ GD-ĐT khẳng định, việc đổi mới tuyển sinh ĐH rất quan trọng, quyết định tương lai của nhiều thí sinh. Do đó, chúng tôi tha thiết mong Bộ GD-ĐT thận trọng trong việc quyết định. Rất may mắn, một số ĐH đã đồng thuận với ý kiến này. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị không tổ chức một kỳ thi riêng, vẫn tiếp tục kỳ thi 3 chung. Năm 2011, cũng vẫn tổ chức kỳ thi 3 chung và kỳ thi vẫn thành công. Còn về điểm sàn, dù bộ giữ nguyên nhưng có nhiều trường ĐH vẫn kêu gọi Bộ GD-ĐT hạ điểm. Tôi nghĩ nếu chúng ta hạ điểm sàn xuống dưới 13 điểm (điểm sàn khối thấp nhất năm 2011) thì có những thí sinh, cộng tất cả các điểm ưu tiên, chỉ còn dưới 8 điểm là đỗ ĐH. 3 môn thi 8 điểm vào ĐH thì chất lượng ĐH của Việt Nam không thể “khoe” với ai, không thể nói đến vấn đề đẳng cấp. Trong khi đó, có một số trường lại lấy điểm đầu vào rất cao như ĐHQG Hà Nội, có những ngành 22 điểm mới vào được. Như vậy, đã bắt đầu có sự phân tầng trong hệ thống các trường ĐH. Việc giao tự chủ cho các trường trong tuyển sinh là hợp lý.
Nhưng, tự chủ như thế nào? Ai có đủ khả năng tự chủ? Đây là vấn đề cần bàn tới. Là ĐH đi tiên phong trong vấn đề này, chúng tôi thấy có 3 điều được đặt ra trong quá trình đổi mới:
Mục tiêu: Chủ trương của ĐHQG Hà Nội là đổi mới đánh giá đúng năng lực của người học. Làm thế nào để đánh giá đúng năng lực? Cách làm tốt nhất là chọn phương án mà cả thế giới đang làm và làm rất thành công, chúng ta chỉ cần chuyển giao công nghệ, sau đó đưa vào Việt Nam, phù hợp với điều kiện Việt Nam rồi cho vào ngân hàng đề thi. Chúng ta không thể áp dụng theo kiểu của Mỹ. Vì chỉ một ví dụ đơn giản nếu hỏi: Bạn đi máy bay có cần đặt vé trước không? ở Mỹ sẽ là không, còn ở Việt Nam, trả lời như thế là trượt.
Thứ hai, khắc phục được bất cập của 3 chung. Đó là giảm tải sức ép, giảm tải, giảm may rủi trong kỳ thi. Đổi mới tuyển sinh phải làm thường xuyên, để phù hợp với đào tạo theo tín chỉ. Dự kiến của ĐHQG là cứ hai tháng tổ chức thi một lần, nếu sau này các trung tâm tuyển sinh của các trường phát triển thì có thể một tháng tổ chức thi tuyển sinh một lần. Thế mới “vui”. Có những trung tâm suốt ngày chỉ làm tuyển sinh. Chúng ta có thể tổ chức thi tuyển quanh năm.
Thứ 3 là kết quả đánh giá này phải có giá trị trong toàn quốc, không của riêng ĐH nào.
Đây đúng là phương thức thi mới. Nhưng có vẻ như chưa thể áp dụng ngay tại Việt Nam. Theo ông, vì sao?
Khi đưa vấn đề này, tôi thấy có một số khó khăn.
Một là phải có đầy đủ chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực để chuẩn bị một ngân hàng đề thi đúng năng lực, đúng sở trường, đúng khoa học. Chuẩn như quốc tế đã từng làm.
Hai là các ĐH trọng điểm phải ngồi lại với nhau, dưới sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT để thống nhất với nhau về quan điểm, về tiêu chí, hợp tác với nhau thì mới làm được việc này.
Ba là Bộ GD-ĐT phải quyết định ba-rem có bao nhiêu nấc. Ví dụ nhảy cao 1,6m thì có thể vào bất cứ trường ĐH nào; 1,2m thì có thể vào các trường trọng điểm; 80cm thì chỉ vào CĐ. Thang của mình cũng phải chuẩn, dễ quá thì không nên tổ chức thi, còn khó quá cũng không được, sào cao tới 2m thì đến vận động viên quốc gia cũng không nhảy được. Đây là vấn đề khó trong đổi mới tuyển sinh.
Bốn là tuyển sinh ở các vùng miền. Hà Nội dự kiến 2 trung tâm, miền Trung 2 trung tâm, TP.HCM – Cần Thơ là 2 trung tâm. Các trung tâm này giống như các trung tâm tổ chức thi ngoại ngữ lấy chứng chỉ của quốc tế. Thí sinh cứ đóng tiền, các trung tâm tổ chức cho thi trên máy tính, có kết quả luôn, thí sinh cầm “chứng chỉ” này đến các trường. Lần này không đỗ thì một hai tháng sau thi lại. Các trung tâm tổ chức thi quanh năm. Sức ép thi cử không còn đè lên xã hội nữa.
Theo ông, thí sinh sẽ thi ở điều kiện cần là những môn gì?
Cái đó chúng tôi đang bàn. Nhưng tôi cho rằng đó là kiến thức nền, có thể là khoa học cuộc sống, khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn, ngoại ngữ… Đề thi này không bị ràng buộc bởi môn nào. Trong đề thi đó là 100 câu, có cả tự luận, có cả trắc nghiệm. Nó gần như đề thi của SAT nhưng đa dạng hơn, không đánh đố. Như thế mới bình đẳng và đánh giá đúng năng lực. Bởi năng lực của con người phát triển rất đa dạng. Và việc thi này theo tôi cũng không phân biệt lứa tuổi. Ai muốn thi cũng được.
Để có điều kiện đủ, biết đâu một số trường sẽ tổ chức kỳ thi thứ hai. Ông có nghĩ rằng điều này sẽ là điều kiện để các lò luyện thi phát triển?
Việc này là phải do bộ ra các văn bản quy định, yêu cầu các trường không được phép thi nữa.
Vậy trong năm 2012, ĐHQG đã áp dụng phương thức này chưa?
Chúng tôi đã thí điểm phương thức thi này đối với một chuyên ngành sau ĐH và đã thành công. Tuy nhiên, mới chỉ thành công ở quy mô nhỏ, vừa phải. Bây giờ muốn làm lớn, quỹ thời gian không kịp, vì chỉ có 4 tháng để chuẩn bị. Do đó, năm 2012, ĐHQG Hà Nội vẫn 3 chung. Quan điểm của trường là phải chuẩn bị kỹ. Nếu chưa kỹ, nghi vấn thì phải thí điểm đã. Và chậm nhất là 2013 sẽ tiến hành thi theo hình thức này.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê

Bình luận (0)