Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phá đường dây đưa lao động ra nước ngoài làm “chui”

Tạp Chí Giáo Dục

Phan Văn Quy bị bắt do có hành vi phạm vào tội được quy định tại điều 275 Bộ luật Hình sự 

Ngày 25-3, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị) cho biết, đã có quyết định khởi tố vụ án đưa lao động sang Trung Quốc làm “chui” và chuyển hồ sơ vụ án đến Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị để tiếp tục điều tra…
Theo đó vào đầu tháng 3-2014, đối tượng Phan Văn Quy (38 tuổi), trú khu phố 1, thị trấn Cửa Việt đã lén lút tổ chức đưa 26 người dân ở thị trấn này và một số người dân ở các xã Gio Hải, Trung Giang, thuộc huyện Gio Linh sang Trung Quốc để làm công nhân “chui” cho một công ty. Sau khi hứa hẹn xin việc làm cho số lao động trên, Quy đã thuê xe ô tô đưa số người này đến khu vực biên giới tỉnh Hà Giang rồi giao họ cho đối tượng tên Phà (trú Phố Là, Đồng Văn, Hà Giang) để Phà tiếp tục đưa những người này vượt biên sang Trung Quốc.
Trong khi nhóm người trên đang thực hiện hành vi vượt biên trái phép thì đã bị lực lượng Đồn biên phòng Phó Bảng (Hà Giang) phát hiện, truy đuổi. 15 lao động trong số trên đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Số còn lại chạy thoát qua biên giới Trung Quốc và tiếp tục đi xe đò một ngày đêm đến tỉnh Quảng Tây. Đến đây, những người này được Quy và một đối tượng tên Trà (con chú bác ruột với Phà, đang làm việc ở Công ty Thảo Minh, Quảng Tây) đưa vào đây làm việc. Sau khi các lao động “chui” này làm được 6 ngày thì chủ cơ sở sợ bị công an truy quét người nhập cư, lao động trái phép nên đã cho những người này nghỉ việc.
Qua đấu tranh khai thác, Quy khai nhận đã sang Trung Quốc lao động “chui” cho Công ty Thảo Minh (chuyên sản xuất đồ gia dụng) từ giữa tháng 9-2013. Chủ cơ sở cho biết nếu Quy đưa được nhiều lao động Việt Nam sang làm việc cho công ty thì được tăng lương từ 3.000 nhân dân tệ lên 5.000 nhân dân tệ. Riêng đối tượng tên Trà được hưởng 100 nhân dân tệ/lao động vào tháng lương đầu tiên. Sau khi đưa số lao động trên qua Trung Quốc thì Quy trở về quê để thăm hỏi và trả lại số tiền đã nhận trước đó của những người không đi được. Ngày 23-3, Quy đã bị Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt bắt giữ do có hành vi phạm vào tội được quy định tại điều 275 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Thanh Phương, Giám đốc Công ty CPDLHT, chi nhánh tại Hà Nội do đối tượng đã có hành vi phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139 Bộ luật Hình sự. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành bắt tạm giam đối tượng để tiếp tục điều tra, xử lý. Thủ đoạn lừa đảo trong vụ án này là Công ty CPDLHT sử dụng hợp đồng cung ứng lao động đã hết giá trị để tuyển và thu tiền của người lao động rồi chiếm đoạt. Cụ thể, tháng 1-2008, CPDLHT và LOD đã thực hiện xong hợp đồng 01/2007/HATTOCO – VIETVANDA với Công ty TNHH Vietvanda (Cộng hòa Séc) về việc cung ứng 14 lao động Việt Nam cho chủ sử dụng lao động tại Cộng hòa Séc nhưng vẫn dùng hợp đồng này để tiếp tục tuyển 57 lao động tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ngoài ra, theo quy định, khi người lao động được cấp thị thực nhập cảnh (Visa) tại nước tiếp nhận lao động, doanh nghiệp mới được phép thu các khoản chi phí thì trong vụ án này CPDLHT và LOD đã đồng loạt thu tiền của người lao động khi chưa có Visa…
Vĩnh Yên – Thiên Phúc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)