Sự kiện giáo dụcTin tức

Phải xem cải cách thủ tục hành chính là việc quan trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo từng cấp, ngành phải xem cải cách thủ tục hành chính là việc quan trọng, là chìa khóa của sự phát triển, bỏ dần việc tiếp cận văn bản giấy.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị tại điểm cầu TP.HCM (Ảnh: VGP)

Sáng 16-10, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ họp phiên thứ hai hội nghị chuyên đề đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến, kết nối đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC tham dự, chủ trì hội nghị tại điểm cầu TP.HCM.

Tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tham dự hội nghị.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo từng cấp, ngành phải xem cải cách TTHC là việc quan trọng, là chìa khóa của sự phát triển, bỏ dần việc tiếp cận văn bản giấy.

Theo Phó Thủ tướng, việc cải cách TTHC hiện nay còn rào cản bắt buộc phải thay đổi. Thực hiện cải cách TTHC không thể ứng xử với việc khó bằng cách tiếp cận cũ. Phải có sự sòng phẳng giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, người dân trong thực hiện TTHC. Đây cũng là việc khó, sẽ từng bước chuẩn hóa trong thời gian tới.

Các bộ ngành, địa phương cần phát huy vai trò của người đứng đầu, nơi nào người đứng đầu quan tâm, quyết liệt thì sẽ đạt kết quả cao. Trong mỗi nội dung, cần xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, tránh tình trạng “đá quả bóng trách nhiệm” qua lại lẫn nhau.

Phó Thủ tướng lưu ý, cơ sở dữ liệu là vấn đề gốc trong thực hiện cải cách TTHC, cần đồng bộ các hệ thống, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu để khai thác, sử dụng hiệu quả. Với các ngành, địa phương, cần có sự linh hoạt trong ứng xử với việc cải cách, đặc biệt là xếp thứ tự, ưu tiên cái nào trước, cái nào sau. “Chính phủ sẽ tiếp nhận thông tin để có hướng xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện cải cách TTHC có hiệu quả thiết thực”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho hay.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ cho biết thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó, đã đạt được những kết quả nhất định.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành, địa phương lần lượt đạt 22,48% và 38,94% (cùng kỳ 2022 đạt 8,78% và 13,14%).

Việc chuyển hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử tại các bộ, ngành đạt 81,39% (cùng kỳ 2022 đạt 50,69%), các địa phương đạt 70,24% (cùng kỳ đạt 38,84%). Qua đó, góp phần xây dựng, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành như dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, hộ tịch điện tử, giấy phép lái xe…

Việc thực hiện Đề án 06, có 15 bộ, ngành, 63 địa phương hoàn thành kết nối hệ thống trực tuyến giải quyết TTHC với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đã có 1,2 tỷ trường hợp tra cứu; 536 trường hợp đồng bộ thông tin công dân; 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội và dân cư; 64,3 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, kích hoạt trên 42 triệu tài khoản. Có 24 địa phương hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử.

Tại phiên họp, Tổ công tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bộ ngành địa phương cần triển khai ngay các giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công…

N.Trinh

 

Bình luận (0)