Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phải tự “cải cách” để sẵn sàng hội nhập

Tạp Chí Giáo Dục

Các em học sinh đặt câu hỏi tìm hiểu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các chuyên gia. Ảnh: T.Thương

Sáng 27-11, đông đảo học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) hào hứng tham gia chương trình “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và tiếp cận cuộc cách mạng 4.0”, do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với ĐH Tân Tạo và ĐH FPT tổ chức. Chương trình có sự tham gia tư vấn của nhiều chuyên gia giáo dục như: TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM); ông Nguyễn Quốc Cường (Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM); ThS. Lê Hồng Ngọc (Phó phòng Truyền thông Trường ĐH FPT)…

TS. Nguyễn Thanh Tùng mở đầu bằng vấn đề: Những năm gần đây, xu thế hội nhập toàn cầu, đặc biệt là khái niệm “công dân toàn cầu” được nhắc đến thường xuyên. Xu hướng toàn cầu hóa với sự phổ cập những giá trị cơ bản cả trong đời sống kinh tế, xã hội và giao lưu văn hóa đang mở ra nhiều cơ hội cho tuổi trẻ Việt Nam phấn đấu trở thành những công dân toàn cầu. Ông nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển trên 3 trụ cột chính là kỹ thuật số, công nghệ sinh học, vật lý. Những cốt lõi trong kỹ thuật số của công nghệ 4.0 gồm: trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn… Trong cuộc cách mạng công nghệ số, nhân tố tiên quyết vẫn là con người. Khi người trẻ có hoài bão lớn, tư duy và tầm nhìn rộng mở, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn góp phần giúp cho sự phát triển chung của cộng đồng, tôn vinh giá trị bản sắc riêng của đất nước, dân tộc mình”.

Có thể nói cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội lớn, tuy nhiên cũng nhiều thách thức. ThS. Lê Hồng Ngọc nhận định: Người trẻ hiện nay đang thiếu kỹ năng ngoại ngữ, nếu không biết ngoại ngữ (thậm chí nhiều ngoại ngữ) thì không thể hội nhập được. Bên cạnh đó, những kỹ năng như: kỷ luật tác phong, làm việc nhóm… phải được chú trọng phát triển để hình thành phong thái tự tin, luôn sẵn sàng trong tư thế hội nhập. Đó là một cuộc “cải cách” nghiêm túc chính mình, nếu không sẽ tụt lại phía sau.

Tại chương trình, Nguyễn Hải Bình (học lớp 11A1) chia sẻ: “Dù đã nghe và tìm hiểu một số tài liệu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên mạng internet nhưng em chưa hình dung được cụ thể phải làm như thế nào, bắt đầu học từ đâu, tương lai chọn ngành nghề gì để phù hợp với xu thế? Nay được nghe nhiều chuyên gia tư vấn em đã phần nào định hướng được con đường và vạch xuất phát”. Tương tự, Phan Hoàng Long (học lớp 11A7) cho hay: “Ngoại ngữ hay kiến thức thì thuộc về quá trình tiếp nhận của cá nhân, còn làm việc nhóm là sự kết nối của tập thể, kết nối tốt sẽ tạo nên hiệu quả công việc cao. Do vậy, để hội nhập, mỗi người cần không ngừng trau dồi và lắng nghe ý kiến của người khác”.

Thương Thương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)