Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phải thực sự giảm áp lực thi cử!

Tạp Chí Giáo Dục

So với nhiều nước trong khu vực, ở Việt Nam, áp lực thi cử chưa phải quá nặng nề. Nhưng dẫu vậy, trong tâm lý chung học để thi, phần nhiều học sinh từ cuối bậc tiểu học đã bắt đầu đối mặt với những kỳ thi đầy áp lực…

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2019. Ảnh: M.Tâm

1. Nhớ hôm thi tuyển sinh vào lớp 10, tôi chở con gái đến điểm thi, cách nhà chừng 3 cây số. Buổi sáng sớm mặt trời còn chưa lên, con gái tôi nói: “Con thấy lạnh quá ba!”. Tôi đương cảm thấy trời mát mẻ nhưng nghe con nói vậy thì cũng bắt đầu thấy lạnh, bởi hiểu được cái cảm giác hồi hộp của con trước kỳ thi quan trọng này. Đến trường, nhìn thấy những người mẹ, người cha dặn dò con kỹ lưỡng, những khuôn mặt căng thẳng, bất giác tôi ứa nước mắt, nghĩ đến nỗi lo của con mình ở một thời khắc có thể coi là bước ngoặt của cuộc đời mình.

Suốt những năm THCS, con tôi đều là học sinh giỏi, luôn nằm trong tốp đầu của lớp và đã đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi văn của quận. Bản thân tôi không muốn tạo áp lực cho con nhưng trước kỳ thi khá lâu, tôi đã “vẽ ra” kế hoạch cho con: Con có 3 nguyện vọng, thứ tự thế nào thì tùy con chọn, trên cơ sở điểm trúng tuyển của năm trước. Con học trường nào cũng được, miễn sao gần nhà là được, không quan trọng trường chuyên hay trường tốp đầu. Nếu con không trúng vào nguyện vọng nào thì ba cho con học nghề, vì ba không có đủ tiền cho con học trường tư thục… Tôi biết sức học con mình không khó để đậu nguyện vọng 1 nhưng phải cảnh báo trước để con tự giác. Kết quả là cháu trúng tuyển nguyện vọng 1, không cao lắm, chỉ nhiều hơn điểm chuẩn có 2 điểm. Nhìn lại quá trình chuẩn bị của con, tôi biết rõ là cháu thực sự lo lắng, thực sự có áp lực.

2. Nhưng xem ra, áp lực với nhiều trẻ khác còn lớn hơn. Con tôi kể, có bạn học cùng lớp sức học không bằng con, nhưng gia đình ép phải chọn nguyện vọng 1 là trường chuyên. Bạn học ngày học đêm, nhưng cuối cùng chỉ đậu nguyện vọng 3. Có mấy bạn cũng học rất quyết liệt nhưng không đậu nguyện vọng nào, bạn nhà khá giả thì học trường tư, bạn khó khăn thì học nghề… Dẫu biết bây giờ học nghề là một lối rẽ phù hợp với một bộ phận học sinh nhưng bản thân các cháu đó hẳn không thể vui khi nhìn các bạn được tiếp tục học phổ thông.

Một số trẻ mới học lớp 5 cũng đã phải chuẩn bị chạy đua giành một suất vào lớp 6 trường chuyên, trường song ngữ. Sự quan tâm và đầu tư của cha mẹ là rất quý nhưng chắc không phải ai cũng hiểu và chia sẻ hết áp lực của con em mình. Nhiều trẻ còn chưa tự phục vụ được một số nhu cầu cơ bản của bản thân nhưng được luyện như những “đấu sĩ” để đạt được một chỗ ở “trường danh giá”, mà có khi để cha mẹ nở mặt nở mày hơn là phù hợp với sự phát triển bình thường của đứa trẻ đó.

Dĩ nhiên, áp lực của học sinh lớp 12 cũng không nhỏ, dẫu những năm gần đây về cơ bản đã bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH (chỉ còn một số trường có thêm bài thi năng khiếu). Các em phải chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời phải xác định ngành học và tính toán khả năng thế nào để chọn đăng ký nguyện vọng phù hợp. Hiện một số ngành lấy điểm trúng tuyển đến trên 8 điểm/môn quả thực là một đòi hỏi rất cao và tạo nên áp lực rất lớn cho học sinh.

Thí sinh ra về sau một buổi thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: N.Tùng

3. Quan điểm đổi mới toàn diện giáo dục đã xác định “người học là trung tâm” nhưng đến nay việc thực hiện trên thực tế quan điểm này vẫn chưa có chuyển biến căn bản. Người học nói chung vẫn chưa được quan tâm và phát huy năng lực của mình một cách hợp lý. Với học sinh phổ thông, điều này lại càng mờ nhạt hơn. Trong bối cảnh cần phát huy năng lực cá nhân người học nhiều hơn nữa, ngành giáo dục phải thực sự giảm áp lực cho người học, nhất là học sinh.

