Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phá án trên mạng: Bóc gỡ ổ nhóm hàng xịn giá bèo

Tạp Chí Giáo Dục

Đánh vào tâm lý ham rẻ của người mua, bọn tội phạm rao bán các mặt hàng điện tử 'xịn' giá rẻ trên mạng để lừa đảo.

Thủ đoạn của chúng là khi khách hàng đặt mua, gửi tiền đặt cọc thì… cắt đứt liên lạc và "cao chạy xa bay".
Đầu năm 2012, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) – Bộ Công an ghi nhận hiện tượng lừa đảo qua việc rao bán điện thoại cao cấp, máy tính bảng, máy ảnh… trên các website rao vặt. Nhiều người dân phản ánh họ bị lừa khi đặt mua hàng của các đối tượng rao bán.
Theo dấu vết dòng tiền
Ngày 10.2.2012, anh B.T.T (ngụ TP.HCM) trình báo về việc bị một đối tượng lừa đảo trên mạng lừa chiếm đoạt tài sản. Anh T. cho biết, ngày 8.2.2012, thông qua website rao vặt muaban.net, anh T. gọi điện đặt mua chiếc máy tính xách tay của một người tên Hạnh với giá 6 triệu đồng. Hạnh nói đang ở Cam Ranh nên yêu cầu anh đặt cọc 2,7 triệu đồng mới gửi máy vào TP.HCM. Khi hai bên thống nhất, anh T. chuyển tiền vào tài khoản của Hạnh. Nhưng mấy ngày sau đó anh T. vẫn chưa nhận được máy, gọi cho Hạnh thì điện thoại của y "ngoài vùng phục vụ".

Bước đầu xác minh qua các tài khoản ngân hàng, nhận thấy số tiền đã chuyển vào tài khoản trên rất lớn, đối tượng rút ra rất nhanh trong ngày. Từ đây, lãnh đạo C50 xác định vụ việc có tính chất phức tạp, quy mô lớn, nạn nhân nhiều, số tiền chiếm đoạt lớn nên đã lập chuyên án để đấu tranh bóc gỡ ổ nhóm tội phạm lừa đảo này.

Một đối tượng (bìa phải) trong đường dây bán hàng giá rẻ trên mạng bị bắt. /// Ảnh: Ngọc Lê
Một đối tượng (bìa phải) trong đường dây bán hàng giá rẻ trên mạng bị bắt. Ảnh: Ngọc Lê

Theo các trinh sát, dù đã theo dõi từng bước đi của các đối tượng trên mạng, nhưng việc tìm kiếm họ là ai không phải là điều dễ dàng. Xác minh tài khoản ngân hàng của các đối tượng sử dụng thấy rõ, để qua mắt cơ quan công an, chúng không sử dụng tài khoản mang tên mình mà sử dụng CMND giả, mua hoặc mượn đem đi làm thẻ ngân hàng. Theo lời kể của một trinh sát, ban đầu nhờ ngân hàng phối hợp, xem camera ở địa điểm rút tiền thì những hình ảnh của đối tượng còn rất mờ nhạt. Các trinh sát có phát hiện được một số dấu vết nhưng vẫn chưa thể định hình ra con người cụ thể. Để tạo được độ tin cậy cao với khách hàng, nghi phạm xưng cô, chú bác… thể hiện mình là người già cả, chẳng thể lừa ai. Các trinh sát phải “chinh chiến” cả tháng trời để làm việc với ngân hàng và lấy lời khai hàng chục người.
“Nút thắt” được mở khi trinh sát phát hiện một người đến ngân hàng “mở tài khoản giùm bạn”. Lấy lời khai của chủ tài khoản này, trinh sát tìm ra thông tin và chỗ ở của nghi can Võ Sỹ Đạt (29 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP.HCM). Sau nhiều ngày theo dõi từng bước đi của Đạt, ngày 13.4.2012, các trinh sát ập vào nơi ở của Đạt tạm giữ nghi can này. Và cũng giống như nhiều trường hợp khác, khi đưa lên cơ quan công an làm việc thì Đạt phủ nhận, luôn miệng cho rằng mình vô tội và không hề biết việc lừa đảo kia.
Tuy nhiên, từ chứng cứ cơ quan công an đưa ra, và sau nhiều lần làm việc Đạt đã cúi đầu thừa nhận. Đạt còn khai thêm một số người khác cũng có hành vi tương tự, thậm chí các nghi can còn mượn thẻ ATM của nhau để lừa đảo.
Phát hiện nhóm “bạn chí cốt cùng quê”
Trưởng ban chuyên án kể, dù khai thêm một số đối tượng, nhưng Đạt không biết được chỗ ở của những người này. Do vậy, trinh sát phải sử dụng hình ảnh camera ngân hàng cung cấp kết hợp với biện pháp nghiệp vụ khác để khoanh vùng hoạt động của đối tượng nhằm xác định những người sử dụng thẻ ATM đó là ai.
Khi xác định được một người sử dụng thẻ là Tô Điền Hân, trinh sát lật lại hồ sơ và phát hiện thêm Hân không phải ai xa lạ mà chính là bạn của Đạt, cùng quê ở H.Đức Phổ (Quảng Ngãi). Hân từng có tiền án về tội chống người thi hành công vụ, đã ra tù và không có mặt tại địa phương.
Sau mấy tháng theo dõi và tìm kiếm, các trinh sát cũng tìm ra chỗ ở của chị gái Hân ở Q.7, TP.HCM và phát hiện Hân cũng đang sống tại đây. Mời Hân lên cơ quan công an làm việc, Hân khai đã lừa được 300 triệu đồng từ hành vi này. Đặc biệt, Hân khai từng cho Đào Văn Tình và Nguyễn Chí Thắng mượn tài khoản nhận tiền lừa đảo như Hân nhưng không rõ 2 người bạn này ở đâu.
“Từ việc tìm ra được một đối tượng cụ thể, đối tượng lại khai rất nhiều “bạn chí cốt cùng quê” cũng lừa đảo như mình, chúng chỉ cách thức cho nhau tường tận, nhưng lại lừa đảo độc lập nên cơ quan công an phải làm việc, xác minh nhiều đối tượng hơn”, một trinh sát kể và cho biết, dù mới chỉ điều tra bước đầu nhưng C50 đã làm rõ hành vi của 9 đối tượng, tất cả đều cùng quê và quen biết với nhau. Dù đối tượng thực hiện hành vi độc lập nhưng học hỏi kinh nghiệm, nhờ vả lẫn nhau để thực hiện. Chúng đã lừa hàng trăm nạn nhân trên cả nước với số tiền gần 1 tỉ đồng.
Khi mời các đối tượng lên làm việc, ai cũng nghĩ rằng công an sẽ “khó bắt” vì thủ đoạn của chúng là “giấu mình”, ít sơ hở, hoạt động trên mạng nên cơ quan công an khó phát hiện. Tuy nhiên, bằng biện pháp nghiệp vụ, các đối tượng rồi cũng sa lưới. Vụ việc này ngay sau đó được C50 chuyển cho Công an TP.HCM để khởi tố vụ án, bắt giam các đối tượng.
Ngọc Lê (TNO)

 

Bình luận (0)