Nhịp cầu sư phạmGương sáng

PGS-TS Phan Xuân Biên: Có một góc đời hướng về giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Một lần ngồi trò chuyện với tôi, thầy giáo Đoàn Minh Điền, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Nghi (Hà Tĩnh) phân trần: “Phòng truyền thống nhà trường mới thành lập nên còn thiếu một số hình ảnh, tư liệu về vua Hàm Nghi chúng tôi chưa biết tìm đâu ra?”. Tôi liền hiến kế: “Không có gì khó cả, cứ liên hệ với PGS-TS Phan Xuân Biên mọi việc sẽ xong”.

Đúng như tôi nói, hai tháng sau thầy Điền gọi điện thoại cho tôi báo tin mừng là đã có một số tư liệu bằng đĩa CD về cuộc đời của vị vua Hàm Nghi nhất là trong thời kỳ ông bị bọn thực dân Pháp lưu đày ở nước ngoài mà người cung cấp tư liệu đó cho trường là PGS-TS Phan Xuân Biên – lúc đó là Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy TP.HCM.

PGS-TS Phan Xuân Biên (thứ 3 từ phải sang) thăm gian hàng bưởi Phúc Trạch năm 2007
Nặng nợ với những ngôi trường quê hương
Lý do mà tôi chọn PGS-TS Phan Xuân Biên vì trước hết tôi biết ông là người luôn gắn bó với miền đất gió Lào cát trắng quê nhà. Nhưng điều quan trọng hơn ông là một trong những người Hà Tĩnh luôn tìm mọi cách để giúp đỡ bà con nghèo khó trong đó có những ngôi trường vùng rẻo cao như Trường THPT Hàm Nghi. Bữa đó từ huyện Hương Khê, Hiệu trưởng Điền gọi điện cho tôi với giọng nói phấn khởi vì đã nhận được món quà quý của PGS-TS Phan Xuân Biên. Điều mà thầy giáo Điền khâm phục là dù đương chức Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy TP.HCM có biết bao công việc bề bộn và chỉ qua một cú điện thoại thế mà ông vẫn không quên lời hứa.
Cách đây 2 năm, bà con nhân dân huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) như có một ngày hội lớn khi được tham dự Đêm kỷ niệm 40 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc (1968-2008). Đã từng tổ chức và tham gia nhiều chương trình lễ hội tại quê nhà nhưng chưa có chương trình nào đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm với PGS-TS Phan Xuân Biên như thế. “Tôi không thể nào quên được đêm văn nghệ đó. Sân khấu ngoài trời không đủ chỗ đến mức độ bà con phải kéo nhau lên các ngọn đồi để theo dõi dù nhìn không rõ. Nhìn thấy nhiều người cả già lẫn trẻ đã rơi nước mắt nghe các bài hát về 10 nữ liệt sĩ Đồng Lộc tôi cũng cầm lòng không đặng” – TS. Biên xúc động nhớ lại. Được Thành ủy TP.HCM cử làm trưởng đoàn, TS. Biên thấy đây là một vinh dự rất to lớn nhưng điều quan trọng hơn là chương trình kỷ niệm đó đã làm thỏa ước nguyện của ông và tất cả bà con nơi đây.
Mấy năm nay một số huyện miền núi Hương Khê thường bị thiên tai hoành hành, nhiều trường học bị lũ quét làm cho bàn ghế bị hư hỏng, học sinh thiếu sách vở, khó khăn khi trở lại trường. Điều đó càng làm ông băn khoăn day dứt. Dù lúc ăn hay khi ngủ, hình ảnh những đứa trẻ nghèo bên ngôi nhà trống hoác, mấy ngôi trường nghiêng ngả cứ thường trực trong đầu ông. Tìm cách sắp xếp công việc, ông tranh thủ “lên đường” cùng với các đoàn cứu trợ từ TP.HCM ra thăm hỏi các tỉnh ở miền Trung. Gần đây nhất, đầu tháng 10-2010 trước khi ra thủ đô dự hội thảo chương trình Lễ hội 1.000 năm Thăng Long, đoàn đại biểu của UBND TP.HCM do ông Nguyễn Văn Đua – Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM dẫn đầu đã tranh thủ ghé qua Hà Tĩnh để giúp đồng bào vừa gặp lũ. Bà con ở đây cảm động dâng trào nước mắt khi thấy TS. Biên – người có mái tóc trắng xóa thường xuất hiện trên ti vi – cùng ông Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua xắn quần đẩy những xe bùn được hốt lên từ sân Trường TH Đức Giang (huyện Vũ Quang). Sau đó TS. Biên cùng đại diện Công ty Bia Sài Gòn vượt qua vài chục cây số nữa đến Trường TH Phương Mỹ, TH Hương Đô (Hương Khê) tặng mỗi trường 50 triệu đồng để giúp các em học sinh đang gặp khó khăn vì lũ.
