Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được đi spa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

“Có công văn mới rồi à? Dạo này buông luôn rồi nên không để ý, tập trung làm cái khác kiếm tiền chứ cuối năm rồi, cứ mở rồi đóng theo không nổi”, câu trả lời kèm theo tiếng thở dài của chị P.T.Ái Linh, chủ một cơ sở spa trên đường Điện Biên Phủ (Q.10, TP.HCM), khi được hỏi: “Đã đáp ứng đủ tiêu chí để mở cửa lại chưa?”.

Siết điều kiện, mở cũng không có khách

Nhận sang nhượng lại spa đúng đợt dịch Covid-19 bùng phát, chưa kịp để khách nhớ tên thì chị Linh đã phải cho đóng cửa, song vẫn duy trì nuôi nhân viên để chờ ngày mở lại.

Chị Linh kể giữa tháng 11, TP.HCM ban hành quy định cho phép nhiều dịch vụ hoạt động theo cấp độ dịch, trong đó có spa. Tuy những điều kiện lúc đó còn nhiều bất cập, nhưng chị Linh vẫn cố gắng mở lại để có thêm dòng vốn duy trì và cũng để nhân viên có thu nhập sau nhiều tháng nghỉ dịch. Đùng một cái, TP.HCM ra văn bản chỉ sau đúng 1 ngày, nhân viên vừa gọi lên lại lật đật cho nghỉ. Từ đó đến nay, chị chuyển hẳn sang kinh doanh quán ăn để bù chi phí cho spa. Tưởng rằng đến nay khi hầu hết các ngành dịch vụ, kinh tế đã được hoạt động trở lại, spa được mở cửa sẽ chắc chắn hơn, nhưng sau khi đọc bộ tiêu chí của TP.HCM thì bà chủ này tiếp tục thất vọng.

Phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được đi spa - ảnh 1

Theo UBND TP.HCM, các cơ sở kinh doanh spa, massage phải hội đủ 10 tiêu chí mới đủ điều kiện hoạt động trở lại. Cụ thể, các tiêu chí cơ bản trong phòng chống dịch là: yêu cầu đăng ký mã QR, khai báo y tế, đo nhiệt độ khách, bố trí nước rửa tay sát khuẩn cho khách, khách và nhân viên đều tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hoặc từng là F0 đã khỏi bệnh, khoảng cách 4 m2 mỗi người, nhân viên đeo khẩu trang suốt thời gian phục vụ khách và thay khẩu trang sau mỗi lần phục vụ…

Phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được đi spa - ảnh 2

Dịch vụ spa massage được phép hoạt động trở lại nếu đáp ứng đủ 10 tiêu chí. SHUTTERSTOCK

Ngoài ra, các cơ sở phải khử khuẩn giường, ghế và các vật dụng sau mỗi lần phục vụ khách hàng; khử khuẩn định kỳ bề mặt thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, nhà vệ sinh… tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cần thiết. Đặc biệt, tiêu chí 3 trong Bộ tiêu chí quy định với khách đi spa, massage, ngoài việc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi vào các cơ sở dịch vụ này.

“Đã yêu cầu người đến sử dụng dịch vụ phải đảm bảo là F0 đã khỏi bệnh; đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin lại còn phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Vậy là giờ ai muốn đi spa phải đi xét nghiệm như đi du lịch vậy à? Cho người dân ngồi nhậu ngoài quán, tiếp xúc thoải mái mà có cần xét nghiệm đâu, tại sao đi spa lại bắt có? Một lần xét nghiệm hết 150.000 đồng, đi làm dịch vụ cũng phải thêm 500.000 – 1 triệu đồng nữa. Chưa nói đến tiền thì cũng không ai vì mục tiêu chăm sóc da hay massage thư giãn mà phải đi xét nghiệm rồi trình giấy tờ các thứ đâu”, chị Ái Linh đặt vấn đề.

Chị Ngọc Phụng, chủ cơ sở Phụng Spa (Q.Tân Bình, TP.HCM), cũng khá hờ hững khi đọc Bộ tiêu chí để mở spa dù đóng cửa nhiều tháng nay khiến chị khốn đốn. Theo chị, việc TP cho các dịch vụ spa, massage hoạt động trở lại quá trễ so với các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác như nhà hàng, quán ăn, tiệm hớt tóc… (trừ karaoke và bar) – vốn đã hoạt động trở lại từ ngày 1.10. Đã vậy, dù cho mở nhưng điều kiện khách phải có giấy xét nghiệm âm tính là không hợp lý, khiến doanh nghiệp muốn mở cũng khó có khách. Hoạt động của spa cũng như nhà hàng, thậm chí mật độ khách vào thấp hơn nhiều. Thời gian thì khách vào ăn uống đôi khi ngồi còn lâu hơn đi spa. Một gói spa đá nóng, thảo dược chỉ mất 45 phút, xông hơi nữa cũng tối đa thêm 15 phút. Trong khi vào nhà hàng ăn uống tụ tập bạn bè lúc này có thể ngồi 3 tiếng đồng hồ chưa về. Vào massage chưa tới 1 tiếng đồng hồ mà phải đi xét nghiệm rồi trình giấy tờ thì không ai đi.

Doanh nghiệp làm sao chịu nổi?

