Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phải nhúc nhích chân, mới dễ chịu

Tạp Chí Giáo Dục

Bà H., hơn 50 tuổi, trượt đốt sống thắt lưng thứ năm và đốt sống cùng với cơn đau từ năm 2014, được phẫu thuật vào năm 2015. 

Phải nhúc nhích chân, mới dễ chịuSau phẫu thuật, bà H. có những cơn đau dữ dội, thường đau nhiều vào ban đêm khiến bà phải đi lại và mất ngủ. Tuy uống nhiều loại thuốc giảm đau nhưng không bớt.

Điều duy nhất khiến chúng tôi nghĩ đến hội chứng chân không yên là bà H. phải đi lại suốt đêm để giảm đau. Việc điều trị kéo dài sáu tháng làm lui bệnh và bà H. hết hẳn cơn đau.

Dễ bỏ sót triệu chứng

Hội chứng này giống tên gọi của nó, nghĩa là người bệnh có cảm giác khó chịu khi chân để yên.

Dù triệu chứng khó chịu có thể xảy ra ở những phần khác của cơ thể như cánh tay, đầu, cổ… nhưng hầu hết các bệnh nhân đều có nhu cầu không thể cưỡng nổi là phải nhúc nhích chân khi ngồi yên, đọc sách, kể cả khi ngủ; hoặc có cảm giác châm chích, tê buốt.

Khi bệnh nhân cử động chân, các triệu chứng biến mất và họ thấy dễ chịu.

Làm sao chẩn đoán?

Có bốn tiêu chuẩn sau giúp chúng ta nghĩ đến hội chứng này:

– Triệu chứng chủ yếu xảy ra vào ban đêm và ít khi hoặc nhẹ vào buổi sáng.

– Người bệnh phải cử động chân hoặc tay kèm theo triệu chứng đau, rát bỏng, châm chích hoặc cảm giác khó chịu khác.

– Cảm giác khó chịu xuất hiện sau thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt ban đêm.

– Khi cử động chân hay tay sẽ làm giảm ngay triệu chứng khó chịu ở chân hay tay.

Đặc điểm quan trọng nhất là người bệnh phải cử động chân hay tay mới làm giảm triệu chứng.

Nguyên nhân là gì?

Hội chứng chân không yên có thể nguyên phát hoặc thứ phát:

– Nguyên phát: thường xuất hiện trễ và từ từ, thời điểm khoảng tuổi 40-45, có thể biến mất trong vài tháng hay vài năm. Nếu xảy ra ở trẻ em thường bị chẩn đoán nhầm với đau tăng trưởng.

– Thứ phát: nguyên nhân đầu tiên là do thiếu sắt. Khoảng 20% bệnh nhân bị hội chứng này bị thiếu sắt.

Những lý do khác bao gồm bị giãn tĩnh mạch, thiếu acid folic, thiếu magiê, đau xơ cơ, ngưng thở khi ngủ, tăng ure huyết, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh thần kinh ngoại biên, Parkinson, viêm khớp dạng thấp…

Một số thuốc có thể làm hội chứng này nặng hơn hoặc gây ra hội chứng này như: thuốc chống nôn ói, các thuốc kháng histamine, đặc biệt là các loại không cần kê toa thuốc cho các bệnh cảm lạnh, thuốc ức chế trầm cảm…

Ngoài ra, dù là do nguyên phát hay thứ phát thì hội chứng này có thể nặng hơn khi đi phẫu thuật vì một chứng bệnh khác, như phẫu thuật cột sống ở ca chúng tôi đã gặp.

– Yếu tố gen hay yếu tố gia đình: hơn 60% người bị hội chứng này có yếu tố gia đình.

 

BS TĂNG HÀ NAM ANH/TTO

 

 

Bình luận (0)