Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Phải giao quyền tự chủ cho đại học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Dự án Luật giáo dục đại học đã dự thảo đến lần 5 nhưng vẫn còn bảy “vấn đề lớn” có ý kiến khác nhau, trong đó vấn đề tự chủ giáo dục đại học và trách nhiệm của Bộ GD-ĐT tới đâu vẫn thu hút nhiều ý kiến tranh luận…

Ba trường bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 gồm ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM. Lý do dừng tuyển sinh vì chưa có đất hoặc diện tích đất quá nhỏ, tỉ lệ SV/GV cơ hữu quá cao – Ảnh: Như Hùng
Bước vào phần thảo luận về dự án Luật giáo dục đại học tại hội nghị đại biểu chuyên trách ngày 9-1 (do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trực tuyến), Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết có đến 44 đại biểu đăng ký phát biểu về dự luật này. Song rất tiếc đến cuối giờ vẫn còn rất nhiều người chưa được nói vì một số đại biểu quá say sưa… khi “chạm” đến câu chuyện nóng bỏng về giáo dục đại học mà cả xã hội đang quan tâm.
Tuyển sinh như xe đò rước khách!
Đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch – phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM – cho rằng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phải là thuộc tính cơ bản của cơ sở giáo dục đại học. Ông cũng cho rằng cốt lõi để tổ chức lại giáo dục đại học là phải làm rõ quyền tự chủ của đại học.
 

Công đoàn chưa tổ chức và lãnh đạo cuộc đình công nào

 

Ngày 9-1, dự án Luật công đoàn (sửa đổi) cũng được thảo luận với nhiều ý kiến đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm của tổ chức công đoàn, nhất là trong vấn đề đình công. Có ý kiến cho rằng dự luật chưa nêu cụ thể những chế định đảm bảo bảo vệ quyền lợi người lao động. Thực tế cho thấy từ trước đến nay chưa có một cuộc đình công nào do công đoàn tổ chức và lãnh đạo.

 

Một trong những vấn đề gây tranh luận là có nên quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài. Đa số ý kiến đồng ý, song để người lao động là người nước ngoài gia nhập công đoàn VN cần quy định những điều kiện chặt chẽ.

Theo ĐB Lịch, lâu nay quyền tự chủ này Bộ GD-ĐT thâu tóm về mình, cứ nhả ra từ từ. Và đến khi xây dựng dự luật giáo dục đại học lại tiếp tục nhả ra, song vẫn còn sự vương vấn. Tại sao đến bây giờ mới đưa vào luật một số quyền tự chủ của giáo dục đại học mà đáng lý ra nhiều việc Bộ GD-ĐT hoàn toàn có thể giao được nhưng không chịu giao? Đơn cử như vấn đề tuyển sinh, ĐB Lịch cho rằng đâu phải thiếu Luật giáo dục đại học mới phải làm “ba trong một”. Các nhà quản lý giáo dục đại học ví cách tuyển sinh lâu nay giống như xe đò rước khách. Nguyện vọng 1 được ví như xe đò tốt được rước khách trước, đến khi hết ghế chính và thêm cả ghế xúp thì mới đến xe thứ hai rước khách và những chiếc xe ọp ẹp rước khách cuối cùng. Thậm chí, một hai năm nay trường đại học nhiều đến mức độ là không còn khách để rước, thế thì làm sao có chất lượng?

