Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phải ăn cơm hớt, đạp bóng mẹ chồng mới không bị ức hiếp?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mẹ con dạy, ngay sau ngày cưới mà con dâu dậy sớm hơn mẹ chồng, thì cô ấy sẽ làm chủ cái bếp, làm nội tướng uy quyền trong nhà cho chồng… sợ.

Bốn giờ sáng ngày “nhị hỉ” của con trai, tôi còn ngủ vì mệt thì nghe dưới bếp loảng xoảng tiếng xoong nồi. Mèo hoang phá bếp ư? Mà không, tủ chén nhà tôi rất kín, thức ăn cũng cho vào tủ lạnh hết rồi. Hết tiếng xoong nồi va chạm thì đến tiếng thau rơi tuy nhẹ nhưng cũng làm giấc ngủ khó tiếp tục. Tôi đành trở dậy, xuống bếp và thật bất ngờ, cô con dâu mới đang loay hoay nấu ăn. Tôi hỏi:

– Hân ơi, thức sớm chi vậy con? Hôm qua đã mệt lắm rồi, cứ ngủ bù thoải mái đi con!

– Dạ, không được ạ. Mẹ con dạy…

– Thời buổi nào rồi mà chị sui còn dạy con sáng phải pha trà cho mẹ chồng vậy à! Thôi, mẹ cho phép đó, cứ trở lên ngủ cho hết mệt đi con.

– Dạ, thật ra con cũng mệt lắm. Nhưng mẹ con dạy, ngay sau ngày cưới mà con dâu dậy sớm hơn mẹ chồng, thì từ đó cô ấy sẽ làm chủ cái bếp, làm nội tướng có uy quyền trong nhà cho chồng… sợ.

Phai an com hot, dap bong me chong moi khong bi uc hiep?
Sáng sớm con dâu tôi đã dậy nấu ăn. Ảnh minh họa

Cô con dâu tuổi 23 của tôi thật thà như đếm. Nhưng nhìn nét mặt còn ngái ngủ của con, tôi không thể không thương nên đáp:

– Ừ, hôm nay con cũng dậy sớm hơn mẹ rồi. Con sẽ làm nội tướng của cái nhà này luôn. Mẹ sẽ khỏe ru mà đi tập gym, tập khiêu vũ, uống cà phê…

– Vậy mẹ… cho phép con đi ngủ tiếp nhé?

– Ừ đi đi, mệt thấy mồ mà làm bộ!

Như chỉ chờ có thế, con dâu tôi phóng một bước hai bậc thang lên lầu mất hút.

Chuyện tưởng chỉ dừng lại đó. Nhưng vài hôm sau tôi để ý, trong bữa cơm, con dâu không bới cơm từ nồi ra để ăn mà sau khi bới cho mẹ chồng và chồng thì con bé se sẽ lấy một tô cơm nhỏ bới sẵn tự lúc nào đem ra ăn riêng. Tôi nghĩ chắc con ăn cơm nguội nên nói “cơm nguội cứ để đó, ăn cơm nóng đi con”. Con dâu bần thần hồi lâu rồi bảo:

– Mẹ đừng la con mới dám nói…

– Gì mà quan trọng dữ vậy con? Nhà có ba người chúng ta thôi mà.

– Là mẹ con dạy, cơm nấu chín xong, con phải “ăn cơm hớt” trước một tô để riêng thì trong cuộc sống vợ chồng mới không bị chồng ăn hiếp.

Tôi suýt… nổi điên vì quan niệm của nhà sui. Nhưng chợt nhớ, mình là bà mẹ chồng 48 tuổi, chị sui đã 65, hai cách sống và quan niệm khác nhau là điều đương nhiên. Tôi bảo con dâu:

– Hân à, những điều chị sui dạy con, có thể đúng với thời điểm nào đó, với gia đình nào đó, chứ ở gia đình mình thì không đúng đâu. Mẹ là bà mẹ chồng rất xì – tin, không hề khó khăn gút mắc gì với con dâu hết. Bởi mẹ biết một điều duy nhất, là nếu mẹ khó khăn với con thì con trai mẹ sẽ mất vui. Mẹ cũng không có con gái, hai thằng con trai, em út còn đi học, nên nhà quạnh hiu. Mẹ xem dâu như con ruột, con đừng tự tạo khoảng cách rồi mệt con mà mẹ cũng không thoải mái nhé.

– Dạ. Mẹ nói rồi con mới dám nói. Mẹ con còn dạy nhiều việc nữa, nhưng con thấy cũng kì kì nên chưa áp dụng. Mà con cũng không biết có đúng không.

– Ví dụ việc gì nói mẹ nghe xem nào?

– Như mẹ con bảo, lúc nào đi chung với mẹ chồng thì phải giả bộ vô tình đi trước để đạp vào bóng mẹ, như thế mới không bị mẹ ức hiếp.- …

Phai an com hot, dap bong me chong moi khong bi uc hiep?
Đừng đem quan niệm xưa cũ áp đặt lên cuộc sống hôm nay. Ảnh minh họa

– Mẹ ơi. Mẹ của con nửa đời làm dâu nước mắt chan cơm phải chịu bao ức hiếp của nhà nội con. Rồi vì “tội” không sinh được con trai nên phải để ba con ra ngoài kiếm con “nối dõi”. Mẹ con khổ lắm, bầy con gái năm đứa, sợ rồi sẽ khổ như mẹ nên ai chỉ cách gì để “vùng lên” là bà bắt tụi con áp dụng hết ạ.

– Vậy hai chị lớn của con, lấy chồng có hạnh phúc không?

– Dạ hạnh phúc.

– Con có khi nào hỏi các chị, có áp dụng những việc như mẹ con dạy không?

– Dạ mấy chị nói, cũng có áp dụng một vài lần nhưng thấy… mệt quá nên thôi.

– Thấy chưa. Vậy mà các chị con vẫn hạnh phúc. Con ạ, hạnh phúc là cái cây mà cả hai vợ chồng đều vun đắp chứ không thể là ai khác. Dù mẹ con đã sinh ra con nhưng cũng không thể hạnh phúc hay đau khổ thay con. Những "bí kíp" con đang áp dụng “để được hạnh phúc, để không bị ức hiếp” đó hoang đường lắm. Mẹ chỉ cần con cứ sống an nhiên như khi còn ở nhà con, rồi thương mẹ chút xíu, yêu chồng nhiều nhiều là con đã hạnh phúc rồi. Còn những điều mẹ con dạy, trong thời buổi này, chỉ có tính chất tham khảo mà thôi nha con.

Chắc con dâu đã nghe lời tôi nên sau đó không thấy lọ mọ dậy nấu ăn nữa; cũng không còn mỗi bữa cơm ne né ăn riêng tô của mình. Mấy khi mẹ chồng nàng dâu đi chung cũng không thấy bước lên “đạp bóng” mẹ chồng.

Qua lời kể của con dâu, tôi thương chị sui nhiều lắm. Nhưng đem những quan niệm cổ xưa, cách suy nghĩ vô căn cứ để áp dụng vào cuộc sống hôm nay quả là một điều tội nghiệp cho tuổi trẻ.

Bích Đào/ PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)