Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phải đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho sinh viên tình nguyện

Tạp Chí Giáo Dục

Sau sự cố 3 nữ sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội bị lũ cuốn khi đang tham gia hoạt động tình nguyện tại Quảng Ninh, dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị tổ chức, về việc quản lý các hoạt động sinh viên tình nguyện, nguy cơ mất an toàn đối với các tình nguyện viên… Ngày 4-7, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi nhanh với anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, xung quanh vấn đề này.

° Phóng viên: Xin anh cho biết Trung ương Đoàn đánh giá như thế nào về tai nạn vừa xảy ra đối với 3 nữ sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội?

° Anh NGUYỄN MẠNH DŨNG: Đây là một sự cố rất đáng tiếc bởi lẽ ngay từ khi phát động phong trào thanh niên tình nguyện, Trung ương Đoàn đã đặt ra những tiêu chí hàng đầu, đó là phải thiết thực, hiệu quả và an toàn. Trước khi ra quân, các đơn vị tổ chức đều phải tổ chức tập huấn các kỹ năng cho các tình nguyện viên, trong đó, vấn đề đảm bảo an toàn cho các tình nguyện viên luôn được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Thế nhưng, do hoạt động tình nguyện được mở rộng, số lượng sinh viên tham gia đông đảo nên ở một số nơi, một số cấp bộ đoàn vẫn còn những sơ sót trong khâu tổ chức, quản lý các hoạt động tình nguyện, các hoạt động tập huấn có thể chưa được làm tốt như mong muốn.

Lực lượng cứu nạn trắng đêm tìm 3 nữ sinh viên

* Vậy theo anh, điều cần chấn chỉnh nhất đối với hoạt động sinh viên tình nguyện sau sự cố này là gì?

° Sự cố xảy ra cho thấy hoạt động sinh viên tình nguyện phải được tổ chức chu đáo hơn, từ khâu khảo sát địa bàn nơi đến, hành trình cụ thể của tình nguyện viên, kết hợp với những thông tin cập nhật về thời tiết. Đặc biệt, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa sinh viên tình nguyện và các đoàn viên, thanh niên địa phương, nhất là khi nơi đến là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, rừng núi sông suối hiểm trở, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho sinh viên. Bên cạnh đó, cần phải có sự trang bị kỹ năng sống tốt hơn nữa cho các sinh viên tình nguyện. Không chỉ cần có sức khỏe, các tình nguyện viên còn cần có ý thức tổ chức kỷ luật tốt và ý thức về đảm bảo an toàn cho bản thân. Thống kê từ các năm cho thấy, những rủi ro dẫn đến thương tích, thiệt mạng cho sinh viên tình nguyện chủ yếu là tai nạn giao thông, đuối nước. Vì vậy, trang bị kiến thức, cảnh báo những nguy cơ rủi ro này cần phải được làm quyết liệt hơn.

° Sự cố này xảy ra có ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động tình nguyện trong thời gian tới?

° Rõ ràng, sự cố xảy ra là một bài học đắt giá cho những người làm công tác Đoàn, lãnh đạo các trường học cũng như cho chính các sinh viên tình nguyện.

Vấn đề ở đây là cần chấn chỉnh, siết chặt hơn công tác tổ chức cho sinh viên tình nguyện. Hoạt động sinh viên tình nguyện của một số đơn vị có thể tạm dừng ít ngày để rà soát chấn chỉnh. Trong ngày 4-7, Thành đoàn Hà Nội đã tập hợp các bí thư Đoàn cơ sở để chấn chỉnh về công tác đảm bảo an toàn cho sinh viên tình nguyện. Các địa phương có số lượng sinh viên tình nguyện đông như TPHCM, Đà Nẵng, Thái Nguyên… cũng phải tổ chức chấn chỉnh ngay về công tác đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để xảy ra những sự cố đáng tiếc ảnh hưởng đến sinh mạng của tình nguyện viên. Tháng 7 là tháng cao điểm sinh viên tình nguyện, các hoạt động tình nguyện sẽ tiếp tục diễn ra bình thường, tiếp tục đóng góp tích cực vào giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho cộng đồng, đồng thời là cơ hội rèn luyện, trưởng thành cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên.

° Xin cảm ơn anh!

Bích Quyên / SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)