PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đang tư vấn giới tính cho HS THCS. Ảnh: Anh Khôi |
Một số tác phẩm văn học được giảng dạy trong nhà trường có những đoạn khá “nhạy cảm”. Giáo viên phải cẩn trọng giảng giải thế nào để học sinh vừa hiểu được ý nghĩa chân thực của tác phẩm vừa giúp các em vượt qua cảm xúc lệch lạc…
Ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12, học kỳ I có bài thơ đọc thêm Đò Lèn của tác giả Nguyễn Duy. Đây là bài thơ viết rất xúc động về tình cảm của người cháu đối với người bà đã khuất.
Bài thơ được mở đầu bằng bốn câu: “Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá/ Níu váy bà đi chợ Bình Lâm/ Bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật/ Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần”. Phần đầu của bài thơ này đã được ra trong phần đọc hiểu của đề thi tuyển sinh khối C năm 2014. Còn nhớ, trong thời gian chấm thi, nhiều giám khảo đã nói đùa với nhau rằng câu thơ cuối của phần trích dẫn trên đã mặc nhiên thừa nhận với học sinh một thói xấu. Nhận xét vui ấy có phần đúng. Đồng ý rằng việc “ăn trộm nhãn” chỉ là một chuyện tinh nghịch tuổi nhỏ, nhưng có vô tình không khi đã ngầm đánh đồng thói ăn cắp với một kỷ niệm đẹp? Trong lúc các bài học đạo đức ở trường thì coi đây là thói xấu nên tránh. Vì thế với bài đọc thêm này, giáo viên phải biết “hóa giải” điều này với học sinh thế nào cho hợp lý để giữ được vẻ đẹp hồn nhiên của bài thơ!
Tâm lý của học sinh tuổi mới lớn, nhất là các em nữ, thường rất nhạy cảm. Vì thế mỗi khi bàn về giới tính thì các em thường e thẹn, có cảm giác xấu hổ. |
Tâm lý của học sinh tuổi mới lớn, nhất là các em nữ, thường rất nhạy cảm. Vì thế mỗi khi bàn về giới tính thì các em thường e thẹn, có cảm giác xấu hổ. Đó là sự e thẹn trong sáng, đáng có. Do đó việc đọc hiểu các văn bản có liên quan đến giới tính với học sinh cũng phải thật cẩn thận. Ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10, trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây thuộc trường ca Đăm Săn, ở đoạn ăn mừng chiến thắng có nói đến cảnh trai gái tấp nập “ngực đụng ngực, vú đụng vú”. Khi đọc đến đoạn này nhiều học sinh thường đỏ mặt, có em thì cười khúc khích. Chi tiết ấy giáo viên không bàn nhiều với học sinh vì nó thể hiện tính ấu thơ, nguyên thủy của văn hóa sử thi Tây Nguyên. Nhưng có nhiều văn bản, khi dạy đọc hiểu, giáo viên phải tinh ý ở những đoạn “nhạy cảm”, nếu không có thể có tác dụng xấu. Chẳng hạn trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, trích tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng (sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11), có một chi tiết cần phải chú ý. Đó là cảnh những bạn thân của cụ cố Hồng (nhân vật trong truyện) đều đã tuổi ngoài 60 tuổi, ngực đầy huân chương, nhưng trong lúc đi đưa đám ma mà ai nấy cũng đều xúc động trước cách ăn mặc “hở cả nách và nửa vú” của nhân vật Tuyết hơn là khi nghe tiếng kèn ai oán. Với chi tiết này, nếu giáo viên không giải thích thấu đáo sự gắn liền với hoàn cảnh ra đời, mục đích phê phán quyết liệt của tác giả chỉ trong bối cảnh xã hội ấy…, thì dễ gieo vào đầu nữ sinh vết nghĩ xấu!
Trở lại với câu chuyện giáo dục giới tính cho học sinh mà nhiều trường phổ thông đã đưa vào áp dụng trong thời gian qua, có những hoạt động được xem là bước đột phá. Chẳng hạn như việc công khai hướng dẫn học sinh cách sử dụng bao cao su cho cả đối tượng nam và nữ, từ học sinh THCS đến THPT trong các buổi hoạt động ngoại khóa. Nhiều người tán đồng về cách làm này vì thiện chí của nó là xóa đi sự rụt rè, thụ động, thiếu hiểu biết, hướng dẫn các em biết cách sử dụng phương pháp ngừa thai, đảm bảo an toàn tình dục… Nhưng nếu không cẩn thận thì cách làm ấy vô tình đã mặc nhiên thừa nhận những hành vi tình dục ở trẻ, đã bày cách, vẽ đường cho học sinh một cách công khai. Cho nên cần phải nhấn mạnh cho học sinh để phân biệt rõ ràng giữa mục đích giáo dục sự hiểu biết, thái độ ý thức (gồm cả khoa học và pháp luật), giải pháp ngăn ngừa hậu quả xấu khác hoàn toàn với việc áp dụng vào thực tế khi đã đủ tuổi trưởng thành, để các em không bị ngộ nhận, hoặc sớm có những biểu hiện sai lệch về giới tính.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)