Thực tế, dù TP.HCM chưa cho phép mở cửa, nhưng do nhu cầu của khách quen, có số lượng không nhỏ các spa đã mở lại với quy mô hẹp, chỉ đón 1 – 2 khách quen mỗi ngày.

N.H.Khánh, giám đốc kinh doanh một công ty vận tải ở Q.1 (TP.HCM), tự nhận là “mối ruột” của chuỗi spa B.L, cho biết chị đã đi spa tại cơ sở này trong gần 1 tháng qua, không ai hỏi giấy xét nghiệm. Chỉ cần tiêm đủ 2 mũi, có thẻ xanh là được phục vụ. “Mình vào đó làm 2 lần từ ngày dịch vụ mở lại và thấy bình thường. Thực ra giai đoạn này cũng ít khách, mỗi người nằm phòng riêng nên cũng không tiếp xúc với ai. Nghe quy định mới mà thấy hoang mang”, chị Khánh nói.

Theo chị Ngọc Phụng, sau quãng thời gian đóng cửa quá dài và liên tục đóng/mở theo sự thay đổi quy định của TP, đến nay một số cơ sở dịch vụ massage nhỏ không “gồng” nổi tiền thuê nhà đã buộc phải mở “lắt nhắt” trở lại, chủ yếu massage thư giãn cho dăm ba khách quen. “Không làm lắt nhắt chắc không có tết. Dịch này khiến những cơ sở spa lớn hay nhỏ đều “chết” vì thời gian đóng cửa kéo dài quá, khách gần như quên hẳn dịch vụ này”, chị than thở tiếp và kết luận: “Thực ra càng cấm nhiều, càng khó quản. Mọi người đã tiêm đủ 2 mũi rồi, tiêu chí lớn nhất là ý thức phòng chống dịch của chính người dân, của chủ cơ sở kinh doanh”.

Đồng cảm, chị Ái Linh chia sẻ: Hiện nay, TP.HCM đã mở cửa kinh tế gần 3 tháng. Hầu hết các ngành dịch vụ đã được mở cửa trở lại, trong đó thẩm mỹ viện, salon cắt tóc gội đầu, nhưng đến nay spa vẫn còn bị nâng lên đặt xuống với những tiêu chí không khả thi là quá vô lý. “Mở thì mở đều, mở công bằng để cho doanh nghiệp còn sống. Cứ mở ra đóng vào rồi lại mở thêm hàng tá tiêu chí, quy định như thế thì doanh nghiệp làm sao chịu nổi”, chị kiến nghị.

Cuối năm rồi, đừng mở he hé nữa

Đọc tiêu chí theo quy định của UBND TP, chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa lắc đầu nói thẳng: “Đơn vị chấp bút cho bộ tiêu chí này thể hiện tư duy sợ trách nhiệm cá nhân và “thòng” thêm những tiêu chí dư thừa trong bối cảnh hiện nay. Tại sao có dịch vụ thì cho mở toang, dịch vụ lại mở he hé mà không biết dựa trên yếu tố khoa học nào? Sau gần 3 tháng mở cửa, có gì mới nữa đâu ngoài việc tiêm đủ 2 mũi vắc xin và đang chuẩn bị tiêm mũi 3 để sống chung với dịch. Các dịch vụ nói chung nên được đối xử công bằng và chỉ phân 2 loại: không gian kín và không gian mở. Thực tế, tiệm spa với không gian kín có máy lạnh không khác gì tiệm cà phê, cửa hàng tiện lợi, tiệm thuốc, nhà hàng… gắn máy lạnh”.

Theo ông Hòa, chủ trương của TP là cho mở hết, thể hiện sự công bằng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Còn lại, phòng chống dịch thế nào giao cho các chủ cơ sở tự chịu trách nhiệm. Nếu có dịch Covid-19 vào điểm kinh doanh, chính chủ cơ sở, doanh nghiệp đó chịu trách nhiệm, tự bỏ tiền ra để chữa trị. Người dân cũng vậy, không chờ nhà nước bao cấp. Tóm lại, đã là bình thường mới thì cứ để người dân làm chủ và chịu trách nhiệm với sự an nguy của họ trong dịch bệnh với kiến thức, kinh nghiệm phòng chống dịch mà họ đã trải qua gần 2 năm qua.

Dưới góc độ dịch tễ, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng – Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng việc xét nghiệm là không cần thiết vì khả năng lây lan của spa không cao hơn so với các dịch vụ khác đã được mở cửa. Nếu cẩn thận thì chỉ cần yêu cầu xét nghiệm 3 ngày/lần hoặc 7 ngày/lần đối với nhân viên của spa, khách hàng đã tiêm đủ 2 mũi thì có thể tự do tới làm dịch vụ.

Nhà hàng không quy định khách vào ăn có giấy xét nghiệm âm tính, người ta đi ăn “rầm rầm” gần 3 tháng rồi. Nay bình thường mới mà buộc người đi spa thư giãn 45 phút phải vào bệnh viện xét nghiệm mới được đi là không ổn. Đó là chưa nói nhà hàng đón lượng khách vào ra liên tục đông đúc, còn dịch vụ spa không phải ngày nào cũng có khách và mật độ khách vào ra rất thấp, mỗi lần phục vụ năm bảy khách là mừng rồi. Điều kiện vô lý quá.

Chị Ngọc Phụng (chủ cơ sở spa ở Q.Tân Bình, TP.HCM)

Theo Nguyên Nga – Hà Mai/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)