1. Liệu có cần một kỳ thi tốt nghiệp mang tính toàn quốc như thế này không khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay mới công bố ở các tỉnh đều cao hơn năm trước, đúng như dự kiến? Một kỳ thi như vậy để làm gì nếu với cách tính điểm như hiện nay thì mỗi môn thi, thí sinh chỉ cần 2 điểm, trong đó không môn nào bị điểm liệt (1 điểm) là có thể tốt nghiệp! Hiện nay điểm thi cũng chỉ quyết định 50% giá trị khi xét tốt nghiệp. Điểm xét tốt nghiệp sẽ được tính dựa trên điểm bài thi 4 môn cộng với điểm trung bình cả năm lớp 12 chia đôi, sau đó cộng thêm điểm ưu tiên (nếu có). Do vậy, thí sinh không cần phải đạt trung bình mỗi môn 5 điểm mới tốt nghiệp THPT.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016 tại TP.HCM. Ảnh: Bạch Dương
Sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, đã có ý kiến cần phải điều chỉnh cách tính điểm xét tốt nghiệp. Chẳng hạn điểm trung bình lớp 12 chỉ nên chiếm 1/3 chứ không phải 1/2 như hiện nay. Lý do vì khi áp dụng điểm học bạ lớp 12 có giá trị 50% xét tốt nghiệp thì hầu hết ở các địa phương, điểm học sinh lớp 12 cao đột ngột, bất thường. Năm 2015, nhiều trường hợp thí sinh có điểm thi rất thấp, bình quân 4 môn thi đạt 2,56 điểm nhưng nhờ điểm học bạ lớp 12 trên 8 nên kết quả điểm xét tốt nghiệp theo quy chế trên 5 và vẫn tốt nghiệp. Nhiều địa phương cũng thừa nhận toàn tỉnh có khoảng 10%, thậm chí có trường đến trên 30% số TS tốt nghiệp nhờ vào điểm trung bình lớp 12. Bộ đã không điều chỉnh quy định này nên năm nay, như dự đoán, tỷ lệ tốt nghiệp ở các địa phương đều tăng.
Vấn đề quan trọng hơn, đây chính là kẽ hở để giáo dục càng đi vào con đường không thực chất, nặng thành tích. Hậu quả nghiêm trọng là cả học sinh và giáo viên đều thiếu động lực phấn đấu để học thật, dạy thật. Khi các giáo viên có thể “vẽ” bất kỳ điểm số nào vào học bạ của học sinh như hiện nay thì người ta mong chờ một kỳ thi nghiêm túc mà ở đó kết quả sẽ phản ảnh đúng chất lượng của người học và có vai trò quyết định trong việc xét tốt nghiệp. Có như thế thì thí sinh mới trân trọng và phấn đấu học thật để tham gia kỳ thi. Đằng này điểm thi chỉ chiếm phân nửa, kết quả học phổ thông lại chưa đảm bảo giá trị thật, công tác coi thi ở các địa phương cũng là vấn đề cần phải bàn, thì kỳ thi như hiện nay thật sự không có ý nghĩa. Chắc chắn những dữ liệu về cụm thi địa phương và đại học sẽ còn được tiếp tục phân tích để xã hội thấy rõ cần thay đổi như thế nào.
Đó là chưa kể, qua phân tích phổ điểm thi các môn năm nay ở cụm địa phương và đại học, một lần nữa nhiều ý kiến khẳng định rất khó có thể xây dựng một đề thi “2 trong 1”. Điều này càng cho thấy một kỳ thi nhằm 2 mục đích diễn ra 2 năm nay cần phải xem xét lại.
2. Cũng như năm trước, điểm bài thi môn tiếng Anh cả cụm ĐH và địa phương đều thấp, tập trung khoảng từ 2 – 4 điểm, tỷ lệ thí sinh điểm 2,25 chiếm cao nhất. Chỉ khoảng 8,8% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên. Một cú sốc khi đây là môn mà nhà nước lẫn phụ huynh đầu tư rất lớn. Có 2 giả thiết đặt ra hoặc đề thi quá khó không phân loại được năng lực của thí sinh hoặc năng lực tiếng Anh của thí sinh quá yếu.
Cho dù như thế nào thì kết quả này chắc chắn phải là động lực để Bộ GD-ĐT thay đổi cách dạy và thi môn tiếng Anh. Có rất nhiều ý kiến đóng góp, trong đó điều quan trọng nhất là việc dạy và học môn này cần phải đi vào thực chất. Đừng tham muốn học sinh cái gì cũng biết, cũng đừng ảo tưởng với những mục tiêu xa vời. Nếu không thay đổi thì có thêm một đề án như đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 với gần 10.000 tỉ đồng cũng chỉ đổ sông, đổ bể và năng lực ngoại ngữ của học sinh VN nhìn chung vẫn không thể nâng lên được.
Thùy Ngân (TNO)
Bình luận (0)