Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Phải nói Không với dạy thêm mang tính cưỡng bức”

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là một trong những yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trong buổi làm việc với Bộ GD-ĐT sáng 16/2 về kết quả học kỳ I năm học 2010-2011 và kế hoạch công tác năm 2011.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trong buổi làm việc với
Bộ GD-ĐT sáng 16/2.
Chậm nhất tháng 8/2011, các trường phải công bố chuẩn đầu ra
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả mà ngành giáo dục đạt được trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đã yêu cầu ngành giáo dục phải có những hành động cụ thể và quyết liệt hơn nữa với một số vấn đề trọng tâm như: Triển khai chính sách học phí mới; đổi mới quản lý giáo dục ĐH; chương trình phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; đề án đổi mới giảng dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; đề án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; vấn đề phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục; dự kiến xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới; vấn đề dạy thêm, học thêm, thu tiền thêm trong nhà trường…
Đối với Đề án trường chuyên, Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT khẩn trương triển khai thực hiện Đề án trường chuyên trên phạm vi toàn quốc, mục tiêu cao nhất của Đề án đó là phải hoàn thành xong trước năm 2020 để thu hút các học sinh giỏi tại các địa phương.
Về giáo dục đại học, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, chậm nhất tháng 8/2011, các trường phải công bố chuẩn đầu ra  bao gồm kiến thức, kỹ năng, vị trí công việc mà sinh viên có thể thực hiện sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và phê duyệt chiến lược phát triển của từng nhà trường.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện nay có 149 trường đại học. Số sinh viên đại học: 1.358.861 (tăng 116.083 sinh viên). Số giảng viên: 45.961 (tăng 4.954 giảng viên); Hệ cao đẳng có 227 trường. Tổng số sinh viên: 576.878 (tăng 100.157 sinh viên). Tổng số giảng viên: 24.597 (tăng 4.414 giảng viên); Hệ TCCN có 282, học sinh 685.163 (tăng 59.393 học sinh), giảng viên 17.488 (tăng 1.274 giảng viên).
Đến nay có 215 trường ĐH, CĐ xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của ngành đào tạo (tỷ lệ 52,82%); 246 trường (tỷ lệ 60,45%) công bố cam kết chất lượng đào tạo; có 303 trường (đạt tỷ lệ 74,5%) tổ chức xây dựng, rà soát, bổ sung các chỉ số trong chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.
Chấn chỉnh tình trạng ép học sinh học thêm dưới danh nghĩa tự nguyện
Về công tác thi cử, Phó Thủ tướng đề nghị ngành GD-ĐT tiếp tục tăng cường, duy trì và giữ vững kỷ cương, nề nếp trong thi cử, đề cao việc học thật, thi thật, chất lượng thật, chấn chỉnh tình trạng ép buộc học sinh học thêm dưới danh nghĩa tự nguyện ở một vài nơi vẫn chưa được khắc phục.
Đối với vấn đề dạy thêm, học thêm, thu tiền thêm, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý trên quan điểm, chủ trương không cấm nhưng phải dựa trên việc đáp ứng nhu cầu người học, đồng thời khẳng định, đã đến lúc phải nói không với dạy thêm mang tính cưỡng bức.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu: “Ngành giáo dục sẽ tích cực làm nhưng chưa dám chắc thời gian chấm dứt được tình trạng này”.
Đối với việc thu thêm, Thứ trưởng Hiển cho hay, ngành giáo dục vẫn phải làm vì đó không chỉ là nhu cầu của nhà trường mà còn là nhu cầu của cả người dân, có điều việc thu phải trên nguyên tắc tự nguyện. Bên cạnh đó, hình thức tổ chức các kỳ thi cơ bản vẫn ổn định như trước.  
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đề nghị Chính phủ cần có chính sách đầu tư để tăng nhanh số lượng trường, quy mô học sinh học nghề và TCCN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tăng nguồn đầu tư ngân sách nhà nước và huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho giáo dục và đào tạo, đồng thời tăng cường vai trò, vị trí, trách nhiệm của địa phương với giáo dục. Tiếp tục tích cực chỉ đạo để các Bộ, Ngành hữu quan phối hợp với Bộ GD-ĐT trong việc banh hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Tính đến hết học kỳ 1 (năm học 2010-2011), tổng số trường phổ thông cả nước là 28.559 (tăng 121 trường), tổng số lớp 504.231 (tăng 19.524 lớp), tổng số học sinh 14.856.933 (giảm 143.519 em, chủ yếu giảm ở cấp THCS). Tổng số giáo viên trực tiếp dạy 820.843 (tăng 15.331).

Hồng Hạnh/ Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)