Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Phải học, chứ không làm theo ngẫu hứng

Tạp Chí Giáo Dục

Cần chú ý đội ngũ lao động trẻ, tạo điều kiện cho họ làm việc, giáo dục họ biết chia sẻ thì con người mới giỏi hơn, doanh nghiệp mới phát triển…

 

Hội thảo “Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ Nhật Bản – Con đường dẫn đến thành công” do Trung tâm Nghiên cứu VN – Đông Nam Á (Trường ĐH Khoa học – Xã hội và Nhân văn TPHCM) và Japan Foundation tổ chức, diễn ra tại TPHCM trong hai ngày 11 và 12-6. Hơn 20 nhà khoa học VN, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Thái Lan đã tham dự. Các ý kiến tham luận, phản biện của diễn giả và đại biểu rất cụ thể, sát thực, bổ ích với tình hình kinh tế VN.

Từ phải qua: TS Lê Đăng Doanh, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM Ikuo Mizuki và các đại biểu tại hội thảo

Chậm trễ là thất bại
Sau khi TS Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế cao cấp) giới thiệu về Luật DN năm 1999 và quá trình phát triển của các DN vừa và nhỏ ở VN, GS Yoshiaki Takahashi (Trường ĐH Chuo, Nhật Bản) cho rằng Luật DN VN khá cởi mở. Tuy nhiên, các DN vừa và nhỏ phát triển chưa xứng tầm với sự mong đợi. Thời đại ngày nay, chỉ cần nhấp chuột là tiền tỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác nhưng VN chưa làm được. Trong kinh doanh, chậm trễ là thất bại.
Nhiều ý kiến cho biết ngân hàng không giúp được gì nhiều cho DN vừa và nhỏ VN. Theo TS Lê Đăng Doanh, ngân hàng ở VN chủ yếu là ngân hàng thương mại, nếu không quen biết và không có thế chấp thì DN khó tiếp cận nguồn vốn. Thời gian qua, VN có một số tập đoàn lớn thành lập ngân hàng để chủ động nguồn vốn, nhưng đây cũng là con đường ngắn nhất đưa đến sự sụp đổ tài chính. Bởi lẽ, những ngân hàng ấy không hoạt động theo chức năng của ngân hàng mà phục vụ theo sự chỉ đạo của tập đoàn. Đã là một ngân hàng thương mại thì nhiệm vụ chính là nhận tiền ký thác và dùng tiền ấy cho vay. Tuy nhiên, trong thời kỳ các con rồng châu Á cất cánh vừa qua, nhiều ngân hàng đã từ lĩnh vực cho vay bước sang… đầu tư”- ông Võ Tá Hân (Giám đốc điều hành Vota Management Pte Ltd, Singapore) nhận xét như vậy.
Tạo sắc thái mới
TS Kikuchi Tadashi (chuyên gia kinh tế Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM) đưa ra các bài học từ kinh nghiệm của Nhật Bản. “Các công ty, tập đoàn lớn của Nhật hiện nay cũng đi lên từ những DN vừa và nhỏ. Có thời, Nhật Bản bị phê phán là sao chép, là học theo kỹ thuật Mỹ… Nhưng sau chiến tranh, Nhật Bản không làm thế là không thể cứu mình. Cái gì mình không biết thì phải học. Dân tộc Nhật có những 8 triệu vị thần thì có thêm vị thần khoa học- kỹ thuật nữa cũng không sao”.
TS Kikuchi Tadashi cho rằng đây là một trong những “chìa khóa” để các DN vừa và nhỏ Nhật Bản thành công. Tuy nhiên, khi học người khác, cũng phải tạo ra kỹ thuật riêng cho mình, không để người khác bắt chước; phải làm cho cái riêng ấy trở thành điểm mạnh thì mới không bị lệ thuộc vào các DN lớn, mới bình đẳng trong làm ăn. Bên cạnh đó, phải chú ý đến đội ngũ lao động trẻ, tạo điều kiện cho họ làm việc, giáo dục cho họ biết chia sẻ với mọi người thì con người mới giỏi hơn, DN mới phát triển, đất nước mới phát triển…
GS Vinput Ongsakul (Viện Hành chính quốc gia Thái Lan) cho rằng nhiều tập đoàn, DN lớn của Nhật đâu cần tập trung sản xuất những loại xe hơi đắt tiền, mà là những gói dầu gội đầu, những gói nước xả mà người nghèo cũng có thể mua được. Đó là điều các DN vừa và nhỏ phải học. Nhưng trước hết phải biết tham khảo thị trường, biết nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, chứ không phải làm theo ngẫu hứng.
Trà đạo… Việt Nam
“Rất tiếc, VN vẫn còn thích danh hơn thực. Hiện nay, VN đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng rất ít người biết đến cà phê VN, vì VN tập trung cho số lượng chứ không tập trung cho chất lượng. Không có chất lượng thì cuộc sống của người trồng cà phê rất bấp bênh. Chứng kiến những người nghèo ở Đắk Lắk rang cà phê, xay cà phê, pha cà phê mời tôi uống, tôi mới hiểu rằng họ rất sành cà phê và những bước pha cà phê mời khách của họ không thua gì nghi thức trà đạo của Nhật Bản. Tại sao VN không chú ý đến những việc ấy mà lại muốn thứ thành tích chẳng đâu vào đâu?”- GS Ikemoto Yukio (Trường ĐH Tokyo, Nhật Bản) nhìn nhận như vậy. 
Ông Kubozono Eizo (Giám đốc Công ty Sunflower, Nhật Bản) đề nghị tăng cường kinh doanh trong lĩnh vực tranh sơn mài và hàng thủ công mỹ nghệ ở VN. Chính ông là người đưa tranh sơn mài và hàng thêu VN đến với thị trường thế giới. Nhìn chung, bàn tay người thợ VN rất tài hoa, nhưng chưa ai nghĩ sẽ làm sản phẩm gì lạ, khác người khác, tốt hơn người khác, đẹp hơn người khác… Và đó là những sản phẩm xuất khẩu được người tiêu dùng chờ đón.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia  kinh tế cao cấp:

Lợi ích không bình đẳng

Công nghệ sau thu hoạch của VN còn rất kém. Nông dân không có sân phơi, tới mùa thì dùng đường nhựa làm sân phơi. Nhà kho cũng không có nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hiệp hội xuất khẩu là những người làm xuất khẩu chứ không phải những người sản xuất. Thời gian qua, VN thiếu sự tổ chức và kết hợp giữa sản xuất – thu mua – phân phối. Dự báo thị trường không tốt nên giá cả khi trồi khi sụt. Và người xuất khẩu quyết định giá chứ không phải người sản xuất nên lợi ích không bình đẳng.

Bài và ảnh: VU GIA (nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)