Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt ra những yêu cầu mới trong công tác hướng nghiệp học sinh, đòi hỏi sự đổi mới trong công tác này ở mỗi nhà trường, mỗi cấp học.
Theo các chuyên gia, hoạt động hướng nghiệp học sinh hiện nay cần đi sâu vào tính trải nghiệm
Chương trình thay đổi, nhà trường phải thay đổi theo
Khoảng 2 năm nay, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TP.HCM) có cơ hội trải nghiệm, trao đổi kinh nghiệm với các anh chị trong hội cựu học sinh nhà trường hiện đang là sinh viên ĐH để tìm hiểu thực tế về ngành nghề đào tạo. Cô Nguyễn Thị Ánh Mai (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của học sinh nên trường đã kết nối với hội cựu học sinh nhà trường để xây dựng các chương trình, hoạt động hướng nghiệp mang tính trải nghiệm cao. Chính sự trải nghiệm cùng với những giá trị mà mô hình hướng nghiệp này mang lại khiến học sinh rất thích thú, hào hứng, thu hút các em tương tác, từ đó mang lại hiệu quả hướng nghiệp cao. “Những năm trước công tác hướng nghiệp học sinh được nhà trường thực hiện qua các chương trình tư vấn, hay các trường ĐH về chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm… Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức đưa học sinh đi tham quan, trải nghiệm ở các trường ĐH theo hình thức “Một ngày làm sinh viên”. Qua đó, học sinh phần nào hiểu hơn về các ngành nghề, môi trường học ở ĐH. Thế nhưng, đứng trước sự chuyển mình của đời sống xã hội, các ngành nghề hiện nay cũng như yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì công tác hướng nghiệp buộc phải thay đổi, mang chiều sâu hơn nữa để tiếp cận đến nhu cầu của mọi đối tượng học sinh”, cô Ánh Mai cho biết.
Tương tự, tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), bên cạnh các hoạt động hướng nghiệp mang tính đại trà như hướng nghiệp dưới sân trường với toàn thể học sinh, chương trình hướng nghiệp hàng năm còn được nhà trường thiết kế theo chiều sâu “cá thể hóa”, hướng nghiệp sớm theo từng khối lớp. Đại diện nhà trường thông tin, để giúp học sinh nhận diện được các ngành nghề, nhà trường tổ chức hướng nghiệp theo nhóm học sinh. Các em đăng ký được trải nghiệm tìm hiểu ở lĩnh vực nào, tại trường ĐH nào, sau đó nhà trường sẽ liên hệ với trường ĐH để học sinh tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu. Cụ thể, khi học sinh có mong ước trở thành sinh viên ngành y, với ước mơ trở thành một bác sĩ đa khoa thì các em sẽ được trải nghiệm thực tế tại trường ĐH có đào tạo về ngành học này. Nếu học sinh có mong muốn trở thành một sinh viên kinh tế, kiến trúc thì các em sẽ được trải nghiệm tại trường ĐH thuộc lĩnh vực đó. Với các chương trình trải nghiệm này, ngoài những thông tin chung còn cung cấp đến học sinh những thông tin chi tiết về ngành nghề, giúp các em nhận diện, biết được mình có thực sự phù hợp với ngành học hay không. “Năm nay, nhà trường tiếp tục duy trì hình thức hướng nghiệp này song sẽ mở rộng để tiệm cận gần hơn với mong ước của học sinh”, đại diện nhà trường cho biết.
Đa dạng hơn nữa các hình thức hướng nghiệp
Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc tiểu học và THCS được xác định là giai đoạn giáo dục cơ bản. Trong khi đó, bậc THPT là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp. Vì vậy, công tác hướng nghiệp ở 2 giai đoạn này phải có sự hỗ trợ cho nhau. Ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho hay, đối với bậc THCS, hiệu trưởng cần xây dựng kế hoạch và tạo môi trường hỗ trợ học sinh được trải nghiệm, thực hành, tìm hiểu thực tế về các nhóm ngành nghề, việc làm thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tại cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, hay các đối tác có nội dung chương trình được thẩm định hàng năm, tối thiểu 1 lần/năm học, đảm bảo phù hợp với điều kiện nhà trường. Nhà trường phải thực hiện tư vấn, hướng dẫn học sinh khám phá, nhận biết, phát triển năng khiếu, năng lực, sở trường, nguyện vọng nghề nghiệp, việc làm thông qua quá trình học tập, rèn luyện. Đồng thời tổ chức bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh thông qua các hoạt động câu lạc bộ, hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động phối hợp với các đối tác có nội dung, chương trình hoạt động được Sở GD-ĐT thẩm định hàng năm.
Để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các chương trình hướng nghiệp tại trường học cần đa dạng hơn nữa
Ở bậc THPT, ông Quốc chỉ rõ, nhà trường xây dựng kế hoạch hướng nghiệp trong kế hoạch giáo dục tổng thể của đơn vị, tối thiểu 9 tiết/năm theo chương trình chính khóa. Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện nhà trường cần tăng cường các hoạt động hướng nghiệp qua các hình thức trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về ngành nghề của học sinh. Dù vậy, cần hạn chế tối đa các chương trình quảng cáo tuyển sinh cho các trường ĐH vào giờ chào cờ đầu tuần, không tổ chức tư vấn du học trong nhà trường dưới mọi hình thức. “Công tác hướng nghiệp học sinh THPT cần được thực hiện qua các hình thức: tích hợp, lồng ghép vào môn học, hoạt động giáo dục của trường; bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh thông qua các hoạt động câu lạc bộ, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động phối hợp với các đối tác được Sở GD-ĐT thẩm định hàng năm; tổ chức cho học sinh trải nghiệm, thực hành với các nhóm ngành nghề, việc làm đã được tư vấn thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tại cộng đồng, doanh nghiệp, các đối tác tối thiểu 1 lần/năm”, ông Quốc nêu rõ.
Ngoài ra, ông Quốc cũng lưu ý, để đáp ứng việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường THPT cần thiết kế xây dựng chương trình tư vấn tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường THCS thuộc địa bàn quận/huyện của trường. Các phòng GD-ĐT và trường THCS phối hợp với trường TC-CĐ nghề, trường THPT, trung tâm GDTX, doanh nghiệp tổ chức các buổi hướng nghiệp phân luồng học sinh. “Hoạt động hướng nghiệp phải được đổi mới đồng bộ, mang tính kế thừa từ bậc THCS đến bậc THPT, có như vậy mới có thể đáp ứng được mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT, giúp học sinh biết được năng lực, sở trường của mình, chọn đúng được các nhóm môn học phù hợp với ngành nghề mà các em hướng tới”, ông Quốc nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)