Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phải kết hợp tốt với phụ huynh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

GVCN phải hướng các em vào các hoạt động thiết thực bổ ích như làm đồ dùng học tập, khéo tay hay làm… để các em hòa mình vào tập thể. Ảnh: T.L

Người làm công tác chủ nhiệm trước hết phải quan tâm tới lớp, tới học sinh (HS). Thầy cô quan tâm không chỉ bằng cách dành nhiều thời gian cho lớp mà còn theo dõi từng hoạt động của các em trong tập thể.
Theo dõi sát sao hoạt động của từng HS, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) sẽ nắm được tình hình lớp để nhắc nhở các em kịp thời khi có biến động xảy ra. Phải chứng minh cho HS biết thầy cô chủ nhiệm luôn quan tâm đến lớp, từ đó giúp các em nâng cao ý thức tự giác xây dựng và đóng góp cho tập thể. Được thầy cô nhắc nhở nhiều, các em sẽ uốn nắn được sai sót và phát huy ưu điểm của bản thân. Những lời khuyên bảo của giáo viên giúp các em hiểu mình và hiểu mọi người hơn. Tuy nhiên, khuyên bảo thôi chưa đủ, GVCN còn phải tỏ ra nghiêm khắc với HS, nhất là các em chậm tiến, cá biệt. Trong một lớp học, ngoài các em HS chăm ngoan, lễ độ luôn có một vài đối tượng cá biệt, lơ là trong học hành, nói năng hỗn láo, hành vi thiếu lễ độ. Những em này ở nhà luôn được cha mẹ cưng chiều, dạy bảo chưa đến nơi đến chốn, thiếu hòa đồng với tập thể. Vì thế, GVCN phải kiên trì để tìm hiểu nguyên nhân, từng bước thuyết phục và đưa các em hòa nhập vào môi trường tập thể. GVCN phải tìm cách tiếp cận, gặp riêng HS để cảm hóa các em bằng tình thương và sự tôn trọng. Những giây phút trò chuyện thân mật sẽ giúp thầy trò hiểu nhau hơn, từ đó các em không chỉ nể sợ mà còn thương yêu, gắn kết với thầy cô hơn.
Kinh nghiệm làm chủ nhiệm nhiều năm của tôi cho thấy, nếu GV khắt khe và đưa HS vào “khuôn khổ” ngay từ đầu thì sẽ tạo được một nền nếp tốt và tạo đà để lớp do mình chủ nhiệm tiến bộ hơn trong học kỳ sau. Nếu ngay từ khi nhận lớp thầy cô đã không mấy mặn mà với HS thì rất khó tạo được kỷ cương, kỷ luật cho cả một tập thể. GVCN phải luôn công bằng trong cách xử lý sự việc, không thiên vị em nào dù đó là cán bộ đoàn cán bộ lớp bởi như vậy sẽ tạo được niềm tin cho HS.
Ngoài chủ nhiệm lớp khối 12, tôi và một số GV khác còn được Ban giám hiệu phân công chủ nhiệm thêm khối 10 hoặc 11. Tuy công việc gấp đôi nhưng do hai lớp học chéo buổi nên GV vẫn có thời gian quản lý cả hai lớp. 11A1 là lớp chọn nên sức học của HS đều nhau, đặc biệt các em có tính tự giác rất cao. Dưới sự hướng dẫn của GVCN, dần dần các em đã biết tự tổ chức các hoạt động cho lớp như tọa đàm, thảo luận, sinh hoạt tập thể. Đây là một biện pháp mà GVCN cần phát huy để nâng cao tính tự quản của HS. Cách quản lý thông minh này góp phần giảm bớt gánh nặng cho GVCN, theo đó, các thầy cô không phải “cầm tay chỉ việc” cho từng em nữa. GVCN phải có mối quan hệ tốt với phụ huynh để họ sẵn sàng ủng hộ, hợp tác với nhà trường trong việc dạy dỗ HS. Khi đã hiểu thầy cô, các bậc cha mẹ sẽ không còn bênh vực con cái một cách thái quá dẫn đến những phản ứng tiêu cực, thay vào đó họ dễ dàng tiếp thu mọi ý kiến của GVCN.
Trương Tiến Phương Mai 
(Trường THPT Hoàng Hoa Thám)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)