Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Phá “3 cái độc” để kích cầu tín dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khuôn khổ diễn đàn MDEC, chiều 25-11, tại Vĩnh Long, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội thảo “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL”.
Theo báo cáo của NHNN, đến ngày 31-10-2013, tổng nguồn vốn huy động của toàn ngành trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đạt 228.000 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ tín dụng đạt 230.000 tỷ đồng. Dù sở hữu các tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân ngành, song theo ý kiến của hầu hết các diễn giả tham gia hội thảo, các doanh nghiệp, gia đình ĐBSCL có thể xem là điển hình cho khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay.
Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, thực tế khó khăn về vốn trong ngành chăn nuôi, chế biến cá tra ở ĐBSCL cho thấy cần có những mô hình mới để khơi thông dòng vốn tín dụng. Chẳng hạn ngân hàng – doanh nghiệp xuất khẩu – nhà chế biến – doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi cần kết hợp với nhau để tạo dòng vốn lưu thông trong chuỗi, thay vì bị tắc ở từng khâu như hiện nay.
TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực LienVietPostBank, cho rằng, cần phải phá “3 cái độc” đang tồn tại hiện nay để kích cầu tín dụng vào ĐBSCL. Thứ nhất là phá “độc canh”, tạo điều kiện phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn thông qua tích tụ ruộng đất. Thứ hai là phá “độc ác”, tức là tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn hiện nay. Thứ ba là phá “độc quyền” trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nói họ không thua Vinafood cái gì cả, nhưng họ không được độc quyền xuất khẩu như Vinafood. Bởi vậy, cần phá sự độc quyền để có thêm nhiều Vinafood nữa, làm sao mỗi cánh đồng mẫu lớn có một Vinafood.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng với ĐBSCL trong việc đẩy mạnh cho vay, đầu tư tín dụng để các địa phương có điều kiện phát triển nhanh và bền vững. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn; trong đó trọng tâm là lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, hoa quả để khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của các sản phẩm này trong vùng. Ngành ngân hàng sẽ nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp đối với lĩnh vực lúa gạo, thủy sản; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở khu vực ĐBSCL, như cho vay lưu vụ, cho vay thông qua chuỗi liên kết, sổ vay vốn thay cho hợp đồng tín dụng đối với người trồng lúa…
theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)