Y tế - Văn hóaThư giãn

Phá nát di sản để… trùng tu!

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, nhiều địa phương rầm rộ trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa. Thế nhưng, nhiều công trình kiến trúc, văn hóa của cha ông vốn cần được gìn giữ cho muôn đời sau đã bị tàn phá không thương tiếc.
Vừa qua, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hà Nội đã kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân của sở về việc vi phạm trong trùng tu, tôn tạo di tích chùa Trăm Gian ở huyện Chương Mỹ.
Cắt xén, chắp vá
Nếu chùa Trăm Gian chỉ bị làm mới 3 hạng mục thì đình Ngu Nhuế, khởi dựng từ thế kỷ XII tại làng Nội, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang – Hưng Yên, được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, đã bị phá dỡ ngổn ngang và chuyển sang xây mới tại một nơi khác, cách vị trí cũ 18 m (lùi về phía sau).
Tại đây, người ta đã dựng lên một công trình mới với 5 gian tòa Đại Bái. Song, những cấu kiện được chắp vá không ăn khớp với nhau. Cụ thể, trong các mảng chạm cũ, có hình đầu rồng, râu dài ôm lấy thân cột nhưng khi lắp những họa tiết này vào cột mới thì không ăn khớp nên đơn vị thi công đã tự ý cắt… râu rồng. Bên cạnh đó, những chi tiết mắt rồng ở đình cũ được thiết kế tinh tế nhưng khi sang đình mới thì bị khoét mất.
Con đường bê tông nối từ đình Mông Phụ tới chùa Mía tại làng cổ Đường Lâm.(Ảnh: Phương Nhung)  
Chân cột tại đền Và đã được chắp nối gỗ mới .Ảnh: Hoàng Lan Anh 
Chân cột tại đền Và đã được chắp nối gỗ mới .Ảnh: Hoàng Lan Anh
 Được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia nhưng đình Tình Quang (phường Giang Biên, quận Long Biên – Hà Nội) cũng bị biến dạng nghiêm trọng do trùng tu, tôn tạo. Ngôi đình này được xây dựng vào thời Lê để thờ 3 vị Thành Hoàng: Lý Bí (Lý Nam Đế), Đinh Điền (công thần khai quốc triều Đinh) và Lý Chiêu Hoàng (vị vua nữ duy nhất trong lịch sử). Nằm trên một khu đất rộng, trong đình Tình Quang còn nhiều kiến trúc cổ có giá trị, được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao so với những ngôi đình khác cùng niên đại. Trước cửa đình là một hồ nước lớn với ước mong cuộc sống hài hòa, phồn vinh của người dân từ nhiều đời nay.
Dự án trùng tu đình Tình Quang có kinh phí khoảng 14 tỉ đồng, do UBND quận Long Biên đầu tư; UBND TP Hà Nội, Bộ VH-TT-DL và Cục Di sản Văn hóa phê duyệt, cấp phép. Trong quá trình thực hiện, UBND quận Long Biên đã cho lấp gần hết ao đình với diện tích gần 3.000 m2 để xây chiếc giếng hình bán nguyệt rộng chưa tới 200 m2. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Quản lý di tích đình Tình Quang, ao cũ có dáng vẻ tự nhiên, nằm mặt trước của đình, tạo nên không gian thông thoáng và là “long mạch” của làng. “Vậy mà người ta không hề tôn trọng ý nguyện muốn giữ nguyên và nâng cấp ao làng của người dân chỉ vì phải làm theo thiết kế, không thể sửa được” – ông Hùng bức xúc.
Bê tông hóa di tích
Nằm cách Hà Nội 50 km về phía Tây, Đông cung đền Và là nơi thiêng liêng nhất của Thánh Tản Viên Sơn. Đền Và nằm trên một khu rừng nguyên sinh, còn khoảng 420 cây lim cổ thụ 1.000 năm tuổi. Bao quanh đền là tòa tường thành bằng đá ong cao 3 m, tạo nên sự khép kín và thâm nghiêm. Thế nhưng, bức tường thành cổ kính này đã bị phá chỉ để làm lối đi cho xe chở vật liệu xây dựng phục vụ việc trùng tu, tôn tạo. Trước đó, năm 2009, khi tiến hành trùng tu, tôn tạo ngôi đền này, không ít người dân đã tiếc nuối, xót xa vì nó vẫn còn vững chãi mà lại bị dỡ ra làm lại. Báo chí lên tiếng, lãnh đạo UBND TP Sơn Tây (nay là thị xã Sơn Tây) hứa sẽ khắc phục sai sót nhưng đền Và mới vẫn hiện lên.
Làng cổ Đường Lâm (di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia) nổi tiếng với những ngôi nhà bằng đá ong cổ kính từ nhiều đời. Tại đây, đường đi đều lát gạch nghiêng cho hòa hợp với không gian kiến trúc cổ kính và độc đáo này. Vậy mà, ngay tại trung tâm của ngôi làng cổ lại xuất hiện một con đường bê tông nối từ đình Mông Phụ đến chùa Mía, dài gần 1 km. Con đường bê tông xuất hiện một cách nhanh chóng và người dân không hề được thông báo trước. Chị Nguyễn Thị Loan, bán hàng nước ở gần đình Mông Phụ, cho biết: “Khi làm con đường này, dân làng nghĩ rằng người ta sẽ lát lại bằng gạch nghiêng, nào ngờ nó được làm hoàn toàn bằng bê tông”.Thành cổ Sơn Tây được đánh giá có giá trị đặc biệt, một trong những thành hiếm hoi của triều Nguyễn còn khá nguyên vẹn. Đây từng là một pháo đài oanh liệt của nhà Nguyễn trong thời kỳ kháng Pháp cuối thế kỷ XIX và được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia. Thành được xây dựng bằng đá ong hết sức độc đáo với nhiều cây cổ thụ và tầng lớp rêu phong bám trên tường, tạo vẻ cổ kính. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, thành cổ Sơn Tây đã hoàn toàn được “thay áo mới”, mặc cho người dân bức xúc. Ngày nay, chúng ta không còn thấy những bức tường đá ong đặc trưng của đất Sơn Tây mà được thay thế bằng xi măng, sắt, thép. Chu vi 2.000 m tường thành ngày xưa đã bị phá hoàn toàn, thay vào đó là những nguyên vật liệu hiện đại. Thậm chí, cổng thành cũng xây mới, nhiều cổ thụ bị chặt phá khiến vẻ uy nghiêm, cổ kính của di tích này biến mất. 
Sai phạm kể không hết
GS Trần Lâm Biền từng thốt lên đau xót: “Công tác trùng tu, tôn tạo di tích còn sai phạm nhiều lắm, kể ra không hết”. Cục Di sản Văn hóa cũng đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các đơn vị thi công các dự án trùng tu, tôn tạo di tích phải đưa những cấu kiện cũ có giá trị vào lắp dựng nhưng không được thực hiện.
“Cục Di sản Văn hóa chỉ có vài chục người, làm sao quản lý được tất cả di sản ở địa phương? Trong khi đó, Thanh tra Bộ VH-TT-DL là thanh tra chung chứ đâu đã có thanh tra chuyên ngành vì bảo tồn là một ngành rất đặc thù, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao” – GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nêu thực trạng.
 
Theo DTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)