Nhịp cầu sư phạmGương sáng

PGS-TS Trần Hữu Tá: Từ bục giảng đến bàn viết

Tạp Chí Giáo Dục

“Nếu lúc ấy không chịu đưa ra quyết định dứt khoát và hơi “liều” một chút, có lẽ bây giờ mình đã là ông kỹ sư già”, PGS-TS Trần Hữu Tá đăm chiêu nghĩ về những kỷ niệm của hơn 50 năm về trước và kết luận như vậy.

PGS.TS Trần Hữu Tá tặng phần thưởng cho học sinh giỏi. Ảnh: N.A
Cậu tú tài toán mê văn
Năm 1956, Trần Hữu Tá tốt nghiệp tú tài toán. Đây là khóa tú tài cuối cùng của hệ thống phổ thông 12 năm, chương trình giảng dạy có từ thời Pháp đô hộ Đông Dương. Hầu hết các bạn anh đều chọn thi vào Trường Đại học Bách khoa bởi thời bấy giờ người ta thường truyền tai nhau “Nhất bách khoa, nhì y dược”. Trần Hữu Tá cũng đã bước vào cổng trường đại học ấy. Thế nhưng, mới vào học được mấy ngày, anh đã xin thầy Hiệu trưởng – một nhà khoa học nổi tiếng, kỹ sư Trần Đại Nghĩa cho chuyển sang Trường Đại học Sư phạm, ngôi trường mà nhiều sinh viên cho rằng “chuột chạy cùng sào…” mới vào đấy. Thầy Trần Đại Nghĩa hơi bất ngờ nhưng cũng khá thích thú nên đồng ý với nguyện vọng của chàng trai.
Đối với nhiều người, việc chọn Khoa Văn khi vào Trường Đại học Sư phạm của sinh viên Trần Hữu Tá là một quyết định vô cùng táo bạo.
Thật ra, thời mười chín đôi mươi ấy, Trần Hữu Tá chưa thể suy nghĩ chín chắn như bây giờ. Chỉ vì quá thích văn chương mà xin học Khoa Văn thế thôi. PGS-TS Trần Hữu Tá thường nhắc lại thời lên 9, lên 10 của mình. Ông cụ thân sinh cứ bắt cậu con trai út đọc truyện Tàu cho cụ nghe trước khi cụ chìm vào giấc ngủ trưa. Hết Tam quốc diễn nghĩa, đến Đông Chu, Thủy Hử, Tây du ký… Nhiều lúc cụ bảo ngừng đọc để cụ ngủ… nhưng truyện hấp dẫn như vậy làm sao ngưng lại đây? Thế là cậu bé Trần Hữu Tá đọc thầm cho mình nghe. Hôm sau, cụ bắt đọc tiếp đoạn đang bỏ dở, Trần Hữu Tá lại say sưa đọc lại những trang mà cậu đã xem quá kỹ. Cứ như vậy bao nhiêu cuốn sách Tàu thấm sâu vào ký ức, tâm hồn tuổi thơ. Hết tủ sách của ông cụ thân sinh, Trần Hữu Tá lại lân la sang tủ sách của ông anh Trần Hữu Bá, một nhà giáo mô phạm. Thấy Trần Hữu Tá thích đọc sách, ông liền mua cho em mình những cuốn sách thiếu nhi, truyện của Khái Hưng, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nam Cao… Rồi những cuốn báo như Phong Hóa, Ngày Nay cứ thế dồn về tay của cậu bé yêu sách hơn thích giữ tiền (tiền mừng tuổi ngày tết, Trần Hữu Tá đem mua sách, báo bằng hết). Tủ sách của cậu bé ngày một nhiều thêm…
Đối với PGS-TS Trần Hữu Tá sách là kho tài sản vô giá. “Những cuốn sách chẳng những cho tôi biết bao kiến thức, nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương mà còn rèn luyện cho bản thân một thói quen: đọc sách ngay từ lúc thiếu thời”, PGS-TS Trần Hữu Tá chia sẻ. “Một kho tài sản thứ hai mà tôi vô cùng trân trọng đó là kiến thức từ những người thầy. Các thầy vừa là gương sáng trong nghiên cứu khoa học, dạy dỗ bao điều hay lẽ phải vừa để lại cho tôi nhiều kinh nghiệm quý báu. Thầy Bùi Hữu Sủng, thầy Nguyễn Tường Phượng dạy rất hay, ở quầy sách lại có sách của thầy. Thầy Vũ Khắc Khoan vừa dạy vừa sáng tác kịch, truyện ngắn. Lúc còn ở ghế nhà trường, tôi mơ ước sau này được như các thầy! Còn ở đại học thầy Nguyễn Mạnh Tường mới 22 tuổi mà đỗ hai bằng tiến sĩ về ngành luật và văn chương tại Pháp trong vòng một năm! Thầy Trương Tửu, tự học là chính nhưng kiến thức vô cùng uyên thâm. Điều mà tôi học được từ hai thầy là cách lật ngược vấn đề để tìm ra cái mới trong cái ổn định”.
Luôn nghiêm khắc với chính mình
Nhìn lại những công trình mà PGS-TS Trần Hữu Tá đóng góp cho nền văn học nước nhà, ai trong chúng ta cũng phải thán phục. Năm 1981, ông tham gia viết giáo trình Văn học VN hiện đại cho Trường Đại học Sư phạm. PGS-TS Trần Hữu Tá cũng có tên trong cuốn Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại (2 tập)xuất bản năm 1986 và là chủ biên bộ sách giáo khoa lớp 11 kiêm thường trực Hội đồng biên soạn sách giáo khoa Văn THPT các tỉnh phía Nam theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Minh Hạc. Trong bộ Từ điển văn học (năm 2004), ông vừa là đồng chủ biên vừa là tác giả của gần 90 đề mục. Cuốn Nhìn lại một chặng đường văn học (năm 2000), dày 1.084 trang là kết quả của 33 năm nghiên cứu tìm tòi, tập hợp tư liệu…
Bên cạnh đó, ông đã có 20 năm công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và cũng chừng đó thời gian gắn bó với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Ông đồng thời cũng là Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu giảng dạy văn họcTP.HCM và là Hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, một ngôi trường khá có tiếng tại TP.HCM. Năm 68 tuổi ông nghỉ hưu, nhưng trên thực tế vẫn đứng trên bục giảng cho đến ngày hôm nay.
Điều gì giúp cho PGS-TS Trần Hữu Tá đạt được những kết quả đáng quý ấy?
“Thứ nhất là phải nghiêm khắc với chính mình. Tôi luôn tự đặt cho mình một yêu cầu cao như mỗi năm phải có một công trình nghiên cứu khoa học, 5 năm phải cho ra đời một cuốn sách hoặc chung một đầu sách với đồng nghiệp… và phấn đấu đạt cho bằng được. Điều thứ hai là phải tìm tòi cái mới, thể hiện cái riêng của mình. Thứ ba là không bao giờ ngừng nghỉ việc đọc, học và viết”, PGS-TS Trần Hữu Tá tâm sự.
Mặc dù đã bước sang cái tuổi 73 nhưng mỗi tối, sau khi xem chương trình thời sự trên ti vi, PGS-TS Trần Hữu Tá đều quay về phòng riêng của mình đọc và viết sách đến 11h mới đi ngủ.
Chia tay PGS-TS Trần Hữu Tá tôi thắc mắc: Liệu thế hệ trẻ ngày nay có được mấy người say mê văn chương như ông?
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)