Dù ở xa cả ngàn cây số nhưng lúc nào trái tim ông cũng ngóng trông về quê nhà. Ông biết ở đó có nhiều đứa trẻ đang chịu lắm thiệt thòi, nhiều ngôi trường nhà tranh vách nứa tạm bợ sau mấy mùa lũ đi qua. Một lần về Hòa Hải thấy ở đây là một xã biên giới có trường THCS rất đông học sinh nhưng lại thiếu phòng máy vi tính thế là ông âm thầm đi vận động được hơn 200 triệu đồng để trang bị một phòng máy vi tính giúp thầy trò vùng sơn cước này có thêm cơ hội tiếp cận với CNTT.
Gắn bó và trăn trở với giáo dục đại học
Ông thường tâm sự, ở những vùng quê còn khó khăn ai cũng cố học cho giỏi để thoát nghèo. Hồi nhỏ những đứa trẻ ngồi học bài luôn để củ khoai trước mặt để khi nào học xong đói bụng thì lấy ăn. Lẽ thứ hai nhìn vào củ khoai để các sĩ tử tâm niệm học cho giỏi sau này khỏi phải ăn khoai trừ bữa. Chính vì vậy mà ngay từ nhỏ mấy anh em của ông được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn dù khó khăn đến mấy. “Năm tôi học xong cấp 2 cả huyện chưa có một trường cấp 3 nên tôi phải xuống thị xã học Trường Phan Đình Phùng. Bạn bè tôi ai cũng chịu thiệt thòi từ nhỏ nhưng rất chịu học” – ông bộc bạch. Theo TS. Biên, đó là hình ảnh của cả một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ vất vả nhưng giàu ý chí. Người mà có ảnh hưởng nhất đối với ông chính là ông anh trai cả trong gia đình. Năm 1956 từ trong quê nghèo người anh trai đã trở thành lứa sinh viên đầu tiên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đúng 10 năm sau TS. Phan Xuân Biên đã nối tiếp được truyền thống hiếu học của dòng họ Phan Tùng Ảnh (Đức Thọ) để bước chân vào Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Sau này nói chuyện về gia phả tôi mới biết ông cũng nằm trong nhánh họ Phan của ông nội tôi mà nhánh họ này đã sản sinh ra những nhà trí thức cách mạng như lãnh tụ khởi nghĩa Hương Khê Phan Đình Phùng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phan Anh, PGS. Phan Trọng Luận… cùng với nhánh họ Phan Đăng Lưu, Phan Huy Chú, Phan Huy Ích, Phan Huy Lê…
Tháng 9-1970 sau khi tốt nghiệp ĐH ông cùng đoàn cán bộ đi B vượt Trường Sơn vào Nam và được phân công về Thành ủy Sài Gòn – Gia Định hoạt động. Chính trong thời gian này từ một thư ký Tư lệnh trưởng phân khu ông trở thành thầy giáo dạy bổ túc văn hóa trong vùng chiến khu. TS. Phan Xuân Biên nhớ lại: “Duyên đến với nghề dạy học cũng rất bất ngờ. Một hôm ông Trần Hải Phụng – lúc này là thủ trưởng đơn vị – kêu tôi lại và khuyên tôi đứng lớp cho các anh em trình độ còn thấp. Thế là một tuần sau tôi trở thành thầy giáo của hơn 20 học viên trong trung đội bảo vệ”. Một mình ông “ôm” luôn 2 môn văn và toán từ lớp 1 đến lớp 7 (hệ 10 năm) để xong trình độ cấp 2. Duyên nợ đó còn theo ông cho đến năm 1977 khi ông về công tác tại Viện Khoa học Xã hội TP.HCM. Sau ngày miền Nam giải phóng học trò của ông không phải là người lính mà là những sinh viên trẻ của Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM. Năm 1984, sau khi đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô (nay là Liên bang Nga) về, ông trở lại “ngôi nhà cũ” là Viện Khoa học Xã hội TP.HCM và tiếp tục bước lên giảng đường làm giảng viên các trường ĐH như ĐH Sư phạm, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Hùng Vương. Khi mới 42 tuổi ông là người trẻ nhất thuộc lĩnh vực khoa học xã hội trong đợt Nhà nước phong học hàm phó giáo sư năm 1991.
