Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

PGS. Văn Như Cương: Nên cắt những phần “vô bổ” trong chương trình

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng không nên kéo dài thời gian học phổ thông 12 năm như hiện nay. Tuy nhiên, theo PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) thì nên cắt bỏ bớt một số nội dung trong chương trình học, thay vào đó bổ sung thêm kỹ năng cần thiết cho học sinh (HS).             
PV: Giảm tải SGK đã được ngành giáo dục thực hiện từ năm học trước. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào thưa ông?
– PGS. Văn Như Cương: Trước hết tôi đồng tình với ý kiến này. Các bạn hoàn toàn có thể nhận ra những điểm bất hợp lý về chương trình hiện nay. Chẳng hạn như một HS đi theo hướng viết văn hay trở thành nhà báo thì kiến thức toán học chỉ cần dừng lại ở mức độ tư duy là đủ. Nhưng ở đây chúng ta đang đưa những kiến thức “vô bổ” vào bậc giáo dục (GD) phổ thông chẳng hạn như số phức, tích phân… Nếu một em nào đó muốn đi theo hướng nghiên cứu thì sẽ được học chuyên sâu những vấn đề này ở các trường ĐH, CĐ.
Chính vì thế tôi hi vọng thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ cắt bỏ những phần kiến thức không phải là phổ thông. Theo dự kiến của tôi, với môn toán có thể cắt bỏ được 30-40% kiến thức không cần thiết. Ở các môn khác thiết nghĩ con số cũng sẽ ở mức tương tự.
Nếu đã cắt bớt chương trình, có nhất thiết chúng ta phải kéo dài bậc phổ thông thành 12 năm như hiện nay?
– Tôi nghĩ rằng, kiến thức phổ thông có thể chưa phù hợp dẫn đến cần phải cắt bỏ nhưng ở đây có một thực tế là tư cách của HS cũng như kỹ năng sống của các em còn quá yếu. HS của chúng ta học suốt ngày nhưng ngay cả việc chào hỏi, giao tiếp hàng ngày lại không được học. Có một thực tế, HS của chúng ta hiện nay không biết thực hiện những lao động nhỏ để phục vụ bản thân mình, không biết giặt quần áo, không biết gấp quần áo vì việc này đã có ôsin làm. Quàng khăn đỏ vào lớp cũng không biết, cầm cái chổi quét sân trường cũng không biết. Chúng ta vẫn nói phải đào tạo ra những con người đức – trí – thể – mỹ nhưng chúng ta đang thi cái gì? Thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH không thi đức dục, không thi mỹ dục mà chỉ thi các môn văn hóa. Những môn nào không thi thì HS không học nên nó trở thành môn phụ. Như vậy có phải chúng ta đang đào tạo ra những con người phiến diện. Vì thế tôi hoàn toàn không nhất trí với quan điểm kéo thời gian học xuống còn 10-11 năm. Chúng ta cắt bỏ những phần kiến thức văn hóa “vô bổ” nhưng tôi muốn bổ sung thêm một số môn học làm người và những môn học này mất rất nhiều thời gian, 12 năm vẫn chưa đủ chứ đừng nói đến 11 năm.
Có vẻ như vấn đề GD kỹ năng sống cho HS đang trở thành một vấn đề bức thiết, thưa ông?
– Tôi lấy một ví dụ để có thể khẳng định vấn đề đó quan trọng đến mức nào. Trường tôi một lần tổ chức cho HS đi dã ngoại. Chúng tôi tổ chức cho HS đi 1, 2 ngày nhưng GD được rất nhiều thứ. Cái đơn giản nhất mà tôi có thể nhận thấy đó là HS biết cách ăn ngô như thế nào nhưng lại không biết cây ngô mọc lên, trưởng thành ra sao. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Do đó, việc dạy cho HS biết cách đi vào cuộc sống, đi vào thực tế cần rất nhiều thời gian.
Nhưng nếu chúng ta kéo dài thời gian học phổ thông thì thời gian tự lập của thanh niên Việt Nam sẽ muộn hơn thế giới?
– Vấn đề là chúng ta phải dạy HS biết cách tự lập từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường chứ không phải sau 12 năm học mới dạy. Trong các môn học, trong các hoạt động sinh hoạt, chúng ta phải dạy điều này. Ngoài sách vở, HS còn học điều gì? Học làm việc một mình, làm việc theo nhóm, học khả năng tiếp xúc, khả năng lãnh đạo… tất cả những cái đó là kỹ năng tự lập. Tóm lại, tôi không đồng ý  rút ngắn thời gian học phổ thông xuống còn 10-11 năm. Tôi đề nghị vẫn để 12 năm nhưng tăng cường những môn học rèn luyện cho HS.
Nhưng có ý kiến cho rằng, lỗi không phải tại chương trình hay SGK mà tại trình độ giáo viên và cách ra đề. Quan điểm của ông về ý kiến trên?
– Cách ra đề của chúng ta hiện nay là chăm chú vào khung chương trình. Người ra đề ra đúng trong khung chương trình. Tôi không phê phán điều này nhưng tôi phê phán khung chương trình. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy năm nào thi tốt nghiệp cũng có một câu về số phức. Các nhà ra đề thi không có lỗi. Chương trình có học thì có ra dù nó không để làm gì. Như vậy, vấn đề không phải tại người thầy mà là tại chương trình, học cái gì thi cái đấy.
Xin cám ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)