Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

PGS.TS. Vũ Hải Quân: Tiếp tục đổi mới để tự chủ ĐH được mở rộng và nâng lên tầm cao mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới mô hình quản trị ĐH để tự chủ ĐH được mở rộng và nâng lên một tầm cao mới; tiếp tục xây dựng các nhóm nghiên cứu liên ngành, tiên phong thực hiện các công trình nghiên cứu đỉnh cao.


PGS.TS. Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) phát biểu tại lễ kỷ niệm

PGS.TS. Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) đã gửi gắm những nội dung quan trọng này với lãnh đạo, tập thể giảng viên, sinh viên Trường ĐH Quốc tế nhân lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường diễn ra ngày 5-12.

Tiên phong tự chủ ĐH

PGS.TS. Vũ Hải Quân nhìn nhận, hai mươi năm trước, nếu không có sự quyết liệt, tiên phong của ban giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, sẽ không có Trường ĐH Quốc tế như bây giờ. “Ban giám đốc lúc bấy giờ đã quyết liệt xây dựng một cách làm, mô hình mới chưa từng có ở Việt Nam: Một trường ĐH công lập dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh theo định hướng tự chủ” – ông Quân nói.

Từ chỉ có 44 viên chức, người lao động thuở ban đầu và “mượn” phòng của Nhà điều hành ĐH Quốc gia TP.HCM để hoạt động, cho đến nay, trường đã tiên phong trong thực hiện tự chủ ĐH, không chỉ về tự chủ tài chính mà còn tự chủ về học thuật; thể hiện qua việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, tiên phong mở những ngành học mới phù hợp nhu cầu xã hội.

“Bên cạnh đó, trường tự chủ được vấn đề nhân sự khi đã mời được rất nhiều nhà khoa học uy tín của thế giới quy tụ về để mở, xây dựng các chương trình đào tạo mới. Chính sự tự chủ này đã giúp trường trong một thời gian rất ngắn đạt được những thành tự vô cùng quan trọng” – ông Quân đánh giá.

Thành tựu này theo ông Quân, thể hiện qua những kết quả kiểm định chất lượng trong và ngoài nước, số lượng các phòng thí nghiệm được trường mở mới, qua số lượng bài báo/tiến sĩ rất cao (cao nhất trong khối ĐH Quốc gia TP.HCM hiện nay)…


Trường ĐH Quốc tế tri ân những cá nhân đã đóng góp tâm sức cho sự phát triển của trường 20 năm qua

Ông Quân cho rằng, Trường ĐH Quốc tế cần định hình được trong 20 năm tới sẽ phát triển như thế nào trên bản đồ giáo dục của Việt Nam, khu vực, thế giới. Đồng thời, cần xây dựng tầm nhìn mới với định hướng như ĐH Quốc gia TP.HCM đã xác định; phải là nơi hội tụ nhân tài, lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam.

Để làm được điều này, ông Quân nêu ra một số nhiệm vụ trọng tâm mà nhà trường cần tập trung thực hiện. Cụ thể là tiếp tục đổi mới mô hình quản trị ĐH, để tự chủ ĐH được mở rộng và nâng lên một tầm cao mới. Tiếp tục xây dựng các nhóm nghiên cứu liên ngành. Ông Quân cho hay, trong chiến lược phát triển của ĐH Quốc gia TP.HCM đến 2030, tầm nhìn 2045, tính liên ngành trong nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng. Trường ĐH Quốc tế có thuận lợi là đào tạo đa ngành (từ khoa học tự nhiên, công nghệ, kinh tế đến khoa học xã hội) để xây dựng các nhóm lẫn các phòng thí nghiệm nghiên cứu liên ngành nhằm triển khai các công trình nghiên cứu đỉnh cao.

“Trường ĐH Quốc tế phải là nơi tiên phong thực hiện các công trình nghiên cứu đỉnh cao trong ĐH Quốc gia TP.HCM; tập trung vào chất lượng của các công trình nghiên cứu, những bài báo để có sức lan tỏa, độ ảnh hưởng lớn đối với nền khoa học nước nhà cũng như với thế giới” – ông Quân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trường cần mở những chương trình đào tạo mới theo hướng liên ngành, tập trung vào tính liên ngành trong các chương trình đào tạo. Đặc biệt, trường cần chăm lo tốt hơn nữa cho sinh viên, hướng đến sự phát triển toàn diện để sinh viên xem đây là “ngôi nhà thứ hai” của mình.

Số lượng công bố khoa học quốc tế nổi bật

Được thành lập vào tháng 12-2003, tính đến nay, Trường ĐH Quốc tế có hơn 11.000 sinh viên và gần 600 học viên, nghiên cứu sinh bậc sau ĐH. Trường hiện có 23 chương trình đào tạo bậc ĐH do trường cấp bằng, 23 chương trình bậc ĐH liên kết với các đối tác uy tín, có thứ hạng cao trên thế giới (Bắc Mỹ – châu Âu – châu Úc), 12 chương trình bậc thạc sĩ và 5 chương trình bậc tiến sĩ. Bên cạnh đó, trường còn có 21 chương trình đào tạo song ngành và 7 chương trình đào tạo liên thông từ ĐH lên thạc sĩ.

Tính đến tháng 9-2023, trường đã thu hút tổng cộng 522 viên chức, người lao động. Trong đó, 222 giảng viên với 5 giáo sư, 39 phó giáo sư, 110 tiến sĩ và 68 thạc sĩ. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên của trường là 69%.

Trường cũng hiện có 16 chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng khu vực Đông Nam Á (AUN-QA), 2 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định ABET (Tổ chức Kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật – công nghệ Hoa Kỳ), 4 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định ASIIN. Bên cạnh đạt chất lượng kiểm định của Bộ GD-ĐT (năm 2015), năm 2018, trường còn đạt chuẩn đánh giá cấp cơ sở giáo dục của Đông Nam Á (AUN-QA). Và năm 2022, trường là 1 trong 7 trường ĐH của Việt Nam đạt chuẩn đào tạo quốc tế do Bộ GD-ĐT công bố.

Ngoài ra, trường còn là một trong những cơ sở giáo dục ĐH có số lượng công bố khoa học quốc tế được xếp hạng cao trong cả nước, tỷ lệ hàng năm luôn đạt 1,4 – 1,7 bài báo tạp chí quốc tế ISI, Scopus/tiến sĩ. Trường đã thành lập được 32 nhóm nghiên cứu tiêu biểu thuộc tất cả các lĩnh vực.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)