PGS. Văn Như Cương |
Trước việc nhiều trường hợp HS bị đuổi học, đình chỉ học do có những lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến thầy cô giáo trên facebook. Xung quanh vấn đề này, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS. Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), một trong những trường tiên phong đưa ra 4 điều “cấm kỵ” khi sử dụng facebook đối với HS nhà trường…
PGS. Văn Như Cương cho rằng, đã đến lúc Bộ GD-ĐT nên xem xét, nghiên cứu để đưa ra những phương pháp hướng dẫn HS sử dụng facebook một cách có văn hóa vào trong những quy định của ngành. Đồng thời, bản thân các trường cũng nên đưa ra những khung hình phạt, những điều nên và không nên khi sử dụng facebook vào trong chính nội quy của nhà trường để định hướng HS sử dụng facebook hiệu quả.
PV: PGS nhìn nhận thế nào về vụ việc nữ sinh lớp 12 Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội) bị nhà trường kỷ luật đình chỉ học 10 ngày và ghi vào học bạ đối với hành vi xúc phạm giáo viên chủ nhiệm trên facebook? Liệu rằng hình thức kỷ luật này có nặng đối với một HS lớp 12 đang rất cần có tâm lý ổn định để chuẩn bị cho những quyết định sắp tới?
Khi kỷ luật một HS, đặc biệt là với mức kỷ luật cao nhất là đuổi học, đình chỉ học thì cần phải xét cả quá trình học tập, tu dưỡng đạo đức trong suốt thời gian dài của HS đó. Trong trường hợp này, tôi không biết bài viết của HS đó trên facebook như thế nào, kết quả học tập của HS đó ra sao thì không thể đánh giá rằng kỷ luật như thế là nặng hay nhẹ. Tuy nhiên, đối với hành vi xúc phạm người khác trên facebook có thể đuổi học vĩnh viễn hoặc cảnh cáo. Ở nước ngoài, nói xấu người khác trên facebook có thể truy tố được. Tôi xin đưa ra một ví dụ, một người bạn có dẫn một em HS lớp 8 đến xin học ở trường tôi. Khi đến làm việc với nhà trường, lúc ra về, bạn ấy không chào hỏi ai thì một cô giáo có nhắc rằng, con không chào ai à. Đó là sự nhắc nhở hết sức bình thường. Nhưng bạn ấy viết lên facebook rằng “Gặp một con mụ, hoạnh họe không chào ai à…”, không chỉ thế, bạn ấy còn có những status hết sức “dã man” khi viết về bố mẹ mình. Tôi đã từ chối nhận HS đó vào trường bởi không thể giáo dục được. Facebook như một bộ mặt của con người vậy, qua nó có thể đánh giá được con người đó như thế nào. Các trường nên xem xét để đưa vào nội quy của trường mình những quy định, hướng dẫn HS sử dụng facebook sao cho hợp lý.
Tại sao PGS lại đưa những điều “cấm kỵ” khi sử dụng facebook đối với HS vào nội quy nhà trường từ hơn 2 năm trước khi facebook vẫn chưa làm mưa làm gió trong giới HS?
Facebook cũng như game thôi, nếu để lún sâu vào rồi thì khó lòng mà thoát ra được và sẽ có những tác hại khôn lường. Cần phải có những biện pháp từ rất sớm để giúp HS đi sao cho đúng. HS nói tục, chửi bậy ở trường thì xử lý được vậy nói tục, chửi bậy trên facebook sao lại không xử lý? Những điều “cấm kỵ” đó còn giúp HS sửa được tật viết tắt, viết ký hiệu, viết tiếng lóng, được HS và phụ huynh trường hết sức tán thành. Dù rất tôn trọng dân chủ nhưng dân chủ không đồng nghĩa với quá trớn, không có kỷ cương.
Nếu chỉ từ phía nhà trường giúp định hướng HS sử dụng facebook thì vẫn chưa đủ. Vai trò phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc hướng dẫn HS sử dụng facebook, internet một cách có văn hóa, giáo dục là như thế nào thưa PGS?
Nhà trường thì chỉ quản được các em khi ở trường thôi. Các em nói tục, chửi bậy trong trường, trên facebook thì nhà trường xử lý nhưng ra ngoài trường, ngoài quán trà đá, ngoài xã hội các em nói tục, chửi bậy thì nhà trường cũng không thể xử lý được. Vì vậy, vai trò của phụ huynh trước việc con em mình sử dụng facebook là rất lớn. Cần phải thường xuyên theo dõi, trò chuyện với trẻ. Cần phải hiểu tâm sinh lý của trẻ để có cách cư xử, những lời lẽ cho phù hợp, tránh để việc trẻ bức xúc quá không có chỗ để xả ra mà phải lên facebook xả. Giáo dục trẻ thế nào để trẻ không mắc phải những khủng hoảng tâm lý là điều rất quan trọng, nó còn góp phần hình thành nhân cách của trẻ.
Trước thực trạng hiện nay thì, theo PGS, Bộ GD-ĐT có nên can thiệp việc HS sử dụng facebook hay không?
Thông tư 08/1988 của Bộ GD-ĐT về quy định xử phạt HS, qua gần 30 năm, thông tư đó đã quá lạc hậu, khi mà HS bây giờ điều kiện sống đã khác, tâm sinh lý cũng khác. Kỷ luật là nhằm giáo dục không chỉ một đối tượng mà giáo dục cả một thế hệ. Nếu kỷ luật quá nặng sẽ làm cho HS co mình lại, bất mãn. Còn kỷ luật nhẹ thì khiến HS nhờn, không có tác dụng giáo dục. Bộ Giáo dục nên xem xét, nghiên cứu, đưa ra những quy định hợp lý trong việc HS sử dụng facebook như thế nào. Thậm chí, ngay cả luật pháp cũng nên đưa ra những khung hình phạt cho hành vi nói xấu, xúc phạm, bôi nhọ nhân phẩm người khác trên các trang mạng xã hội.
Theo PGS, nguyên nhân vì đâu mà ngày nay giới trẻ lại ghiền facebook đến thế và có những phát biểu “loạn ngôn” trên facebook?
Chúng ta đang sống trong một thế giới ảo, sống quá lạ lùng, phụ thuộc quá nhiều vào những phương tiện, con người đôi khi thờ ơ với nhau. Văn hóa đọc đi xuống ở giới trẻ cũng dẫn đến cách hành xử trong xã hội, cách cư xử trên các trang mạng xã hội. Cải thiện được văn hóa đọc chính là cải thiện cách xử sự của con người với nhau.
Xin cảm ơn PGS!
Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)