Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phá án trên mạng: Gỡ bẫy tình trên henho.org

Tạp Chí Giáo Dục

Khi hẹn hò trên mạng, nhiều cô gái đã không thể ngờ bị rơi vào bẫy lừa của những gã đàn ông táo tợn coi thường pháp luật.
 /// Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Ngày 26.7.2013, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) – Bộ Công an nhận được đơn thư của chị D., nữ giáo viên tại một trường tiểu học ở Hóc Môn (TP.HCM) trình báo về việc bị một người giả danh cán bộ Bộ Công an lừa tình và lấy tài sản.
Theo đó, tối 23.7.2013, chị D. vào website henho.org để tìm bạn rồi làm quen với một người xưng tên Ân, có tài khoản Facebook là Pham An. Ân giới thiệu mình 32 tuổi, quê ở Thạnh Phú, Bến Tre, có hộ khẩu thường trú cùng gia đình tại khu biệt thự Nam Long, đường Gò Ô Môi (Q.7, TP.HCM), là thượng úy công an ở Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an. Ân còn khoe mẹ của anh ta là giảng viên một trường đại học có tên tuổi ở TP.HCM, cha thì làm công an tại Hà Nội.
Tiếng sét… mất xe
Lấy cái mác con nhà gia giáo và giàu có như thế nên chỉ sau 1 ngày Ân đã "cưa đổ" cô giáo D. Khoảng 11 giờ trưa 24.7.2013, Ân đến nhà chị D. bằng taxi và nói rằng xe ô tô của anh ta bị hư, đang sửa nên phải đi taxi. Sau khi 2 người ăn trưa, khoảng 14 giờ, Ân đề nghị chị D. lấy xe máy hiệu Lead của chị để Ân chở đến biệt thự ra mắt gia đình mình. Trên đường đi, Ân dẫn chị này vào khách sạn T. (ở Q.Phú Nhuận) và nói rằng đây là khách sạn của chị ruột y đầu tư. Ân nói người chị còn thiết kế cho anh ta một phòng riêng rồi mời D. vào chơi cho biết.
Một trinh sát kể, khi vào khách sạn, Ân nói với D: “Ai cũng đã đến tuổi lập gia đình, nếu được thì hai đứa mình có thể đến với nhau và xác định lâu dài”. Ân đưa ra một tờ giấy đăng ký kết hôn kêu D. ký vào, tin lời Ân nên D. cũng ký. Và, tại đây chị D. đã dâng hiến cho Ân…
Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, Ân chở chị D. về “biệt thự”. Nhưng vừa đi ngang qua trụ sở Bộ Công an phía nam, Ân bảo chị vào tiệm thuốc tây mua cho Ân vài viên thuốc cảm, còn Ân vào cơ quan lấy chìa khóa. Tưởng thật, chị này làm theo, nhưng rồi chờ rất lâu mà không thấy Ân đâu, chị D. mượn điện thoại gọi cho Ân (vì điện thoại chị để trong cốp xe máy), nhưng Ân tắt máy. Tá hỏa khi biết mình bị lừa, chị D. chỉ còn biết cầu cứu cơ quan công an.
“Bắt cá”… nhiều tay
Khi trinh sát của C50 vào cuộc thì phát hiện không riêng gì chị D., mà hàng loạt những cô gái khác đã trở thành nạn nhân lừa tình – tiền của “thượng úy công an” dỏm này.
Trong số những nạn nhân đó, câu chuyện của chị M. (ngụ Q.Tân Phú) xảy ra cũng đúng vào thời điểm với chị D. ở Hóc Môn. Một trinh sát nhớ lại, tháng 7.2013, Ân và chị M. quen nhau qua trang henho.org. Ân cũng nói mình làm việc ở Cục Cảnh sát kinh tế – Bộ Công an và gia đình gia giáo như đã “nổ” với chị D.
