Sự kiện giáo dụcTin tức

Phải đóng dứt khoát cánh cửa “chạy” trường

Tạp Chí Giáo Dục

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Lê Tiến Thành
Vừa qua, trên Giáo Dục TP.HCM có đăng bài “Chạy trường, đến hè lại nóng”. Trước tình hình thực tế hiện nay, Giáo Dục TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT về vấn đề này.
PV: Thưa ông, thời gian vừa qua, dư luận nói rất nhiều đến việc chạy trường, chạy lớp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
– Rất nhiều người Việt Nam hiện nay điều kiện kinh tế đã khá giả hơn. Tâm lý chung của mỗi người là ai cũng muốn cho con theo học trường tốt và họ phải lo đến việc cho con học trường tốt. Chữ “lo” với chữ “chạy” nhiều khi bị lẫn lộn. Ở các thành phố lớn hay những nơi có điều kiện thì chúng tôi nghĩ 100% các bậc phụ huynh quan tâm đến việc học của con trẻ. Đây gọi là “lo”. Còn “chạy” sợ rằng trong đó có chuyện lẫn lộn, chúng ta cần phải tách bạch ra như thế nào để đánh giá chứ còn chuyện lo chỗ học cho con là điều bình thường.
Tại sao lại có tình trạng như thế? Vấn đề này mừng hay lo?
– Trước hết phải nói là mừng. Vì phụ huynh muốn con em của mình học ở chỗ tốt hơn, quan tâm đến việc học của con. Khác hẳn ở các vùng cao là chúng ta phải vận động để trẻ được đi học.
Tuy nhiên nó cũng làm khó cho ngành giáo dục ở chỗ: Luật Giáo dục quy định mọi đứa trẻ sáu tuổi, lãnh thổ ở đâu thì UBND phường, xã phải đảm bảo cho đứa trẻ đó được vào học. Vậy về lý thuyết mọi đứa trẻ đều có một “chỗ” trong một trường nào đó. Bên cạnh những cái tích cực mà chúng ta đã đề cập thì chính nhu cầu rất chính đáng của phụ huynh lại gây khó khăn cho ngành. Chúng tôi cũng đã phân tích là vì sao ở thành phố lại có chuyện tuyển sinh trái tuyến? Thứ nhất là để tiện cho việc đưa đón trẻ. Thứ hai là điều kiện cơ sở vật chất của từng trường khác nhau. Thứ ba, có thể nghe tin ở đó có cô giáo tốt hơn.
Nguyện vọng của phụ huynh suy cho cùng cũng rất là chính đáng. Tuy nhiên vì lựa chọn những cái đó nên nó đã ảnh hưởng đến ngành giáo dục.
Theo như Luật Giáo dục thì mỗi đứa trẻ đều có “một chỗ”. Vậy tại sao chuyện “chạy” trường lại chỉ diễn ra ở các thành phố lớn?
– Ở thành phố lớn, người ta thực hiện phương châm “3 giảm” (giảm trái tuyến, giảm quy mô và giảm sĩ số). Đây là những cố gắng rất lớn của họ. Chúng ta phải biết rằng, hằng năm, có hàng ngàn người di cư cơ học về các thành phố lớn nên các thành phố lớn luôn chịu nhiều sức ép. Chẳng hạn như mỗi năm ở mỗi quận có thể thêm hàng trăm thậm chí đến hàng ngàn trẻ đến trường và vượt ngoài sức mà họ phải chuẩn bị. Thực tế thì dù có chuẩn bị đến mấy cũng không thể giải quyết được vấn đề này. Trong khi đó, xây trường học ở một quận như thế nào cũng đang là vấn đề nan giải. Tôi lấy ví dụ ở một quận nào đó có thêm khoảng 500 cháu thì chúng ta phải xây dựng ít nhất là 20 phòng học, vậy chúng ta phải xây như thế nào? Ai trả lời câu hỏi này? Hay xã hội chỉ biết phán xét chê bai ngành giáo dục. Ai xây phòng, đất ở đâu mà xây, tiền ở đâu mà xây? Chúng ta cần phải hiểu vấn đề khó của ngành giáo dục ở chỗ đó.
Đối với ngành thì các địa phương cũng đã nỗ lực hết mình. Chẳng hạn như ở TP.HCM họ đưa ra quy định “không tuyển sinh trái tuyến ngoài quận”.
Khi chúng ta đã biết chính xác vụ việc thì xã hội cũng phải bắt tay với ngành giáo dục để cùng làm. Để khắc phục những vấn đề trên Bộ GD-ĐT đã và đang xây dựng các bộ chuẩn quốc gia để nâng chất lượng đồng đều giữa các trường lên, yêu cầu các trường đảm bảo cho giáo viên đồng đều, không còn tình trạng học 1 buổi/ngày, không còn trường yếu, trường kém… Tuy nhiên để thực hiện được các bước này đòi hỏi cần phải có thời gian.