Không chỉ nặng tình với giáo dục quê hương TS. Phan Xuân Biên còn là người duyên nợ với giáo dục ĐH. Tuy phụ trách công tác tư tưởng văn hóa nhưng TS. Biên lại có gần 40 năm đứng trên bục giảng nên ông rất gắn bó với nền giáo dục ĐH trong nước. Ông khẳng định, tuy là ngành học còn non trẻ nhưng giáo dục ĐH Việt Nam đã có nhiều thành tựu to lớn nhất là thời kỳ sau năm 1954. Lúc đó các trường ĐH đứng trước muôn vàn khó khăn, phải đi sơ tán nhiều nơi, thiếu tài liệu sách vở, thời gian học không nhiều nhưng trường nào cũng dạy và học chất lượng. Gần đây, tuy giáo dục ĐH tăng về số lượng trường lớp, về quy mô đào tạo nhưng lại đang tỷ lệ nghịch với chất lượng. Đây là điều ông trăn trở nhất. Không chỉ trách sinh viên không thực học mà vẫn còn tình trạng thầy cũng chưa thực dạy. Giảng viên chỉ chú tâm vào chuyện lên lớp thì còn thời gian đâu mà nghiên cứu, tự học tự bồi dưỡng. Cũng như nhiều chuyên gia đánh giá, giáo dục ĐH đang mở rộng nhưng không chuyên nghiệp và ít nhiều còn nghiêng về kinh doanh. Hàng năm cho ra nhiều kỹ sư, cử nhân nhưng thiếu chuyên sâu đó là chưa nói đến chương trình giảng dạy ĐH chưa phù hợp. “Đất nước cần ĐH nhưng tất cả đều vào ĐH là không hợp lý. Ngay cả chủ trương một tỉnh có một trường cũng không nên” – TS. Biên thổ lộ. Theo ông chỉ cần tập trung vào các trường ĐH đầu đàn ở từng khu vực, vùng miền là được. Phải kết hợp nghiên cứu khoa học với việc giảng dạy để có sự hỗ trợ cho nhau, cứ bỏ quên nghiên cứu khoa học thì người thầy giáo dễ biến thành “thợ” dạy.
Nhiều năm qua tuy bận rộn với công tác quản lý nhưng TS. Biên luôn say mê với việc nghiên cứu và đứng chủ biên nhiều bộ sách như: Địa chí Bình Dương (4 tập), Lịch sử Đảng bộ Long An, TP.HCM – 30 năm xây dựng và phát triển, Sài Gòn – TP.HCM xây dựng văn hóa đô thị trong quy trình đô thị hóa, Một số vấn đề xây dựng chính quyền đô thị, Văn hóa Chăm, Văn hóa Raglai…Đến phòng làm việc của ông không ít người đã thực sự ngưỡng mộ một tủ sách đồ sộ mà chủ nhân cũng chính là tác giả.
Hơn một năm nay không còn làm công tác quản lý nên ông có nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu với vai trò là chuyên viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Phát triển, Tổng biên tập trang web Thành ủy, Tổng thư ký Hội đồng Khoa học TP, Phó chủ tịch Hội Sử học Việt Nam. Hơn 60 tuổi nhưng ông cảm thấy công việc của mình mới thật sự bắt đầu. Mỗi khi hướng dẫn các học trò làm nghiên cứu sinh hay cao học, ông lại thấy phấn khởi trong người vì các ngành khoa học lại có thêm một thạc sĩ giỏi, một tiến sĩ năng lực và lúc đó ông mới được thấy mình đang hít thở trong một môi trường nghiên cứu khoa học đầy niềm đam mê.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Cũng như mọi năm, cứ sắp đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 PGS-TS Phan Xuân Biên lại thấy rạo rực trong lòng vì nhớ tới thầy cô cũ và kỷ niệm thời đi học gian khó đang hiện về. Ông cũng vui hơn khi mình được may mắn và vinh dự đứng vào đội ngũ các nhà giáo TP.HCM và cả nước để đón nhận những bó hoa nghĩa tình tươi thắm từ các thế hệ học trò cũ đã thành đạt sau khi bước vào đời.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)