Trước hết, phải giảm dần thực tế “học để thi” mà chuyển thành học để biết, học để vận dụng vào cuộc sống, học để hòa nhập với xã hội, học để trưởng thành… Dĩ nhiên, các kỳ thi vẫn rất cần, nhưng không phải dồn mọi nỗ lực, mọi sự chuẩn bị cho kỳ thi đó mà học sinh tham gia kỳ thi cần nhẹ nhàng hơn, là một bước đánh giá năng lực, đồng thời là một bài học thực tế, chứ không phải biến kỳ thi đó thành một bước ngoặt trong cuộc đời của trẻ.

Bản thân kỳ thi cũng không nên quá nặng nề, biến thành một cái “ngưỡng” để tạo ra một “bước nhảy” thay đổi về chất cho học sinh. Sự biến đổi đó phải là một quá trình, diễn ra trong suốt thời gian học chứ không thể chỉ dựa vào một kỳ thi. Những năm gần đây, khi xét điểm tốt nghiệp, ngành giáo dục đã lấy cả điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia và điểm trung bình năm lớp 12 là một bước tiến tích cực; thời gian tới cần tăng tỷ lệ điểm trung bình đó lên nhiều hơn.

4. Ở cuối bậc THCS, để phân luồng học sinh vào trường nghề, thì các trường nghề phải có sự thu hút tốt hơn nữa, cả về công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hoạt động thông tin, tuyên truyền. Cần làm tốt hơn nữa công tác tư vấn tuyển sinh để những học sinh có học lực khá chủ động chọn trường nghề. Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ phù hợp cho các trường nghề và học sinh trường nghề. Ở một số địa phương, chú ý rút giảm khoảng cách về chất lượng đào tạo, về học phí… để không gây khó khăn cho những gia đình hạn chế về điều kiện kinh tế muốn cho con học trường tư thục. Những hình thức tương tự cũng nên áp dụng đối với học sinh cuối bậc THPT nhằm giảm tải (tỷ lệ chọi) ở đầu vào các trường ĐH.

Kỳ thi THPT quốc gia cần được duy trì hình thức “2 trong 1” để giảm chi phí cho xã hội và áp lực cho học sinh, gia đình học sinh. Đến một thời điểm thích hợp có thể giảm quy mô kỳ thi và tiến tới xét tốt nghiệp THPT theo học lực của 3 năm ở bậc học này. Riêng với tuyển sinh ĐH, nên đẩy mạnh việc xét tuyển theo điểm tốt nghiệp THPT, bên cạnh việc sát hạch phù hợp ở một số trường đặc thù. Trong đó, nhóm trường có đòi hỏi cao về nhiều yếu tố, như năng lực, sức khỏe, thể trạng, lịch sử chính trị của bản thân gia đình (nhất là với công an, quân đội – đây cũng là cách tránh tình trạng “chạy”, “gửi gắm”)… thì ngoài những đòi hỏi chung cần có thêm một kỳ thi đánh giá. Chẳng hạn, ngành sư phạm nên có kiểm tra về thái độ ứng xử, về đạo đức cá nhân; ngành y nên có kiểm tra về đạo đức cá nhân; ngành hành chính cần kiểm tra về năng lực tổ chức, quản trị… Một số ngành khác thì có thể có kiểm tra về năng khiếu, như ngành mỹ thuật, kiến trúc có thể kiểm tra về khả năng vẽ, năng lực đồ họa; ngành âm nhạc có thể kiểm tra về thanh nhạc, về phát âm… Dĩ nhiên, trên hết phải thực sự nâng chất lượng giảng dạy, nâng tính thực chất trong đánh giá quá trình học phổ thông, để các kết quả học tập về cơ bản phản ánh được năng lực của học sinh. Đồng thời, chương trình học phải được đổi mới theo hướng thực học, thực nghiệp, thực sự lấy người học làm trung tâm, tránh chuyển áp lực thi cử sang áp lực học tập, mà lại học quá nhiều kiến thức chuyên sâu hoặc không cần thiết ở từng lứa tuổi.

Có như vậy, đến mỗi kỳ thi, các bậc cha mẹ không phải lo bạc mặt, các học sinh không phải ốm xanh xao. Dĩ nhiên, từ đó hiện tượng gian lận, tiêu cực trong thi cử cũng sẽ giảm nhiều!

ThS. Nguyễn Minh Hải

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)