Nếu thích một ngành nhưng không có khả năng đậu vào ngành đó thì người học vẫn có thể chọn ngành liên quan để theo học. Việc chọn ngành một cách linh hoạt vừa giúp người học ra trường được làm việc trong lĩnh vực mình đam mê, vừa phù hợp với năng lực.
Đó là gợi ý của các chuyên gia trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 17 diễn ra mới đây tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3). Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Ứng biến trong lựa chọn
Trong chương trình, Nguyễn Hoàng Bá Thông (học lớp 12A2) chia sẻ: “Em thích ngành công nghệ thông tin nhưng không muốn bị gò bó thời gian làm việc. Vậy em phải lựa chọn như thế nào?”. ThS. Võ Ngọc Nhơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, việc học một ngành nhưng ra trường muốn có thời gian làm việc linh động là mong muốn của nhiều sinh viên. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, làm việc ở mọi lúc mọi nơi cũng đang là xu hướng. Có nhiều người ngồi một chỗ nhưng vẫn có thể làm việc xuyên quốc gia. Vì vậy, việc sinh viên học một ngành ra trường vẫn có thể làm việc tự do không bị gò bó thời gian là chuyện rất dễ dàng đối với những người có năng lực. “Công nghệ thông tin là ngành học được nhiều bạn trẻ quan tâm. Muốn học tốt ngành này, ngay từ bây giờ học sinh phải học giỏi toán. Bên cạnh đó, các em phải có tố chất năng động, nhạy bén, tỉ mỉ, trí nhớ tốt”, ThS. Nhơn chia sẻ.
Tương tự, Ngọc Oanh (học lớp 12A11) bày tỏ: “Em có quan tâm đến ngành công nghệ sinh học, nhưng nghe nói ngành này phải thường xuyên thực hành và làm việc trong phòng thí nghiệm. Nếu em chọn ngành này mà không muốn vào phòng thí nghiệm có được không?”. TS. Lê Thị Thanh Mai (chuyên gia hướng nghiệp) cho biết, công nghệ sinh học là ngành học bắt buộc sinh viên phải thực hành trong phòng thí nghiệm. Việc thực hành trong phòng thí nghiệm giúp sinh viên nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm liên quan đến chuyên ngành. Việc thực hành nhiều còn giúp sinh viên học tốt, ra trường vững kiến thức, chuyên môn. Các em muốn theo học ngành này nhưng không muốn thực hành trong phòng thí nghiệm thì rất khó. Nếu đã yêu thích ngành công nghệ sinh học thì các em hãy cố gắng học và thực hành trong thời gian còn ngồi trên giảng đường ĐH, ra trường các em có thể chọn công việc không phải thực hành, thí nghiệm nhiều nhưng vẫn liên quan đến ngành học. “Hiện nay có nhiều ngành học liên quan với nhau. Có những em không đủ năng lực xét tuyển vào ngành mình yêu thích đã rẽ hướng chọn ngành liên quan để ra trường được làm công việc yêu thích. Đây là cách lựa chọn thông minh vừa giúp bản thân có thể làm việc trong ngành mình yêu thích, vừa phát triển nghề nghiệp theo năng lực”, TS. Mai gợi ý.
Ngoại ngữ luôn cần thiết với mọi ngành nghề
Lo ngại ngành ngôn ngữ Anh không còn “hot” như trước đây, Lý Thị Thư Kỳ (học lớp 12A12) hỏi: “Hiện nay hầu như ai cũng có thể nói được tiếng Anh. Nếu em học ngành này thì tương lai có cơ hội để phát triển nghề nghiệp không?”. ThS. Nguyễn Bá Anh (Phó Giám đốc Gloucestershire Việt Nam) cho hay, hiện nay tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng, nhiều người sử dụng được thứ tiếng này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa sử dụng được tiếng Anh và thị trường lao động cũng rất cần nguồn nhân lực biết tiếng Anh. Theo thống kê, mỗi năm thị trường lao động cần từ 10% đến 15% lao động giỏi tiếng Anh, tương ứng với khoảng 30-40 ngàn người. “Khi học ngôn ngữ Anh, các em không chỉ học các kỹ năng cơ bản mà còn được học về văn hóa, lịch sử, ngoại giao… của nước Anh. Như vậy, khi tốt nghiệp, các em có thể làm việc ở môi trường trong nước lẫn ngoài nước”, ThS. Bá Anh cho biết.
Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A khuyên, khi lựa chọn ngành nghề, học sinh nên chọn theo năng lực. Muốn biết năng lực tới đâu, các em có thể dựa vào các môn học, xem môn nào mình học giỏi để lựa chọn. Các em tuyệt đối không chọn theo đam mê, vì bất kỳ công ty, doanh nghiệp nào khi tuyển dụng cũng dựa vào năng lực chứ không quan tâm các em có đam mê hay không. Vậy nên, việc chọn ngành nghề theo năng lực vẫn là lựa chọn hàng đầu giúp các em thành công, tìm được công việc tốt trong tương lai. |
Giải đáp cho học sinh về cơ hội việc làm của ngành kinh doanh quốc tế, ThS. Nguyễn Ngọc Thạch (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) thông tin, kinh doanh quốc tế là ngành học đào tạo kiến thức kinh doanh xuyên quốc gia. Khi học, sinh viên được học về các kiến thức, kỹ năng và năng lực làm việc trong môi trường đa quốc gia của các tập đoàn toàn cầu. Cụ thể, sinh viên được trang bị các kiến thức nền tảng về hoạt động kinh doanh quốc tế, quan hệ kinh tế quốc tế, quản trị công ty đa quốc gia, nhân sự, marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, sinh viên cũng được trang bị các kỹ năng phân tích, đánh giá môi trường kinh doanh quốc tế, kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc nhóm và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, sinh viên còn được rèn luyện các năng lực tự chủ, tinh thần học tập suốt đời và có trách nhiệm, đạo đức với cộng đồng. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở các bộ phận về kinh doanh, dự án, xuất nhập khẩu, đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia hay các công ty kinh doanh quốc tế. “Đối với ngành kinh doanh quốc tế, sinh viên phải có tố chất hướng ngoại, kỹ năng đàm phán, xử lý tình huống. Đặc biệt, người học phải giỏi ngoại ngữ, ra trường mới giao tiếp được với đối tác nước ngoài”, ThS. Thạch chia sẻ.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)