Mặc dù khẳng định nguyên tắc là quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học có ngay khi mới khai sinh, song Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga phân trần thực tế có những trường được thành lập nhưng chưa đủ điều kiện để thực hiện quyền tự chủ, nên phải giới hạn quyền tự chủ của những trường này chứ không phải thu hồi quyền tự chủ của họ.
Cũng theo ông Ga, về tự chủ tuyển sinh hay chỉ tiêu…, xu hướng là bộ sẽ giao về hết cho các trường. Bộ đã giao một số trường tự chủ tuyển sinh nhưng hai năm nay chưa có trường nào đưa phương án tự tuyển sinh cả.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý các ĐB mong muốn xóa bỏ cơ chế xin – cho, tình trạng bị lệ thuộc vào cơ quan quản lý. Do vậy, vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu để tiếp tục đưa vào dự án luật, tạo ra cơ chế giao nhiều quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học.
Hai tuần ra đời 1 đại học
ĐB Trần Du Lịch gay gắt đặt vấn đề “vì đâu trong mấy năm qua, đặc biệt 2006-2009 có quá nhiều trường đại học ra đời, nâng cấp từ cao đẳng lên, đến mức hai tuần ra một trường đại học”. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên thì không có. Không thể chấp nhận một hiện trạng gọi là nâng cao chất lượng đại học khi chỉ có 10% giảng viên có bằng tiến sĩ, cộng với số có bằng thạc sĩ thì số này chỉ chiếm khoảng 50%, tức là gần một nửa giảng viên “học đại học và dạy lại đại học”.
Theo ĐB Lịch, tình trạng này chỉ tồn tại trong chiến tranh, không thể chấp nhận tồn tại trong đất nước hòa bình, phát triển và luôn luôn đặt yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học. “Như vậy việc đưa ra quá nhiều trường đại học đâu phải do thiếu Luật giáo dục đại học mà trách nhiệm của những người quản lý giáo dục. Những vấn đề này cần phải làm rõ” – ĐB Lịch dứt khoát.
Do vậy, nhiều ý kiến ĐB đề nghị quy định chặt chẽ chất lượng đầu ra của giáo dục đại học, trách nhiệm đảm bảo chất lượng của các trường… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đa số ý kiến ĐB Quốc hội nhất trí đề nghị quy định kiểm định chất lượng giáo dục đại học và quy định “công khai kết quả kiểm định là bắt buộc”.
Tuy nhiên, GS Trần Thị Tâm Đan băn khoăn cơ quan kiểm định là của Nhà nước hay tư nhân (tổ chức kiểm định độc lập). Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé – phó trưởng đoàn đại ĐB Quốc hội tỉnh Kiên Giang, cơ quan kiểm định phải có vai trò độc lập như Kiểm toán Nhà nước.
Tiếp thu vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các cơ sở giáo dục đại học VN được Nhà nước thành lập và văn bằng, chứng chỉ là văn bằng quốc gia, đồng nghĩa với việc Nhà nước phải có trách nhiệm đối với quản lý chất lượng đào tạo của các trường. Do vậy, kiểm định chất lượng là yêu cầu bắt buộc nhằm cung cấp thông tin cho người học, người sử dụng lao động và xã hội đánh giá cơ sở giáo dục đại học…
ĐB Trần Du Lịch kiến nghị thêm phải giải quyết vấn đề giáo dục đại học một cách căn bản, toàn diện, triệt để. Cần làm vấn đề này một cách rõ ràng rồi hãy tính đến chuyện luật hóa, còn nếu có ra luật thì càng rối và không giải quyết được triệt để vấn đề nóng bỏng hiện nay. Trở lại câu chuyện chiếc xe đò, ĐB Lịch lưu ý “một chiếc xe đò ọp ẹp không may bị tai nạn có thể làm chết một số người, còn một trường đại học ọp ẹp được ra đời sẽ làm hỏng cả một thế hệ”.
Đề nghị xóa bỏ cơ chế chủ quản trường đại học
Ý kiến một số đại biểu Quốc hội đề nghị thống nhất cơ quan quản lý nhà nước duy nhất về giáo dục đại học là Bộ GD-ĐT, đồng thời đề nghị xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản của cơ sở giáo dục đại học. Ngoài ra, đề nghị quy định rõ vai trò quản lý nhà nước ở lĩnh vực này của Bộ GD-ĐT.
Giải quyết vấn đề trên, một trong hai phương án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra là do số lượng cơ sở giáo dục đại học hiện rất lớn (trên 450 cơ sở) với mô hình tổ chức, hoạt động đa dạng và trực thuộc nhiều cơ quan chủ quản khác nhau. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phần lớn cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc các quy định nhưng không bị xử lý.
Do vậy, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước ở lĩnh vực giáo dục đại học và các cơ sở đại học được tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo quy định, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản đối với cơ sở đào tạo đại học. Bộ GD-ĐT chuyển từ vai trò kiểm soát sang giám sát các hoạt động ở lĩnh vực này với các quy định, tiêu chí, điều kiện do bộ ban hành.
Theo QUỐC THANH

(TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)