Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Phải minh bạch quỹ hội phụ huynh

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành giáo dục phải tăng cường kiểm tra quản lý hơn là xử lý vi phạm của ban đại diện về thu chi các nguồn quỹ.
Công khai, minh bạch các nguồn thu chi từ đóng góp của phụ huynh, phải nhận thức và hành động đúng về trách nhiệm của ban đại diện (BĐD) cha mẹ học sinh thì công tác giáo dục mới có hiệu quả. Đây là nội dung chính được đề cập tại hội nghị do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức sáng 18-9.
Ông Nguyễn Văn Hai, Trưởng BĐD cha mẹ học sinh Trường THCS Kim Đồng, quận 5, cho rằng quỹ hội phụ huynh không nên vận động đại trà, đóng góp phải dựa vào nhu cầu thực tế của học sinh như xây thêm nhà vệ sinh, tặng thêm học bổng, mở các buổi ngoại khóa… Tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình sẽ có sự đóng góp khác nhau. “Nhiều phụ huynh khó khăn, không đóng góp tiền được không có nghĩa là họ thiếu trách nhiệm. Nếu người làm trong BĐD không hiểu và chia sẻ được điều đó thì họ sẽ mãi ngại ngùng, mặc cảm khi vào trường. Nhiều khi BĐD cũng đau đầu vì những bức xúc nhầm của một số phụ huynh khi họ đánh đồng các khoản thu tự nguyện và bắt buộc trong trường rồi nói là trường lạm thu. Khi đó, BĐD phải phối hợp với nhà trường giải thích cặn kẽ để họ hiểu nếu không sẽ ảnh hưởng không tốt đến trường và tinh thần của phụ huynh” – ông Hai nói.
Ông cũng nhấn mạnh ngành giáo dục phải tăng cường kiểm tra quản lý hơn là xử lý vi phạm của các BĐD về thu chi các nguồn quỹ để không làm ảnh hưởng đến tinh thần nhiệt tình của phụ huynh. Vì có những trường phụ huynh đóng góp nhiều không có nghĩa là lạm thu, đôi khi đó là đóng góp tự nguyện của những phụ huynh có điều kiện nhưng do một số người không hiểu rõ và đã phản ánh sai thực tế.
Một phụ huynh trong BĐD một trường ở Gò Vấp cho biết các khoản đóng góp tùy ý phụ huynh và nhu cầu học sinh, không bắt buộc nên họ rất thoải mái và nhiệt tình. Có phụ huynh tự mang cây xanh vào tặng trường, tự lắp thêm quạt trong phòng học, bổ sung suất học bổng cho các em…, vì thế mà trường cũng như nhà của họ, ai có gì cho nấy chứ không cần thiết phải là tiền.

Phụ huynh học sinh trong một lần họp công khai quỹ hội phụ huynh tại một trường ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Theo ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng BĐD Trường THCS Trưng Trắc, quận 11, các khoản thu chi từ phụ huynh phải được công khai, minh bạch và theo nguyện vọng của phụ huynh để họ dễ dàng quản lý, rà soát. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần điều chỉnh một số khoản thu cho phù hợp với thực tế như tiền phí quản lý bán trú vẫn 30.000 đồng/tháng là quá lạc hậu, tiền ăn bị ảnh hưởng vì giá cả thị trường, phí vệ sinh… Đây là những khoản lâu nay vốn không đáp ứng đủ và phụ huynh phải bù vào rất nhiều nhưng lại không có sự đồng nhất giữa các trường nên dễ gây hiệu ứng không tốt trong dư luận.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nhấn mạnh các BĐD cha mẹ học sinh ngoài việc công khai các nguồn thu chi, phải thường xuyên họp tổng kết rút kinh nghiệm các hoạt động cụ thể, luôn lắng nghe và không được làm ngơ hay áp đặt trước những bức xúc của phụ huynh để giải quyết hợp lý và có sự đồng thuận cao trong mọi việc.
 

Thành lập CLB mạnh thường quân

 

CLB tập hợp những bậc phụ huynh có con em đã và đang học tại trường. Hội này sẽ thường xuyên đóng góp các ý kiến, chia sẻ một cách minh bạch để xây dựng và phát triển trường. Đồng thời, họ cũng là những người có điều kiện về vật chất, thời gian, công sức, sẵn sàng hỗ trợ tiền, vật chất khi nhà trường cần để phục vụ học tập cho học sinh như xây nhà vệ sinh, bổ sung trang thiết bị dạy học… Hoạt động của CLB trong thời gian qua đã chia sẻ nhiều khó khăn cho nhà trường và cả những gia đình khó khăn không có khả năng đóng góp.
Ông NGUYỄN VĂN CHÂU,Trưởng BĐD cha mẹ học sinh Trường THCS Trưng Trắc, quận 11
Chạy đua vào BĐD cha mẹ học sinh
Có con mới đi học ở Trường Mầm non Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chị VB nghe những người bạn có kinh nghiệm hơn khuyên nên cố gắng vào BĐD cha mẹ học sinh để con mình được quan tâm hơn. Do điều kiện công việc bận, chị không đi họp phụ huynh cho con được, phải nhờ người nhà đi họp hộ nên ý định “phấn đấu” vào BĐD cha mẹ học sinh không thực hiện được. Tuy nhiên, mới vào học được vài hôm, cậu con trai năm tuổi của chị về thủ thỉ với mẹ: “Bạn T. con bác hội trưởng hội phụ huynh được cô giáo chọn làm lớp trưởng. Mấy hôm nữa mẹ đi họp phụ huynh, mẹ xin làm hội trưởng nhé, để con được làm lớp trưởng. Con thích làm lớp trưởng lắm!”.
BẢO PHƯỢNG
 

Theo PHẠM ANH
(PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)