Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Trong đó, yêu cầu liên kết đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến phải có quy định về phương án xử lý rủi ro khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo, đặc biệt là khi chương trình bị gián đoạn hoặc kết thúc trước thời hạn. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục ĐH, viện hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam, cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài (gọi chung là cơ sở đào tạo), các tổ chức và cá nhân có liên quan. Dự thảo quy định trách nhiệm của các bên trong việc tổ chức hoạt động liên kết đào tạo gồm: Cung cấp đầy đủ, rõ ràng các thông tin liên quan đến chương trình liên kết đào tạo trên trang thông tin điện tử của các bên liên kết và chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này; có chính sách và phương thức tuyển sinh rõ ràng, minh bạch; chịu trách nhiệm về giá trị pháp lý của văn bằng cho người học… Triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng chương trình liên kết đào tạo và thực hiện kiểm định chương trình theo quy định. Đánh giá kết quả học tập của người học trung thực, rõ ràng, nhất quán, hiệu quả, tin cậy và phù hợp với thực tiễn, bảo đảm đạt chuẩn đầu ra. Tổ chức kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập, bảo vệ luận văn, luận án của người học có sự giám sát bằng camera và hình ảnh được lưu trữ và có thể trích xuất phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra khi được yêu cầu trong thời gian tối thiểu 5 năm kể từ khi tốt nghiệp. Tổ chức triển khai thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo đúng nội dung trong hồ sơ đã được phê duyệt và quy định pháp luật có liên quan; bồi hoàn học phí cho người học nếu cơ sở đào tạo vi phạm quy định dẫn đến người học không được cấp bằng hoặc văn bằng được cấp không được công nhận tại các quốc gia có trường liên kết… Cơ sở vật chất, thiết bị phải đáp ứng yêu cầu của việc đào tạo trực tuyến; có các phương tiện nghe nhìn bao gồm máy tính, màn hình, màn chiếu, máy chiếu có độ lớn phù hợp với phòng học; đường truyền kết nối ổn định, thông suốt; học liệu trực tuyến có nội dung phù hợp với ngành học và có thể truy cập liên tục với tốc độ cao; phương tiện thu âm, ghi hình lưu trữ quá trình tổ chức đào tạo phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra. Cung cấp đầy đủ giáo trình, tài liệu, thư viện điện tử, phần mềm học tập, các hướng dẫn ban đầu về khóa học cũng như việc kiểm tra đánh giá toàn khóa học, đồng thời phải có quy định về lưu trữ và bảo mật thông tin cho chương trình liên kết đào tạo… Giảng viên, trợ giảng phải được tập huấn phương pháp giảng dạy trực tuyến, kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin trong giảng dạy trực tuyến, thiết kế bài giảng trực tuyến và các kỹ năng tương tác, quản lý, theo dõi người học.
M.Tâm
Bình luận (0)