Đây là nhận định của ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), về vụ K+ (liên doanh giữa VTV với Canal Plus của Pháp) độc quyền nhiều giải bóng đá quốc tế trên truyền hình.
Trong tình hình hiện tại, nếu trận derby Manchester diễn ra vào chủ nhật, khán giả thuê bao của dịch vụ truyền hình cáp VCTV, SCTV và HTVC sẽ không xem được vì K+ độc quyền. |
– Phóng viên: Thưa ông, việc kênh truyền hình K+ mua bản quyền truyền hình độc quyền giải bóng đá Anh, Tây Ban Nha, Ý làm cho hàng triệu khán giả đang mua dịch vụ của các đài truyền hình khác chịu thiệt thòi. Cục đánh giá ra sao về vấn đề này?
– Ông Lưu Vũ Hải: Hiện một số đài truyền hình đã có văn bản gửi Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử về vấn đề này. Đây là lần đầu tiên xuất hiện vấn đề cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình. Cục đang phối hợp cùng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để rà soát lại toàn bộ khuôn khổ pháp lý xung quanh lĩnh vực này. Sau đó, chúng tôi sẽ xem xét hướng xử lý cho phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tiễn của VN trong cung cấp dịch vụ truyền hình. Đây là vấn đề cạnh tranh giữa các đài và K+ cũng là một doanh nghiệp nên phải được điều chỉnh theo Luật Cạnh tranh. Trước mắt là làm rõ yếu tố cạnh tranh giữa các đài và K+ có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không rồi mới tính đến quyền lợi người xem truyền hình.
– Nếu K+ áp dụng đúng độc quyền thì người dân muốn xem các giải đấu lớn sẽ phải bỏ thêm mỗi tháng một khoản tiền không nhỏ, chưa kể số tiền mua đầu thu hàng triệu đồng, trong khi hầu hết người dân đô thị đã mua dịch vụ truyền hình cáp VN hoặc dịch vụ cáp các đài truyền hình khác. Quan điểm xử lý của cục như thế nào, thưa ông?
– Trước đây, người dân đã quen với việc được xem truyền hình miễn phí nhưng nay đã có dịch vụ truyền hình có thu tiền. Đây cũng là xu thế chung trên thế giới. Truyền hình trả tiền phải có thu phí để bảo đảm có lợi nhuận. Tuy nhiên, đây cũng là loại hình mới và pháp luật cũng phải điều chỉnh để quản lý từ khâu cạnh tranh đến giá cước… Hiện nay, quy chế quản lý truyền hình trả tiền đang được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ. Nếu có quy chế này, bước đầu sẽ có vận dụng, điều chỉnh hoạt động này. Tại thời điểm này, đúng là cũng rất khó. Tuy nhiên, phải khẳng định là trong trường hợp dịch vụ truyền hình trả tiền, ngoài quyền lợi cục bộ, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội vì đây là lĩnh vực kinh doanh đặc thù. Mặt khác, nếu trong trường hợp pháp luật chưa đủ để điều chỉnh thì doanh nghiệp cũng phải có ứng xử hài hòa, hợp lý trước phản ứng xã hội. Quan điểm là quyền lợi của người dân vẫn phải đặt trên hết.
– Việc để một nhà đài độc quyền các chương trình hấp dẫn có thể dẫn đến sự áp đặt cước phí như dịch vụ mạng điện thoại di động trước đây, cục có tính đến yếu tố này để có chế tài ngăn chặn?
– Hiện nay thì chưa có chế tài đối với việc này nhưng chúng tôi sẽ có đề xuất chính sách quản lý chặt chẽ. Hiện quản lý dịch vụ truyền hình vẫn theo Luật Báo chí và giá cả cũng ở mức độ vừa phải.
– Vậy có nên ban hành quy chế cấm độc quyền chương trình hoặc có thêm điều kiện phải chia sẻ một số nội dung với các đài khác, đặc biệt là đài địa phương, thưa ông?
– Hiện tại các kênh, đài đang mua bản quyền độc quyền một chương trình truyền hình nước ngoài. Nên việc trước mắt là xem xét ở Luật Cạnh tranh. Bước hai sẽ xem xét tiếp các vấn đề sau vì đây là vấn đề rất mới và khá phức tạp.
– Vấn đề là người tiêu dùng không có quyền lựa chọn vì chương trình yêu thích đã bị độc quyền. Cục có tính đến chương trình nào không được độc quyền vì không phải địa phương nào cũng có cáp truyền hình hoặc người dân không có đủ chi phí chi trả?
– Trước đây, những kênh, chương trình phổ biến, phục vụ thông tin tuyên truyền do VTV phát thì có thể điều chỉnh theo hướng như vậy. Nhưng trong thị trường truyền hình trả tiền lại khác nên cục đang bàn với Cục Quản lý cạnh tranh để có quy định cụ thể.
Thế Dũng (theo NLD)
Bình luận (0)