Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phải viết đúng tiếng Việt hiện thời

Tạp Chí Giáo Dục

1. Từ khi tiếng Việt sử dụng hệ thống ký âm của chữ Latin (vẫn được gọi là chữ Quốc ngữ, để phân biệt với chữ Hán, chữ Nôm trước đó) thì việc học có nhiều thay đổi. Dẫu vậy, số người học chữ Quốc ngữ rất ít, chỉ trong số những người làm công tác truyền giáo và các tín đồ Công giáo. Trong khoảng hơn 200 năm từ giữa thế kỷ XVII, người Việt vẫn dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm, trong khi loại chữ này không ghi âm tiếng Việt và lại được vay mượn từ Trung Quốc. Đến khi người Pháp xâm lược nước ta (từ nửa sau thế kỷ XIX), họ dùng nhiều biện pháp để phát triển chữ Quốc ngữ, từ trong giáo dục, báo chí, sáng tác… và dần trở thành hệ thống chữ viết chính thức ở nước ta đến ngày nay.

Theo tác giả, trong nhà trường, giáo viên phải nghiêm khắc với các trường hợp học sinh viết sai hoặc làm méo mó tiếng Việt (ảnh minh họa). Ảnh: Y.H
Dùng một loại hệ thống ký tự của nước ngoài để ký âm tiếng Việt thì rõ ràng khó mà phù hợp tất cả và toàn bộ. Nên trong khoảng một thế kỷ rưỡi qua, tiếng Việt đã có những cải tiến nhất định để đạt được sự thống nhất và có thể coi là hoàn thiện như hiện nay. Trong quá trình đó, cũng đã có những đề xuất cải tiến hoặc thực tế đã có một số người dùng, nhưng chỉ dừng lại ở phạm vi rất hẹp và không tác động gì đáng kể đến hệ thống chữ viết hiện nay.
Chẳng hạn, hồi đầu thế kỷ XX, đã có người đề xuất dùng chữ k thay cho q và c (kuốk ngữ – quốc ngữ, thứk thời – thức thời), mà điều này đã bị học giả Nguyễn Văn Vĩnh cho là “nhiễu sự”. Nhưng đến năm 1928, chính nhà báo này lại đặt ra vấn đề thay đổi chữ viết nhưng chủ yếu thay đổi là để phù hợp với việc ấn loát báo bằng máy in nhập từ nước ngoài không có dấu. Ông đề nghị, viết gi thành tr, d thành nh, nh thành l… để dùng cho đều trong văn tự ba miền để tránh mỗi miền dùng một cách. Ông cũng đề nghị quy ước mới về bỏ dấu, chẳng hạn aa=â, aw=ă, các thanh sẽ là f = huyền, s = sắc, j = nặng… Đáng chú ý là các đề xuất này hiện đã được dùng trong đánh máy kiểu gõ Telex. Hay giữa thế kỷ XX, thi sĩ Đông Hồ và nhóm thân hữu của ông cũng có đề xuất cải tiến, dù chưa thật hệ thống và căn cơ nhưng nhóm của ông đã tự dùng một số cách viết mới. Chẳng hạn, ông Nguiễn Ngu Í (thay vì viết như hiện nay sẽ là Nguyễn Ngu Ý) đã áp dụng cách viết dùng f thay ph, j thay gi, i thay y, dùng b thay p, dùng q thay qu, dùng ng thay ngh, dùng g thay gh, y thay d (làm phụ âm)… Cho nên, thư trang của Đông Hồ được đặt theo tên con gái ông là Yiễm Yiễm (thay vì là Diễm Diễm).
 
