Tòa soạnThư đi – tin lại

Phải biết cách sử dụng Facebook

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các bạn trẻ nên biết cách sử dụng Facebook cho hợp lý.  Ảnh: C.T

Không phải ngẫu nhiên mà Facebook trở thành một mạng xã hội có nhiều người sử dụng nhất trên thế giới bởi nó có sức hút đối với bất cứ ai, đặc biệt là lứa tuổi học sinh (HS). Một bài giảng chia sẻ trên lớp có thể đến với vài chục, vài trăm HS. Tuy nhiên, một bài viết trên Facebook, đối tượng HS xem gần như không giới hạn. Facebook lại có thể biến hóa vô cùng đa dạng với chữ, hình ảnh, âm thanh, video clip, các ứng dụng (apps), thậm chí chứa các link tải file và các đường liên kết, mà HS thì cực kỳ thích sự đa phương tiện này. Đặc biệt về khả năng tương tác, HS có thể tỏ thái độ trực tiếp qua nút like, phản hồi trực tiếp qua comment, phản hồi kín đáo qua inbox, chia sẻ thông tin ngược lại thông qua các bài đăng trên tường… Với những tính năng tuyệt vời như trên nên Facebook ngoài vai trò là mạng xã hội giá trị giải trí còn là một cộng đồng hiệu quả để tổ chức chia sẻ thông điệp, truyền tải thông tin, và cao hơn là tổ chức một lớp học online, một “phòng tham vấn tâm lý cá nhân và cộng đồng” trực tuyến lý tưởng… Bản chất Facebook không xấu, xấu hay không là ở chỗ chúng ta làm gì trên đó. Vì vậy, chúng ta cần phải biết cách sử dụng nó cho đúng. Facebook sẽ trở thành một ngôi nhà dễ thương, trở nên một lớp học đầy ý nghĩa, trở thành một quán trà chanh giao lưu bè bạn hay trở thành vũng lầy học tập, thành bãi đất u ám với những lời thóa mạ nhau… đều tùy thuộc vào cách HS sử dụng chúng mà thôi. Vì vậy, để sử dụng Facebook cho đúng thì HS chỉ cần đảm bảo vài điều cơ bản sau: Một là, thời gian sử dụng vừa phải. Đừng để Facebook trở thành “mê cung” đã vào là không có lối ra. Đừng để bị “nghiện” để rồi học hành sa sút, bỏ quên bạn bè thực, sống ảo hơn sống thực; Hai là, lưu ý những gì thể hiện trên Facebook. Một lời phát ngôn của bạn có thể lan truyền ghê gớm đấy. Đừng đăng ảnh nhạy cảm, tung clip “đen”, phát ngôn những câu “nghe không lọt”, đăng các  bài thóa mạ “búa rìu nhau”; Ba là, tận dụng những cái tốt của Facebook: Mở rộng mạng lưới bạn bè, theo dõi và quan tâm lẫn nhau, đọc các bài viết hay, tham gia các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa… Vì thế, chúng ta hãy sử dụng Facebook một cách hợp lý để không ảnh hưởng tới học hành và ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh nhé!
ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)