Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phải gắn định hướng chiến lược, tầm nhìn với công tác chuyển đổi số mỗi nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho rằng thay vì ngồi chờ khi nào có tiền thì làm, không có tiền thì thôi, các trường cần phải thay đổi suy nghĩ, để có định hướng chiến lược, sứ mệnh nhà trường gắn với công tác chuyển đổi số, giáo dục thông minh.


Cán bộ quản lý các trường THPT tham quan cơ sở vật chất Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý trong hội thảo

Yêu cầu được lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và khai thác hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại tại Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, sáng 10-4.

Tại hội thảo, cán bộ quản lý các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố và phòng GD-ĐT 21 quận, huyện, TP.Thủ Đức đã được tham quan, trải nghiệm phòng thực hành thí nghiệm, cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, nghiên cứu… của Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, lắng nghe những chia sẻ của trường trong việc hoàn thiện và sử dụng hiệu quả nguồn lực cơ sở vật chất.

Sau khi tham quan, thầy Nguyễn Bảo Ngọc – Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) cho biết, để có thể đạt được cơ sở vật chất mơ ước này thì nhà trường phải có kế hoạch, chiến lược, tuy nhiên rất khó. Bởi khó khăn nhất của trường hiện nay đó là đội ngũ – chưa bao giờ đủ về số lượng. Từ năm học 2022-2023, dù được Sở GD-ĐT phân cấp tuyển dụng, việc tuyển dụng có thuận lợi hơn nhưng vẫn chưa đủ. Cạnh đó, điều kiện địa lý xa xôi nên chưa thu hút được đội ngũ đến công tác, ổn định lâu dài tại xã đảo.

Trong khi đó, đại diện Trường THPT Trung Lập (huyện Củ Chi) cho rằng, với thực trạng các trường THPT công lập tại TP.HCM thì để đạt được điều kiện như trường Đinh Thiện Lý thì còn nằm ở vấn đề kinh phí. “Nhưng kinh phí lấy ở đâu ra, ngoài ngân sách thì còn là xã hội hoá nhưng xã hội hoá bằng cách nào, chúng ta cần cùng suy nghĩ thực hiện. Từng trường phải đặt mục tiêu, theo từng bước, lộ trình phù hợp…”.


Tại phòng học Vexrobotic của Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý

Từ đó, ông đề xuất lãnh đạo TP, Sở GD-ĐT cần thí điểm, dùng ngân sách nhà nước hoặc xã hội hóa để thực hiện từng bước, phát triển cơ sở vật chất phục vụ Chương trình GDPT 2018. Dự trì ngân sách thành phố để phục vụ phát triển giáo dục TP.HCM…

Ông Mai Phương Liên – Phó phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, trong đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời thì xác định rõ việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ là 50% đầu tư từ ngân sách và 50% đầu tư từ xã hội hoá.

Do vậy, qua buổi chia sẻ kinh nghiệm này các trường cần phải rà soát lại, xây dựng kế hoạch cho đơn vị mình, đánh giá trên điều kiện thực tế của trường công lập. Trong điều kiện ngân sách khó thì cần lập kế hoạch lộ trình để đầu tư dần theo lộ trình mà trường hướng tới hoàn thiện chứ không phải một lúc mà có đầy đủ được.

“Vừa rồi Sở GD-ĐT TP.HCM đã lấy ý kiến từ các trường để đưa ra danh mục thiết bị cho phù hợp cho việc xây dựng thư viện thông minh, trung tâm thực hành thí nghiệm hiện đại, phòng học thông minh. Hiện nay, Sở GD-ĐT đang lấy ý kiến các sở, ngành, từ đó tổng hợp trình UBND TP để trình HĐND TP ban hành quyết định bổ sung danh mục, từ đó trường có cơ sở để thực hiện” – ông Liên nói.

“Phải có định hướng, chiến lược chứ không phải ngồi chờ khi nào có kinh phí thì làm, không có thì thôi”

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho hay, điều băn khoăn của các trường khi xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn đó là về kinh phí. Thế nhưng, theo ông các trường cần chú ý rằng để sử dụng được phòng thí nghiệm hiệu quả, thường xuyên, liên tục thì không nằm ở chỗ căn cứ trên Chương trình GDPT hay trên một số câu lạc bộ mà đó là sự định hướng rất rõ ràng của chiến lược, sứ mệnh, tầm nhìn của nhà trường cần phải làm gì cho học sinh. Tập trung vào các giá trị cốt lõi đó thì nhà trường mới xây dựng và phát huy được phòng thí nghiệm hiện đại.


Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho rằng các trường cần gắn tầm nhìn, sức mệnh nhà trường với chuyển đổi số

“Chúng ta đang làm công tác chuyển đổi số, xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại song các trường hầu như mới trên tinh thần triển khai theo chỉ đạo chung của Sở chứ chưa gắn với điều kiện cụ thể và định hướng tầm nhìn, sứ mệnh của trường. Trong khi phải xuất phát từ cái đó thì mới triển khai được, mới làm được những việc cụ thể, rõ ràng, phát huy được giá trị mà Chương trình GDPT 2018 đã định hướng, cũng như những chỉ đạo về triển khai giáo dục thông minh, chuyển đổi số” – ông Quốc đặt vấn đề.

Triển khai Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP.HCM giai đoạn 2021-2030, từ nay đến năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng thí điểm thư viện thông minh tại 5 trường THPT: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Nguyễn Du, THPT Nguyễn Hiền, THPT Lê Quý Đôn.

Cùng 4 trường THPT thí điểm xây dựng phòng thực hành hiện đại: THPT Nguyễn Hữu Cầu, THCS-THPT Đinh Thiện Lý, THPT Marie Curie, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Bảo Quốc đồng thời yêu cầu, nhà trường cần phải suy nghĩ, xem xét lại, không phải là thành phố có kế hoạch, Sở có kế hoạch thì nhà trường cứ thế mà triển khai. Rồi ngồi chờ. Chờ khi nào có kinh phí thì làm, không có kinh phí thì thôi mà không có những nội dung cụ thể để khai thác thế mạnh của trường mình, khắc phục những khó khăn.

“Việc đầu tiên chúng ta phải thay đổi suy nghĩ để có định hướng chiến lược cũng như sứ mệnh nhà trường gắn với công tác chuyển đổi số, giáo dục thông minh. Từ cơ sở đó chúng ta mới biết để làm cụ thể. Không phải một ngày một bữa mà việc mua cái gì cần thiết sử dụng được, cần phải bổ sung cái gì đó là chiến lược lâu dài, dài hơi trên cơ sở sự đóng góp của thầy cô nhà trường. Đề nghị các trường về tính toán, bàn bạc để tập trung thực hiện tại trường mình” – ông Nguyễn Bảo Quốc đề nghị.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)