Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

PGS. Văn Như Cương: Nhiều thay đổi vụn vặt không khả thi

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa vượt qua một cơn bạo bệnh, PGS. Văn Như Cương đã lấy lại “phong độ” vốn có của mình. Vẫn chòm râu bạc trắng như cước, mái tóc bạc, giọng nói vẫn mang âm hưởng xứ Nghệ, người thầy giáo già dù ở tuổi xấp xỉ 80 vẫn còn nặng lòng với giáo dục. Gắn bó với nó cả đời, nhưng dường như ông vẫn chưa thôi trăn trở. Trước thềm năm mới Ất Mùi 2015, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS. Văn Như Cương về những kết quả của ngành giáo dục năm qua và kỳ vọng của ông trong năm tới.
PGS. Văn Như Cương nói: Thời gian qua, điều mà tôi phấn khởi nhất là TW đã thông qua NQ29 về đổi mới cơ bản và toàn diện GD-ĐT. Tuy nhiên, điểm lại những điều mà ngành đã làm được, tôi rất buồn vì tất cả những thay đổi là những thay đổi không căn bản, khá vụn vặt, chắp vá và không có tính khả thi. Ví dụ gần đây nhất là một kỳ thi quốc gia, Bộ GD-ĐT đưa ra dự kiến chuyển đổi thang điểm từ 10 thành 20. Tôi hết sức bất ngờ, vì đây là thay đổi cực kỳ vô duyên, vô tích sự. Khi dư luận góp ý thì Bộ trưởng lại nói bỏ thang điểm 20, quay về thang điểm 10. Ngoài ra, những thay đổi vụn vặt như thế khá nhiều trong năm vừa qua, như không cho điểm học sinh tiểu học, cấm ra bài tập, không xếp loại học sinh tiểu học, không thi vào lớp 6…
PV: PGS vừa nói thay đổi vụn vặt và “vô duyên”, trong đó có việc không cho điểm học sinh tiểu học. PGS có thể nói rõ hơn được không?
Tại sao lại không cho điểm? Điểm số là cách định lượng quan trọng mà ở đâu cũng dùng đến. Không cho điểm cấp 1 thì cấp 2, cấp 3 thế nào? Vào ĐH chênh nhau nửa điểm đã trượt và đỗ. Bộ lập luận để giảm học thêm, dạy thêm, giảm áp lực. Tất cả lập luận đó là sai lầm. Chúng ta giảm áp lực kiểu này là cào bằng năng lực của học sinh chỉ bằng hai mức đạt và không đạt. Trong khi trẻ con luôn muốn vươn lên, đây là một điều lành mạnh, không hề tiêu cực. Ngay trong kéo co, em nào cũng muốn thắng, em thua thì rút kinh nghiệm. Như thế mới có sáng tạo, học sinh mới vươn lên. Không cho điểm để giảm bớt áp lực là hoàn toàn không hợp lý. Thứ hai, phụ huynh không biết đứng ở đâu trong lớp. Còn tránh học thêm thì trái lại phụ huynh càng muốn cho con đi học thêm. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT chưa đưa ra lộ trình cấp 2, cấp 3 như thế nào. Tôi thấy khó hiểu.
Theo PGS, thời gian qua, đâu là sự kiện giáo dục có tác động lớn đến xã hội?
Đó là một kỳ thi quốc gia. Chủ trương này là có thể đúng và có thể tốt mặc dù ý kiến còn trái chiều. Nhưng theo tôi, bộ cần thiết kế chuẩn hơn. Ví dụ như cụm thi, bộ phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Tổ chức thi theo cụm bộ phải giải quyết được 2 vấn đề: Khoảng cách thí sinh đi lại và mật độ thí sinh lớp 12 ở các khu vực như thế nào, không thể đưa ra một cách cảm tính 2 tỉnh có một cụm thi.
Có vẻ như năm 2014 là năm chưa được suôn sẻ với ngành giáo dục. Năm 2015 PGS kỳ vọng gì không?
Chúng ta đã bắt đầu nhúc nhích thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Nếu quyết tâm thì năm 2015 là năm chúng ta phải đặt rất nhiều những nền tảng để tiếp tục vài năm sau thành công. Phải tập trung toàn lực trong ngành cũng như ngoài ngành việc đó một cách có lộ trình đổi mới. Chúng ta phải đặt những dấu chân đầu tiên đúng và cần thiết. Phải nhanh chóng có chương trình khung, cụ thể từng môn. Làm trong một năm mới xong chương trình thì quá chậm, phải xúc tiến được viết sách giáo khoa thì mới hy vọng thay sách được theo đúng tiến độ vào năm học 2018-2019. Tôi đang rất sốt ruột vì đổi mới căn bản ta làm rất chậm chạp. Chuyện này nhanh thì không được vì cần phải thận trọng, chậm lại không được mà chúng ta lại đang đi vào những vụn vặt. Hy vọng năm 2015 ta làm được điều lớn. Ví dụ như mục tiêu của phổ thông là gì, học được gì, tri thức học đến đâu, có như chương trình bây giờ không. Về con người, học đến đâu, học bao nhiêu phần trăm, rèn luyện nhân cách, thái độ ứng xử, trang bị lao động cần thiết cho học sinh thế nào. Cần chuẩn bị tri thức và đạo đức cho học sinh. Học hết cấp III, học sinh phải biết lao động đơn giản để phục vụ bản thân mình. Bao nhiêu năm nói giảm tải mà học sinh vẫn học chết thôi.
Việc cần làm nữa là cấu trúc lại hệ thống các trường đào tạo sư phạm, ví dụ như có cần hệ CĐ nữa không? Hiện nay, giáo viên học ĐH về dạy THCS nhiều. Rồi, cấu trúc lại chương trình hệ thống sư phạm để đào tạo giáo viên phục vụ được cải cách giáo dục khi họ ra trường, giáo viên ra trường phải bắt kịp với đổi mới. Chúng ta phải xác định đào tạo mới ít thôi, cơ bản đào tạo lại.
Xin cảm ơn PGS!
Nghiêm Huê
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)