Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phải chi 6% thu nhập để đi học là khá cao!

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua (30-5), Quốc hội đã nghe báo cáo về đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục giai đoạn 2010-2014.Về đề án điều chỉnh học phí, Ủy ban Văn hóa – giáo dục – thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) cho rằng còn nhiều điều phải xem lại.
Học phí không vượt quá 6% thu nhập
Trình bày với Quốc hội (QH) về đề án mới, Chính phủ cho biết nguyên tắc xác định học phí của các trường mầm non và giáo dục phổ thông (từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông) sẽ đảm bảo tất cả học phí và các khoản chi cần thiết khác cho việc học tập không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Với hộ dân có thu nhập rất thấp, nếu 6% thu nhập chưa bảo đảm chi cho các nhu cầu như mua dụng cụ học tập, sách giáo khoa, đồng phục, đi lại… thì Nhà nước sẽ miễn học phí, đồng thời còn hỗ trợ thêm.
Theo đề án, mức học phí tại địa phương sẽ do UBND tỉnh, TP trình HĐND tỉnh, TP quyết định. Tuy nhiên, trong một tỉnh có các vùng có mức thu nhập khác nhau nên có thể có các mức học phí khác nhau. Chẳng hạn, các đô thị tại tỉnh có thu nhập bình quân 800.000 đồng/người/tháng, tương ứng 6% thu nhập, mức học phí sẽ khoảng 35.000 đồng/tháng. Với những hộ thu nhập từ 650.000-800.000 đồng/tháng ở đô thị, học phí sẽ chỉ còn 17.000 đồng/tháng. Vùng có thu nhập dưới 650.000 đồng/tháng hoặc người dân xin được xác nhận có mức thu nhập trên thì sẽ không phải đóng học phí.
Ở khu vực đồng bằng, mức học phí phổ biến cho đa số học sinh là 17.000 đồng/tháng với mức thu nhập từ 650.000 đồng/tháng trở lên. Người có thu nhập dưới 650.000 đồng/tháng xuống tới 508.000 đồng/tháng thì được miễn học phí. Còn dưới 508.000 đồng/tháng thì được hỗ trợ 13.000 đồng/tháng. Với huyện miền núi có thu nhập bình quân 400.000 đồng/tháng thì sẽ miễn học phí cho tất cả học sinh. Ngoài ra, đa số các em còn được hỗ trợ 13.000 đồng/tháng để giúp gia đình mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em (nếu 6% thu nhập gia đình không đủ cho các việc này).
Không thể miễn học phí bậc học mầm non
Trả lời câu hỏi của các vị đại biểu QH vì sao không miễn học phí cho bậc học mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết năm 2008 có 3,39 triệu học sinh mầm non. Chi phí giáo dục bình quân cho một học sinh mầm non là 2,56 triệu đồng/năm. Nếu miễn học phí thì các em đang ở nhà cũng sẽ đi học, nâng số học sinh mầm non lên 6 triệu em và Nhà nước phải chi là 15.360 tỉ đồng/năm.
Với khung học phí đại học và trung cấp nghề, cao đẳng nghề, đề án phân theo nhóm ngành đào tạo và mức đóng góp sẽ tăng đều hằng năm. Riêng năm học 2009-2010, trong khi chưa thực hiện việc thay đổi cách đóng học phí theo đề án, học phí đào tạo sẽ tăng bằng 50% mức mất giá đồng tiền năm 2008 so với năm 2000.
Theo đó, học phí đại học tăng từ 180.000 đồng lên 255.000 đồng/tháng, học phí học nghề tăng từ 120.000 đồng lên 170.000 đồng/tháng. Từ năm 2010, học phí hệ đại học tăng cao nhất sẽ ở nhóm ngành y dược, dự kiến tăng 340.000-800.000 đồng/tháng. Khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ tăng 310.000-650.000 đồng/tháng. Nhóm khoa học xã hội, kinh tế, luật sẽ tăng 290.000-550.000 đồng/tháng.
Khung học phí của trung cấp nghề và cao đẳng nghề tăng thấp hơn nhưng từ 2010-2014 sẽ tăng 230.000-700.000 đồng/tháng.
Phải làm rõ thêm nhiều điều
Trong báo cáo thẩm tra đề án, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ đã nêu nhiều điểm cần làm rõ của đề án, trong đó nổi bật là việc tính toán thu nhập để thu học phí tại địa phương.
Theo ủy ban này, ở các nước mới phát triển, học phí và các chi phí học tập khác người dân phải đóng từ 1,9-7,95% thu nhập bình quân; ở các nước phát triển, con số này cũng chỉ từ 2-10% mà ở VN là 6% thì khá cao. Mức này cũng “không phù hợp với thực tế thu nhập của các hộ dân hiện nay khi đa số học sinh, sinh viên là con em các hộ nông dân còn rất nghèo và khó khăn”.
Việc đề án cho rằng “các khoản chi cần thiết khác” sẽ chỉ chiếm 6% thu nhập hộ gia đình, theo Ủy ban VHGDTNTN&NĐ, là không rõ ràng. Với quy định như vậy, các địa phương hoàn toàn có thể hạn chế “các khoản chi cần thiết khác”, dẫn đến tùy tiện khi xác định mức học phí cụ thể. Do vậy, ủy ban đề nghị phải quy định rõ học phí không vượt quá 5% thu nhập bình quân của hộ gia đình để giảm bớt đóng góp cho dân.
Với giáo dục mầm non và phổ thông, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cũng đề nghị không nên áp dụng ngay mức học phí trần vì mức tăng như thế quá lớn và đột ngột với một bộ phận học sinh.
Ngoài ra, báo cáo thẩm tra cũng lo ngại đề án sẽ khó ở khâu tổ chức thực hiện do việc xác định thu nhập để tính học phí rất phức tạp. Quản lý thu nhập hiện nay chủ yếu dựa vào lương và bằng tiền mặt nên cần có biện pháp quản lý để tránh tình trạng học sinh sẽ dồn vào vùng học phí thấp.
Khi phải đóng học phí, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cho rằng người dân có quyền đòi hỏi cơ sở giáo dục phải cam kết, có cơ chế cụ thể đảm bảo chất lượng tương xứng. Mức chất lượng đề án đưa ra, theo ủy ban, là không rõ ràng nên cần công bố các tiêu chí cụ thể để người dân giám sát và làm cơ sở cho công tác kiểm định chất lượng.
CẦM VĂN KÌNH (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)