2. Năm 2011, có người đã đề xuất thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt. Người ủng hộ cho rằng việc này là cần thiết, bởi 4 chữ cái này đã được sử dụng phổ biến trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thực tế không thể dùng chữ khác để thay thế khi viết các từ có gốc nước ngoài, như viết hàm số f(x), đơn vị tính công là jun hay joule, đơn vị tính công suất là watt hoặc tên giải bóng đá vô địch thế giới là World Cup, chữ số 0 là zero… Ngoài ra, còn rất nhiều tên nước ngoài nếu viết theo mẫu tự Latin thì đều phải dùng các chữ cái này, như (quần đảo) Faroes, (nước) Jamaica, (thủ đô) Washington, (mạng xã hội) Zalo… Tuy nhiên, nhiều ý kiến của giới học thuật lại chỉ ra rằng, trong phần lớn các trường hợp, các chữ cái này mang âm không được coi là phụ âm đầu trong tiếng Việt; thí dụ, tiếng Việt không có phụ âm p, j… (như chữ pin thì trong tiếng Việt không có phụ âm nào phát âm tương đương), hoặc có trường hợp dù ghi là j ở đầu một chữ nhưng khi đọc lại có cách phát âm khác (thí dụ cây jojoba, một loại cây lấy dầu, có hạt ăn được phổ biến ở Bắc Mỹ, được phát âm tiếng Việt là “hô hô ba”)… Không chỉ vậy, việc đưa 4 chữ cái này vào bảng chữ cái tiếng Việt thì có thể gây khó khăn cho học sinh lớp 1…
Trên thực tế, dù không chấp nhận một số thay đổi trong cách viết tiếng Việt nhưng một số cá nhân vẫn có cách viết riêng và sử dụng khá hạn hẹp trong phạm vi nào đó thì vẫn hoàn toàn có thể chấp nhận được. Thí dụ, Bác Hồ hay viết nhân zân (nhân dân), fát triển (phát triển) trong một số văn bản chưa chính thức (bản thảo viết tay hoặc đánh máy)… Hay một số nhân vật có tên gọi được viết khác với quy tắc chính tả thông thường mà trường hợp nổi bật là Nguiễn Ngu Í, hay gần đây hơn là nhà phê bình điện ảnh Đức Kôn, nhà giáo Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, diễn viên Chi Pu… Hoặc trên sách báo, đôi khi ta cũng gặp những cách viết không đúng quy tắc, nhưng trong chừng mực nào đó vẫn có thể chấp nhận được, để ghi lại lời nói mang bản sắc riêng của nhân vật, như dzô dziên (vô duyên), bùn wé (buồn quá)… Tất nhiên, chúng ta không nên khuyến khích cách viết này!
 
3. Khoảng gần 10 năm trở lại đây, có một số đề xuất về cách viết tiếng Việt gây “bão” dư luận. Chẳng hạn, PGS.TS Bùi Hiền đưa ra cách viết tiếng Việt với các nội dung cơ bản như: bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái F, J, W, Z; thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W = Th; Z = D, Gi, R. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n’ để biểu đạt. Hoặc hai ông Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình với bộ chữ “Việt Nam song song 4.0” kết hợp từ “Chữ Việt nhanh” và “Ký hiệu dấu” được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận bản quyền cũng có những đề xuất cải tiến không được dư luận đồng thuận. Theo đó, “Chữ Việt Nam song song 4.0” chỉ sử dụng 26 chữ cái Latin, trong đó dùng 18 chữ cái Latin để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ… Các hạn chế của những cách viết này lớn nhất là phải học lại bảng chữ cái mới và cách viết mới, phải có người “dịch” các văn bản hiện thời trở về trước, nhất là mất đi sự tinh tế trong cách đọc và viết tiếng Việt. Không chỉ vậy, đề xuất này ngay có thể có vài ưu điểm nhất định nhưng cũng đã bộc lộ nhiều nhược điểm khác. 
 
4. Các nghiên cứu, ý tưởng, đề xuất mới rất cần đáng trân trọng và cần thiết, nhưng phải luôn chú ý đến tính khả thi và mức độ hiệu quả. Do đó, nếu các cách viết mới thực ra gây bất tiện, trở ngại, tốn kém nhiều mặt thì phải hết sức thận trọng. Trên thực tế, luôn có những thay đổi dần dần và tự nhiên, do quá trình sử dụng người ta thấy bản thân sự thay đổi đó là cần thiết và tiện lợi thì có khi chẳng cần ai đề xuất, thì trong sử dụng tiếng Việt cũng vậy. 
Dẫu vậy, hiện tượng méo mó trong viết tiếng Việt ở một bộ phận người sử dụng cần được chấn chỉnh triệt để, trong đó có cách viết “teen code”, vốn làm tiếng Việt bị mất đi sự trong sáng. Chẳng hạn, cách viết sau đây được một số bạn trẻ dùng khá thường xuyên: Hum ni hok ai fone or nt het bun wa! (Hôm nay không ai điện thoại hoặc nhắn tin hết buồn quá!); 2day U co ranh o? (Hôm nay bạn có rảnh không?); Tui đợi pa dza rat lâu zùi đấy! (Tôi đợi bà đã rất lâu rồi đấy)… Rõ ràng đó không phải là kiểu viết bình thường!
Do đó, trước hết, mọi người cần viết đúng tiếng Việt, đặc biệt là trong nhà trường. Giáo viên phải nghiêm khắc với các trường hợp học sinh viết sai hoặc làm méo mó tiếng Việt. Được vậy thì rất quý rồi, đâu cần những cải tiến làm gì!
Trúc Giang

Bình luận (0)