“Sau 3 năm nếu không hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm, chịu kỷ luật trước UBND TP”. Đó là khẳng định của PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM tại buổi lễ công bố “Quyết định thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP TP.HCM” sáng 11-3.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao quyết định cho bà Phạm Khánh Phong Lan sáng 11-3. Ảnh: Q.Huy |
Tham dự buổi lễ có Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng đại diện các bộ, ngành và TP.
Dịp này, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan về việc ngăn chặn thực phẩm bẩn, nhất là trong khu vực trường học.
PV: Thưa bà, để đem đến nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, Ban Quản lý ATTP TP sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì?
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Ban Quản lý ATTP TP sẽ luôn đồng hành cả “xây và chống” – những nhiệm vụ này thực ra không mới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhưng ở mức độ làm sao cho chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Ban sẽ triển khai mô hình thí điểm về thực phẩm an toàn. Vì TP đang tồn tại song song hai hình thức siêu thị và chợ truyền thống. Bản thân mỗi siêu thị với thương hiệu của mình cũng có trách nhiệm đảm bảo ATTP nhưng vẫn không ngoài sự kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý để đem đến sự tin tưởng cho người dân. Còn chợ truyền thống, ban sẽ tập trung hệ thống thanh tra đầu tiên là ở 3 chợ đầu mối của TP với lực lượng thanh tra có mặt 24/24 giờ cùng với hệ thống phòng xét nghiệm nhanh để sàng lọc các thực phẩm rau – củ – quả, hải sản, thịt khi về các chợ này. Do nguồn hàng về đây rồi mới tỏa ra các chợ khác để đến tay người tiêu dùng. Lực lượng thanh tra các quận, huyện sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Một đối tượng mà ban hết sức lưu ý, đó là bếp ăn tập thể, chợ chiều cho công nhân, do việc mất ATTP tại những bếp ăn, chợ chiều này rất cao. Nhưng muốn kiểm soát được đòi hỏi phải có sự đồng bộ trong chính sách, chúng tôi muốn làm rõ hơn trách nhiệm của người chủ doanh nghiệp – họ phải chịu trách nhiệm về sức khỏe và bữa ăn cho công nhân, họ không thể phó mặc cho người thầu và đối tượng trung gian.
Hiện nay TP có mấy trăm trường tổ chức bán trú (tự nấu tại bếp ăn của trường hoặc đặt suất ăn công nghiệp), ban sẽ hỗ trợ ngành GD-ĐT như thế nào nhằm đảm bảo bữa ăn an toàn cho HS?
– Chúng tôi sẽ đồng hành cùng nhà trường để ngăn chặn thực phẩm bẩn. Ban sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT TP về vấn đề này, hai bên sẽ phải ngồi với nhau để bàn bạc, đưa ra những tiêu chí, cách làm cụ thể cho vấn đề thực phẩm trong nhà trường. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới các bếp ăn trong nhà trường cũng như việc các doanh nghiệp đưa suất ăn, sữa tươi, bánh kẹo vào nhà trường. Ban sẽ hỗ trợ, từ công tác tuyên truyền về vệ sinh ATTP đến cách chế biến, bảo quản thực phẩm và cả cách giám sát được nguồn thực phẩm đưa vào nhà trường.
Không để thực phẩm bẩn xuất hiện trên địa bàn TP Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã giao cho Ban Quản lý ATTP TP 3 nhiệm vụ cụ thể. Một là, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ để xây dựng tổ chức, kiện toàn bộ máy các phòng ban, bố trí nhân sự có phẩm chất tốt, trình độ năng lực chuyên môn cao. Sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao từ nguồn nhân sự tiếp nhận của 3 sở là Sở Công thương, Y tế và NN&PTNT; hai là nhanh chóng xây dựng kế hoạch năm 2017 với nội dung công việc rõ ràng, tiến độ thời gian cụ thể, phân công phụ trách theo dõi gắn với mục tiêu yêu cầu đề ra trong từng nội dung để triển khai hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực. Kịp thời tham mưu cho UBND TP ban hành các chủ trương, chính sách nhằm tăng cường hơn nữa tính hiệu quả quản lý trong công tác ATTP; ba là xây dựng quy chế phối hợp với các sở – ngành có liên quan, với UBND 24 quận, huyện nhằm tạo mối quan hệ công tác thông suốt, mạng lưới quản lý chặt chẽ từ TP đến cơ sở với vai trò, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng. Không để xảy ra tình trạng xuất hiện, mua bán thực phẩm không an toàn trên địa bàn TP. |
Như bà đã biết, hàng rong trước cổng trường là mối nguy lớn về vấn đề ATTP đối với HS. Ban Quản lý ATTP TP có cách nào để ngăn chặn mối nguy này?
– Hàng rong bên ngoài cổng trường thuộc về thức ăn đường phố, ban sẽ tổ chức lực lượng thanh tra đến tất cả các quận, huyện. Lực lượng này sẽ thường xuyên liên tục có kế hoạch giám sát các hoạt động buôn bán thực phẩm, thức ăn tại các cổng trường học và trên các hè phố. Tôi xin khẳng định, lực lượng thanh tra sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Theo quyết định của UBND TP thì thời gian giữ chức vụ của bà và các phó trưởng ban Ban Quản lý ATTP TP là đến tháng 12-2019. Từ nay đến đó chỉ có 3 năm – thời gian không dài nhưng ban lại đưa ra rất nhiều vấn đề, mục tiêu để thực hiện. Theo bà, ban có làm được hay không?
– Vần đề là chúng ta không có lựa chọn nào khác vì cái gì cũng quan trọng, không thể bỏ bớt bất cứ một cái nào. Rõ ràng, chúng tôi không bắt đầu từ con số 0 mà được kế thừa thành quả của 3 sở (Sở Công thương, Sở Y tế và Sở NN&PTNT) đã làm được trong thời gian vừa qua. Chỉ có điều, trong quá trình làm đấy có những bất cập, chồng chéo trong việc áp dụng pháp luật và khi có việc cơ quan này phải bàn bạc với cơ quan kia nên rất mất thời gian. Đó là cái yếu trong hệ thống quản lý của chúng ta. Mặt khác, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về vệ sinh ATTP còn nhẹ, chưa có tính răn đe, thủ tục còn nhiêu khê. Việc TP quy về một mối là Ban Quản lý ATTP TP với quyền hạn mà UBND TP giao phó, ban sẽ đề xuất, tham mưu, đấu tranh để cải tiến những lỗ hổng này.
Ban cũng sáng tạo, linh động trong việc xử phạt những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm vệ sinh ATTP cao hơn luật cho phép. Vì đơn cử như trong 5 năm vừa qua, nếu tính mức xử phạt những đơn vị vi phạm chưa tới 200 đồng/đơn vị thì không có ý nghĩa gì cả. Vì vậy, ngoài việc xử phạt nặng, ban còn công khai danh tính những đơn vị vi phạm trên trang website của ban cũng như chia sẻ thông tin cho báo chí để người dân biết nhằm tẩy chay những doanh nghiệp làm gian, làm giả này – Đây chính là một hình phạt hết sức nghiêm khắc.
Xin cám ơn bà!
Lê Quang Huy (thực hiện)
Bình luận (0)