Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phải thi ngoại ngữ nếu muốn xét tuyển khối D1, A1

Tạp Chí Giáo Dục

Đại diện Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2 TP.HCM) tư vấn cho học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ
Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa diễn ra ở Trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP.HCM); tại đây, học sinh của trường đã khiến các thành viên trong Ban tư vấn ngạc nhiên về mức độ kỹ lưỡng, tinh tế trong từng câu hỏi mà các em đặt ra.
Điểm thi không được “cưa đôi”
Trong câu hỏi đầu tiên của chương trình, một học sinh lớp 12A8 đã “làm khó” Ban tư vấn khi đưa ra giả thuyết: “Kỳ thi năm nay chỉ có một đề thi sử dụng cho hai mục đích. Giả sử đề thi môn toán có 10 câu, em làm được 4 câu được 4 điểm thì có nghĩa là em đã nắm chắc phần đậu tốt nghiệp THPT, 6 điểm còn lại dùng để xét tuyển ĐH. Điểm các môn còn lại cũng như thế. Em suy nghĩ như vậy có đúng không? Xin Ban tư vấn nói rõ cách tính điểm xét tuyển ĐH để chúng em có thể hình dung và ôn tập”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, khẳng định: Điểm kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng cho cả hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ nhưng không có nghĩa là “cưa đôi” số điểm để xét cho từng mục đích.
“Bài thi thí sinh làm được bao nhiêu điểm thì sẽ có bấy nhiêu điểm được sử dụng cho cả việc tính điểm xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Hoàn toàn không có chuyện cùng một số điểm mà điểm xét tốt nghiệp tính riêng, điểm xét tuyển ĐH, CĐ tính riêng. Vì thế, thí sinh nên nỗ lực đạt được số điểm cao nhất cho từng bài thi để thuận lợi cho các em trong việc tính điểm xét vào các trường ĐH, CĐ sau này”, ông Nguyễn Quốc Cường nhắn nhủ.
Về cách tính điểm xét tuyển ĐH, CĐ, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Căn cứ kết quả của thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào của các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hiện nay đã công bố đề án tuyển sinh riêng, có trường nhân đôi số điểm một môn thi chính trong khối thi/tổ hợp môn đã chọn, có trường tính thêm cả điểm trung bình học bạ lớp 12, điểm trung bình từng môn thi… Do đó, các em cần theo dõi kỹ thông tin các trường mà mình muốn theo học để xác định phương hướng phù hợp cho việc nộp nguyện vọng xét tuyển về sau”.
Tương tự, em Nguyễn Đinh Toàn (học lớp 12A9) thắc mắc: “Em đã có chứng chỉ IELTS 7.0, theo quy định, em sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh và được tính 10 điểm khi xét tốt nghiệp. Nhưng em nghe nói, nếu muốn xét tuyển ĐH, CĐ khối D và A1 thì thí sinh vẫn phải dự thi môn tiếng Anh. Nếu như vậy, em có được tính 10 điểm khi xét tốt nghiệp THPT hay không?”. ThS. Trần Từ Duy, Trưởng phòng Hướng nghiệp việc làm ĐHQG TP.HCM, trả lời: Nếu được miễn thi môn ngoại ngữ, em sẽ được lấy điểm 10 để xét tốt nghiệp THPT; nhưng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có môn ngoại ngữ thì em vẫn phải thi môn ngoại ngữ và sử dụng kết quả thi môn này cho cả việc xét tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ.
Trường sư phạm không chỉ đào tạo ngành sư phạm
“Bài thi thí sinh làm được bao nhiêu điểm thì sẽ có bấy nhiêu điểm được sử dụng cho cả việc tính điểm xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Hoàn toàn không có chuyện cùng một số điểm mà điểm xét tốt nghiệp tính riêng, điểm xét tuyển ĐH, CĐ tính riêng”, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho biết.
Băn khoăn về chương trình đào tạo của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, em Võ Quốc Bình Minh (học lớp 12A7) hỏi: “Em rất muốn học ngành công nghệ ô tô thuộc Khoa Cơ khí động lực. Em xin hỏi: Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là sư phạm, vậy khi ra trường có phải đi dạy không? Chương trình học ngành này có liên quan gì đến động cơ của xe máy hay chỉ ô tô thôi? Chỉ tiêu đầu vào và học phí ra sao?”. ThS. Nguyễn Phương Quang, Trưởng ngành điện – điện tử Khoa Chất lượng cao Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: Tuy tên trường có chữ “sư phạm” nhưng hiện nay trường đào tạo 90% là kỹ sư kỹ thuật – công nghệ, chỉ còn 10% là đào tạo ngành sư phạm. Em có thể chọn học các chương trình kỹ sư, trong đó có kỹ sư công nghệ ô tô, thời gian học 4 năm, chỉ tiêu 280 sinh viên. Nếu muốn theo định hướng ngành sư phạm, em nên đăng ký vào ngành sư phạm kỹ thuật ô tô, học trong 4,5 năm, chỉ tiêu 30 sinh viên và được miễn học phí. Khi ra trường, em sẽ có 2 bằng: Kỹ sư ô tô và chứng chỉ sư phạm bậc 2. Hiện tại dù Nhà nước có hỗ trợ học phí cho sinh viên chương trình sư phạm nhưng chưa có sự ràng buộc có phải đi dạy hay không, em có thể đi làm ở công ty, xí nghiệp hay đi dạy đều được. Theo học ngành này em sẽ biết kiến thức cả ô tô lẫn xe máy.
Giải đáp về cơ hội nghề nghiệp ngành bác sĩ thú y, ThS. Nguyễn Trọng Thể, đại diện Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết: Thú y là một trong những ngành có nhu cầu việc làm rất lớn hiện nay. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở các cơ quan Nhà nước như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi cục thú y hay các trạm thú y cấp quận/huyện, trạm kiểm dịch động vật sân bay, cửa khẩu; các công ty chế biến thịt, công ty sản xuất thuốc thú y; các bệnh viện thú y hoặc có thể mở cơ sở chữa bệnh cho các vật nuôi (chó, mèo…). Ngành này phù hợp cho cả nam và nữ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Được sử dụng 3 giấy cho các đợt xét tuyển còn lại
Giải đáp câu hỏi về việc sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi cho các đợt xét tuyển, ThS. Trần Từ Duy, Trưởng phòng Hướng nghiệp việc làm ĐHQG TP.HCM, nói: Sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thí sinh sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Giấy chứng nhận dùng xét tuyển nguyện vọng 1 có thể đăng ký vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của cùng một trường trong đợt đầu tiên. Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh có quyền dùng 3 giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để đăng ký xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Mỗi giấy chứng nhận kết quả thi này có thể đăng ký xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường. Như vậy, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tối đa vào 12 ngành thuộc 3 trường khác nhau.
Linh Vy (ghi)
 

Bình luận (0)