GVCN có tin tưởng thì các em học sinh mới chịu bộc lộ mình (ảnh minh họa). Ảnh: T.L |
Tôi đã từng chủ nhiệm ba khối lớp do được ban giám hiệu phân công “đi theo” một lớp trong suốt ba năm học. Theo tôi, để làm tốt công tác của một GVCN trước hết thầy cô phải tin tưởng và hiểu học sinh. Bởi vì có tin tưởng thì các em mới chịu bộc lộ mình, dám chia sẻ với bạn bè và thầy cô để luôn đoàn kết thương yêu nhau. Mà chỉ có thông qua các hoạt động thì các em mới bộc lộ mình. Bình thường ngoài các hoạt động chung của nhà trường, tôi còn tổ chức các hoạt động thực tiễn, các cuộc hội thảo cho cả lớp như thăm hỏi người khuyết tật, chăm sóc người già neo đơn, phong trào nuôi heo đất, tự tay làm quà tặng người nghèo… Kinh nghiệm cho thấy giáo dục từ tình thương yêu cũng là một cách để chống bạo hành, bạo lực. Sau một chuyến đi, sau một bản thu hoạch về công tác xã hội các em thường mở rộng lòng hơn, giảm bớt những xung đột cá nhân, mâu thuẫn nội bộ. Mỗi người có một tính cách, khi các em hiểu nhau thì sẵn sàng chấp nhận cá tính từng người để có sự hòa đồng trong tập thể. Các chủ đề thảo luận như tình bạn, tình yêu, sống có trách nhiệm… luôn được lồng ghép vào từng buổi sinh hoạt lớp, qua đó giúp các em tự tin và trải lòng mình hơn trước mọi người. Để cho các tiết chủ nhiệm sinh động, GVCN nên thay đổi nội dung, chủ đề, hình thức mỗi tuần như đọc báo, giới thiệu sách để tạo tính cộng đồng và nâng cao tính giáo dục trong tập thể lớp. Trong các hoạt động đó GVCN không làm thay mà để các em tự tổ chức. Đó là một cách giao quyền cho học sinh.
Ngoài thời gian học, GVCN phải tạo được các sân chơi để các em hiểu tập thể hơn, gắn kết tình thương yêu với nhau. Điều quan trọng hơn nữa là GVCN phải tìm cách để tất cả học sinh trong lớp đều có cơ hội tham gia các hoạt động dù lớn hay nhỏ, nhất là với những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là cách tạo sự công bằng, thể hiện sự quan tâm của GVCN đối với từng thành viên. Nếu học sinh khối 10 còn bỡ ngỡ cần sự hướng dẫn chu đáo tỉ mỉ của thầy cô thì khối 11 các em đã có ý thức tự giác hơn nhưng cũng biểu hiện rõ cá tính của mình. Vào lớp, GVCN chỉ biết la mắng khiển trách thì sẽ dẫn đến thất bại. Không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng không đồng tình ủng hộ. Khi giáo dục các em cần có sự phối hợp với phụ huynh ngay từ đầu để trao đổi bàn bạc nhằm tìm ra biện pháp giáo dục thống nhất.
Học sinh vi phạm theo nhiều mức độ và biện pháp giáo dục của GVCN cũng tùy theo từng em mà áp dụng cho phù hợp. Có em cần cứng rắn, dùng biện pháp mạnh mới chịu nghe lời nhưng có em thích những lời khuyên nhẹ nhàng, mềm dẻo. Giáo dục các em không chỉ bằng lời nói mà phải thông qua các việc làm thiết thực và những con người cụ thể điển hình trong trường, trong lớp và ngoài xã hội như gương vượt khó học giỏi…
Tôi rất tâm đắc với một ý kiến tham gia diễn đàn này: “GVCN cũng là một nhà tâm lý”. Bởi, có hiểu tâm lý học sinh thì thầy cô mới tìm cách tiếp cận và giáo dục được các em. Các trường cần thiết tạo diễn đàn về giáo dục tâm lý, giáo dục giới tính và cả giáo dục hướng nghiệp để các em có nơi chia sẻ tâm tư tình cảm, đồng thời cũng giúp các em giảm áp lực căng thẳng trong học tập và cuộc sống.
Không chỉ thương yêu mà phải đối xử công bằng với học sinh vì nếu thiên vị thì lời nói của thầy cô sẽ mất trọng lượng. Ngoài nghiệp vụ sư phạm GVCN cần bồi dưỡng chuyên môn để trở thành GV giỏi. Khi đã trở thành “thần tượng” thì GVCN càng có uy tín và sức thuyết phục đối với học sinh.
Huỳnh Thị Thanh Vân
(GV Trường THPT Gia Định)
Bình luận (0)