Sau một thời gian quen qua mạng, Ân về nhà chị M. chơi rồi đặt vấn đề tiến đến hôn nhân để tạo lòng tin. Một lần biết được gia đình chị M. có nhu cầu mua vé máy bay đi du lịch, Ân chủ động nói mua giùm với giá rẻ vì quen lãnh đạo làm ở một công ty du lịch tại TP.HCM. Vì tin tưởng, gia đình chị M. đã đưa cho Ân 53 triệu đồng để mua vé. Ân hẹn sẽ đưa vé máy bay cho gia đình “vợ sắp cưới” nhưng sau đó y cắt đứt liên lạc, bỏ trốn. Đến lúc đó mới “vỡ” ra thêm là trong thời gian quen biết, Ân còn nhận làm bằng đại học cho bạn của chị M. với giá 9 triệu đồng, rồi cũng ôm tiền trốn luôn.
Cũng với thủ đoạn tương tự, khoảng tháng 5.2013, Ân làm quen với chị H., là giáo viên dạy âm nhạc tại một trường tiểu học ở Bình Dương. Mới quen được vài ngày, Ân đã chơi “chiêu” đặt vấn đề cưới hỏi thì được đồng ý.
Trong 3 lần lên thăm gia đình chị H. ở Đắk Lắk, người hàng xóm chị H. nghe tin Ân làm ở Bộ Công an nên nhờ “chạy” cho con vào một trường cảnh sát. Ân nhận của gia đình này 33 triệu đồng. Những đồng nghiệp và bạn bè chị H. cũng ky cóp đưa cho Ân tổng cộng gần 30 triệu đồng để “chạy” điểm tốt nghiệp và “chạy” việc vào trường dạy học. Và sau đó, “chuyện tình” này cũng kết thúc bằng việc Ân “ẳm” luôn chiếc xe gắn máy tay ga của anh rể chị H., nói là mượn để đi công việc…
“Các cô gái nhẹ dạ cả tin này nghe Ân nói làm công an ở bộ thì rất tin tưởng, cả gia đình các nạn nhân cũng tin. Trên tài khoản chat của Ân, Ân ghép khuôn mặt mình với một bộ quân phục cảnh sát mang hàm trung úy làm ảnh đại diện. Tận dụng vẻ đẹp trai, nói chuyện thu hút của mình nên rất nhiều cô gái đem lòng yêu Ân thật sự và muốn được Ân cưới nhưng hậu quả là vừa bị lừa tình, lừa tiền”, trinh sát kể lại.
Lật tẩy
Lần theo tên trên Facebook và tài khoản trên trang henho.org, các trinh sát C50 đã xác định Ân chính là Trần Quốc Thái (ngụ H.Hóc Môn) nên mời Thái về làm việc. Lúc đầu Thái cãi lại, cho rằng “đối tượng lừa đảo” nói trên không phải anh ta. Nhưng từ những chứng cứ cơ quan công an thu thập được, Thái hết đường quanh co và phải nhận tội. Tại cơ quan điều tra, Thái còn thừa nhận từng mượn xe máy, tiền, điện thoại của một số người thân quen, bạn bè bán lấy tiền tiêu.
Theo hồ sơ trinh sát, Thái đã thực hiện 13 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn trên. Tổng thiệt hại của các nạn nhân gồm 3 xe máy, hàng trăm triệu đồng và 3 điện thoại di động. Ngay sau đó, Thái bị khởi tố, bắt giữ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo trung tá Lê Xuân Minh, Phó cục trưởng C50, hành vi của các đối tượng lừa đảo trên mạng cực kỳ tinh vi, dựa vào những kịch bản soạn sẵn để đưa nạn nhân vào tròng. Nạn nhân tin tưởng tuyệt đối và làm theo cho đến khi biết mình bị lừa thì đã muộn. Lúc này kẻ lừa đảo đã đạt được mục đích, trốn thoát và xóa dấu vết, tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội với nạn nhân mới. “Mọi người cần cảnh giác để không sập bẫy những kẻ lừa đảo qua mạng”, trung tá Minh cảnh báo.

Ngọc Lê (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)