Bộ Công an cùng Công an tỉnh Đắk Nông đã điều tra mở rộng vụ án sản xuất, kinh doanh xăng giả đặc biệt nghiêm trọng, có quy mô cực lớn, liên quan đến nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành.
Các mẫu tang vật là xăng giả và hóa chất để sản xuất xăng giả được cơ quan điều tra thu giữ. ẢNH: TTXVN
Cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng vụ án sản xuất, kinh doanh xăng giả đặc biệt nghiêm trọng, có quy mô cực lớn, liên quan đến nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành.
Khám xét nhiều địa điểm
Ngày 6.6, Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo thông tin về vụ án sản xuất, mua bán xăng dầu giả quy mô lớn. Theo điều tra ban đầu, từ một vụ cháy xe ô tô trên địa bàn Đắk Nông, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân có thể do xe sử dụng xăng kém chất lượng. Từ đây, công an kiểm tra cửa hàng xăng dầu Vinh Quang (TX.Gia Nghĩa) và hai đại lý khác ở H.Đắk R’lấp và H.Đắk Glong (Đắk Nông), phát hiện một khối lượng lớn xăng giả được nhập về để bán ra thị trường. Ngày 13.3, Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố 9 bị can về hành vi sản xuất, mua bán hàng giả.
Qua công tác điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông nhận thấy đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trên nhiều tỉnh, thành nên báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an. Tiếp đó, Bộ Công an đã lập ban chỉ đạo chuyên án do thượng tướng, Thứ trưởng Lê Quý Vương làm trưởng ban; Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông và Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế làm phó trưởng ban. Từ ngày 28.5 – 2.6, ban chuyên án đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Nông cùng các đơn vị nghiệp vụ phối hợp bắt quả tang các nghi can đang thực hiện hành vi pha trộn dung môi với các chất kích RON, bột màu tạo thành xăng giả; tổ chức khám xét tại các địa điểm là nơi pha trộn thuộc địa bàn: TP.HCM, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.
Lực lượng công an khám xét kho xăng dầu của đại gia Trịnh Sướng. ẢNH: TRẦN THANH PHONG
Theo thông tin từ CQĐT, từ đầu năm 2017 đến nay, các bị can đã bỏ ra hơn 3.000 tỉ đồng để mua dung môi và hóa chất chế tạo xăng giả, mỗi tháng đưa ra thị trường tiêu thụ hàng triệu lít xăng giả. Đến nay, CQĐT đã tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại; trong đó có 2,1 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, 3 tàu thủy, 6 ô tô (xe bồn), 5 máy bơm, 50 kg chất tạo màu và nhiều tang vật có liên quan khác.
Xăng giả làm từ dung môi
Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám độc Công an tỉnh Đắk Nông, nhận định thủ đoạn làm xăng giả của các bị can rất tinh vi. “Các đối tượng mua dung môi là chất thu được trong quá trình chưng cất dầu mỏ, thường được dùng trong công nghiệp như: pha trộn với sơn, tẩy rửa, sản xuất gỗ, thuộc da để pha trộn với xăng A95 với tỷ lệ 30 -50% và cùng chất tạo màu vàng để tạo thành xăng RON 95 giả. Còn để sản xuất xăng E5 (RON 92) giả thì dùng 35% dung môi, 40% xăng nền A95 và các chất tạo màu khác”, đại tá Quy giải thích.
Các mẫu tang vật là xăng giả và hóa chất để pha chế xăng giả được thu giữ. ẢNH: HOÀNG BÌNH
Đại tá Quy cho biết thêm, qua phân tích 100 mẫu xăng giả tang vật thu được, cơ quan chức năng xác định các mẫu xăng này đều không đạt “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học” của Bộ KH-CN. Cũng theo đại tá Quy, những mẫu xăng giả không đạt chuẩn có thể ảnh hưởng tới động cơ, hiệu suất của các phương tiện trong quá trình vận hành và có thể gây hỏng động cơ, phương tiện. Thực tế, có nhiều vụ cháy nổ phương tiện trong quá trình tham gia giao thông thời gian qua nhưng chưa thể khẳng định do nguyên nhân xăng giả; do đó cần phải giám định lại từng vụ việc cháy nổ mới có thể tìm hiểu được nguyên nhân. Về vấn đề này, Công an tỉnh Đắk Nông đã báo cáo Bộ Công an để chỉ đạo công an các tỉnh, thành rà soát lại phương tiện cháy nổ trong thời gian 3 năm trở lại đây.
Công an tỉnh Đắk Nông họp báo thông tin ban đầu về vụ án
Phát hiện hàng chục vụ xăng kém chất lượng ở Đắk Lắk
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt Ban Chỉ đạo 389), từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành thường trực của Ban phát hiện, lấy mẫu thử nghiệm 15 mẫu xăng RON 95 của 15 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm thì 13 mẫu có chỉ số octan (RON) dưới mức quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Thậm chí, có mẫu chỉ số octan chỉ đạt 78,4; quá thấp so với quy định (95). Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo 389 Đắk Lắk đã xử lý
68 vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; tịch thu 55.300 lít xăng các loại, 3.000 lít dầu DO kém chất lượng; phạt hành chính gần 5 tỉ đồng.
|
Nhiều vụ ô tô bỗng dưng bốc cháy dữ dội Ảnh: Lê Lang
Tình trạng xe đang lưu thông trên đường bỗng bốc cháy vẫn xảy ra thường xuyên. Cụ thể, khoảng 10 giờ 30 ngày 4.6, xe tải BS 51C-918.46 do tài xế Trần Phú Nhuận (34 tuổi, ngụ Kiên Giang) điều khiển lưu thông trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương, hướng từ Tiền Giang về TP.HCM. Khi đến đoạn Km 49 thuộc địa bàn xã Tân Lý Đông, H.Châu Thành, Tiền Giang, tài xế phát hiện khói bốc lên trong cabin nên vội cho xe tấp vào làn dừng khẩn cấp; đồng thời nhanh chóng dùng 2 bình chữa cháy mini dập lửa nhưng bất thành (ảnh).
Khoảng 7 giờ ngày 2.4, tài xế Lê Thanh Hà (30 tuổi, trú Khánh Hòa) điều khiển xe tải BS 47P-1432 di chuyển trên QL14, hướng Gia Lai đi Đắk Lắk. Khi đến Km 1621+300, tài xế Hà dừng xe đi vệ sinh. Khi tài xế Hà trở lại thì phát hiện phần cabin xe bốc cháy dữ dội.
Khoảng 1 giờ 20 ngày 22.3, xe khách giường nằm BS 72B-018.20, lưu thông theo hướng Nha Trang – Vũng Tàu, do tài xế Đỗ Thế Anh (46 tuổi, trú Bắc Giang) điều khiển. Khi đến Km 1683 QL1, thuộc xã Hồng Sơn, H.Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), tài xế phát hiện xe bốc cháy nên lập tức điều khiển vào lề đường. Chiếc xe khách giường nằm bị cháy rụi, toàn bộ tài sản của hành khách trên xe cũng bị cháy.
Trác Rin (tổng hợp)
|
Theo Trung Chuyên – Ngọc lê/TNO
Bình luận (0)