Siết chặt đầu tư, hạn chế đầu tư tràn lan ngoài ngành và phân phối lợi nhuận tại các DN nhà nước (DNNN) đang là hai trong các điểm nhấn của vấn đề tái cơ cấu các DNNN hiện gây nhiều chú ý.
Thế nhưng, các tập đoàn, các TCty nhà nước ngoài việc không muốn buông hoạt động đầu tư ngoài ngành như Lao Động đã phản ánh trước đó, thì các DNNN này còn không muốn “trả” 50% lợi nhuận như trong dự thảo Nghị định về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại DN mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến.
Bỏ phân phối theo tỉ lệ vốn
Theo quy định tại Luật DNNN năm 2003 và Nghị định số 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ, việc phân phối lợi nhuận đối với Cty nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc “Lợi nhuận sau thuế khi đã bù lỗ (nếu có) và trích lập các quỹ theo quy định được chia theo tỉ lệ giữa vốn nhà nước đầu tư và vốn DN tự huy động. DN chỉ được sử dụng phần lợi nhuận được chia theo vốn tự huy động để trích lập quỹ đầu tư phát triển, quỹ thưởng BQL điều hành và 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi”.
Quy định này nảy sinh nhiều bất cập là nhiều DN hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu bằng vốn nhà nước, vốn huy động ít hoặc không có thì khi phân phối lợi nhuận sau quỹ khen thưởng, phúc lợi và quỹ thương Ban quản lý điều hành, mặc dù DN hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (xếp loại A). Ngược lại, nhiều DN có vốn tự huy động nhiều, vốn nhà nước ít thì lợi nhuận được chia theo vốn tự huy động lớn, DN được trích đủ quỹ thưởng ban quản lý điều hành và 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ sau khi đã trích đủ quỹ đầu tư phát triển. Phần lợi nhuận còn lại (nếu có) mới bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển của DN (thực chất là phần vốn nhà nước tại DN).
Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng, cách phân phối lợi nhuận trên có nhiều bất cập và gây áp lực cho nhiều DN ở một số ngành có đặc thù vốn nhà nước nhiều nên không có nguồn để trích 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động dù vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chính vì thế, trong dự thảo Nghị định về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại DN (do cục này chủ trì soạn thảo) đã bỏ quy định phân phối lợi nhuận cũ dựa theo tỉ lệ vốn này.
DN vẫn muốn ôm cả
Để thay cho quy định cũ, dự thảo quy định các DN kinh doanh có hiệu quả sau khi nộp thuế thu nhập DN, bù lỗ các năm trước (nếu có), trích lập quỹ dự phòng tài chính, trích lập quỹ đặc biệt (đối với DN đặc thù do Nhà nước quy định), lợi nhuận còn lại phải chuyển nộp 50% về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển DN TƯ do TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. 50% còn lại được đưa vào các quỹ tại DN.
Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến, dự thảo đã gặp phải sự phản đối của nhiều DN. Nhiều lãnh đạo DNNN và các địa phương vẫn còn ý kiến khác về dự thảo nghị định này. Ông Lê Xuân – Chủ tịch Hội đồng thành viên, TCty Vật tư nông nghiệp VN cho rằng, buộc các DNNN trích 50% lợi nhuận còn lại không khuyến khích DN làm ăn có lãi. Theo ông Xuân, DNNN dù có được bổ sung bao nhiêu vốn thì vẫn là vốn của Nhà nước chứ không phải của DN. Do vậy, số vốn này nên để lại DN để tăng vốn chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DN phát triển. Bà Lê Thị Loan – PGĐ Sở Tài chính Hà Nội – cho rằng không nên chuyển lợi nhuận về SCIC, vì nộp về thì dễ mà khi cần xin lại để tăng vốn rất khó. Theo bà, nên có quỹ phát triển DN riêng ở các địa phương để tăng tính chủ động, tránh cơ chế xin – cho.
Lưu Thủy (Lao Động)
Bình luận (0)