Chúng ta cũng phải nghĩ rằng, cũng giống như tình hình giao thông nếu lượng xe cộ tăng lên mà đường thì vẫn thế thì cũng không thể giải quyết được vấn đề ách tắc. Do đó vấn đề ở thành phố lớn, chuyện thiếu chỗ học hay nóng tuyển sinh đầu cấp là điều hết sức bình thường.
Vấn đề quản lý, bố trí chỗ học cho trẻ chịu sự quản lý của các quận, huyện. Trường như thế nào, quy định ra sao đều do chủ tịch UBND các quận, huyện phụ trách. Bộ GD-ĐT chỉ quản lý ở tầm vĩ mô và đưa ra các bộ tiêu chuẩn đánh giá.
Phụ huynh là tác nhân “chạy” trường, bỏ tiền “chạy” sau đó lại bức xúc. Phải chăng họ đang không tin tưởng vào ngành giáo dục hiện nay?
– Theo quan điểm của tôi thì bây giờ họ quá lo cho con. Nhiều khi phụ huynh tự nguyện và cũng có người lợi dụng vấn đề này nhưng khi họ bỏ nhiều công sức nhưng lại không thu được kết quả như mong muốn thì chuyện bức xúc là thường tình. Nó cũng giống như câu chuyện các bạn đi xe ô tô thấy chật thì bức xúc, chê ngành giao thông nhưng nếu các bạn đặt mình ở địa vị lãnh đạo ngành giao thông thì chắc không thể giải quyết được tình trạng này khi nhu cầu tăng mà đường sá vẫn như vậy.
Ngành giáo dục chỉ khuyến cáo, đối với tiểu học thì mức độ yêu cầu vừa phải để đảm bảo làm sao cho trẻ phát triển bình thường. Trong việc học của trẻ chúng ta đừng quá kì vọng vào việc chọn chỗ quá tốt, nhiều khi chúng ta cứ chạy theo xu hướng số đông nhưng thực tế chỗ học đó chưa chắc đã tốt như mình nghĩ.
Theo ông, nên giải bài toán này như thế nào?
– Tôi nghĩ đây là vấn đề của các quận – huyện, Bộ GD-ĐT không thể can thiệp vào được. Theo quan điểm của tôi thì để giải quyết những bất cập về tuyển sinh đầu cấp thì đòi hỏi họ phải đóng “cánh cửa” một cách rất dứt khoát. Chẳng hạn như ở TP.HCM là không cho tuyển trái tuyến ngoài quận.
Khi mà vấn đề chỉ còn diễn ra trong nội bộ quận thì không khó để đưa ra các biện pháp giải quyết. Mà cái này lãnh đạo các quận phải là người đứng ra để xử lý. Chứ như tôi biết khi tuyển sinh đầu cấp các giáo viên rất là khổ bởi người Việt Nam thì có nhiều mối quan hệ xã hội nên khi có sự “nhờ vả” thì không dễ dàng gì để từ chối được.
Do đó để tránh việc làm khó cho giáo viên thì chủ tịch UBND các quận – huyện cần ra một lệnh cứng và nói thẳng tất cả trường hợp tuyển sinh trái tuyến do tôi giải quyết, tôi chịu trách nhiệm. Còn giáo viên chỉ là người đại diện trông nom, quản lý trường và giảng dạy cho tốt.
Ngành giáo dục chỉ nên làm tốt các vấn đề của mình đó là: dạy tốt, quản lý tốt và chăm sóc các cháu tốt để đảm bảo làm sao tất cả các trường đều tốt. Bởi thực tế ngành giáo dục không thể hướng cũng như ra lệnh cho quận – huyện được. Có đi kiểm tra mà phát hiện sai phạm thì cũng chỉ được phép phê bình chứ không có quyền xử lý kỷ luật.
Nhiều người cho rằng nên công khai đấu giá các suất trái tuyến, ông nghĩ sao?
– Làm cái này trong ngành giáo dục là rất khó. Nếu không cẩn thận thì cái sự “đấu giá” đó sẽ trở thành “nhiều chuyện” do tính thị trường quá cao. Bởi nó có thể biến tướng thành sự mua và bán. Nếu điều đó xảy ra thì rất là nguy hiểm. Đối với giáo dục thì tính phúc lợi xã hội vẫn là cơ bản, nếu mình đưa ra như thế sẽ có sự phân biệt mà đây là một điều không ổn một tí nào.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Tuy nhiên ngay cả khi đưa ra các quy định cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như theo quy định thì lớp không quá 35 học sinh, thế nhưng nếu lớp học vượt quá quy định này chẳng lẽ chúng ta lại không cho các em còn lại học? Đây là một vấn đề rất khó nó không giống chuyện chúng ta đi ô tô được phép chở tối đa 35 người, nếu có người thứ 36 thì khi đuổi xuống sẽ được khen, nhưng đối với ngành giáo dục mà đuổi ra khỏi lớp thì lại vi phạm Luật Giáo dục.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)