Một tiết sinh hoạt của GVCN và HS lớp 5 Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1). Ảnh: H.Triều |
Thời gian qua đã xảy ra nhiều hành vi ứng xử mang tính “xã hội đen” của các cô cậu học trò. Tại sao lại xảy ra những chuyện như vậy ngay trong trường học? Vai trò của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) trong việc giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?
Lấy sức mạnh của tập thể làm liều thuốc
Tôi đã dạy học trên 20 năm, làm công tác GVCN cũng nhiều. Mỗi lớp học, mỗi học sinh đều có những cá tính riêng, nhưng tôi đều “hóa giải” những cái “riêng” ấy của học sinh thành một “mẫu số chung” của cả lớp. Cái mẫu số chung này dựa trên nguyên tắc tôn trọng các em, giúp các em thấu hiểu về việc học tập, sinh hoạt theo đội nhóm và mẫu số chung ấy đều được các em đưa ra thảo luận, bàn bạc và thống nhất. Công việc này được thực hiện ngay tuần đầu tiên khi tôi nhận lớp. Đó chính là nội quy lớp học tôi đưa ra được các em đồng tình và hưởng ứng ngay. Vì thế, khi trong lớp có học sinh biểu hiện khác thường, hay có những hành vi ứng xử không tốt thì việc đầu tiên là tổ trưởng, tổ phó hay các bạn trong tổ tìm hiểu, nhắc nhở… Sau đó, sẽ báo cáo với GVCN làm tiếp công việc thăm hỏi về gia cảnh, về các môn học mà các em yêu thích để dò hỏi xem căn nguyên của những mâu thuẫn, bất hòa đang nảy sinh trong ý nghĩ hay bộc lộ thành hành vi ứng xử của các em. Từ đó, GVCN có biện pháp uốn nắn kịp thời, ngăn cản những hành vi ứng xử bạo lực trong môi trường giáo dục. Làm công việc này, đòi hỏi GVCN phải thật tinh tế, khéo léo để lựa chọn các em có khả năng hỗ trợ cùng với mình trong việc quản lý lớp học bằng các biện pháp giáo dục mang tính hiện đại để đưa các em về với thực tại, với những hành vi ứng xử có văn hóa, mà không làm tổn thương các em. Đó chính là liều thuốc tốt nhất để giáo dục các em, làm giảm đi những hành vi bạo lực trong trường khi xảy ra mâu thuẫn.
Xem học sinh là bạn
Một vấn đề nữa mà tôi muốn chia sẻ trong diễn đàn này là thái độ của GVCN thể hiện như thế nào để làm cho các em vui thích khi đến trường? Kinh nghiệm của tôi qua nhiều năm làm công tác GVCN là “Hãy xem các em học sinh là bạn”. Có người cho rằng, như vậy sẽ làm các em “lờn mặt”, không nghe lời. Xin thưa rằng, ngày nay, tâm sinh lý của các em học sinh phát triển rất xa so với học sinh cách đây vài chục năm. Các em rất nhạy bén và cũng rất dễ thương. Do vậy, nếu mỗi GVCN biết cách làm cho các em vui, các em sẽ nghe lời dạy bảo của GVCN ngay như một liều thuốc “thôi miên” vậy. Từ những việc làm thật nhỏ, thật bình thường như cùng chơi đùa với các em trong giờ nghỉ giải lao, cùng hòa mình vào lứa tuổi của các em như những người bạn thì các em rất dễ dàng tiếp nhận và vui thích khi chính thầy cô GVCN lại cùng chơi với mình như bạn. Các em cảm thấy không bị “khoảng cách” với thầy cô. Làm được điều này, GVCN đã giúp các em tự tin và hòa đồng hơn trong các phong trào của lớp, giúp các em được hoạt động nhiều trong mối quan hệ thân thiết không chỉ với bạn bè mà còn với chính GVCN nữa. Công việc này, đòi hỏi người GVCN phải thật sự bản lĩnh, phải biết khéo léo hòa mình vào các hoạt động của các em, trở thành những người bạn thật sự gần gũi với các em để có thể giúp các em sẻ chia, bày tỏ quan điểm, những băn khoăn của các em trong mọi vấn đề. Từ đó, GVCN khéo léo xử lý và hướng dẫn các em vào trong cái nếp của những nội quy mà tập thể lớp đã thống nhất từ đầu năm.
Là nhà tâm lý
Không phải ngẫu nhiên mà có những ý kiến cho rằng, GVCN là người làm dâu trăm họ, là ô-sin hay là một nhà tâm lý tài ba. Tôi cho rằng, việc hiểu thấu đáo tâm sinh lý của học sinh sẽ giúp cho GVCN xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra, sẽ giảm bớt nguy cơ của những mầm mống bất hòa giữa giáo viên với học sinh hay giữa học sinh với học sinh. Như vậy, GVCN phải là một nhà tâm lý tài ba, phải hiểu được học sinh của mình; thông cảm, chia sẻ với các em những khó khăn trong cuộc sống, những điều mà các em không biết thổ lộ cùng ai thì GVCN sẽ là người để các em giãi bày. Từ đó, bằng những phương pháp giáo dục khoa học, GVCN sẽ giúp học sinh giải quyết những mâu thuẫn đang nảy sinh và những hành vi ứng xử này sẽ không còn “chỗ đứng” trong tâm trí của các em.
Qua bài viết này, tôi cho rằng, người GVCN phải hòa mình vào các hoạt động chung của các em, trở thành những người bạn, những nhà tâm lý để các em có nơi giãi bày những khúc mắc. Từ đó, những mâu thuẫn sẽ được giải quyết dứt điểm và hành vi ứng xử bạo lực trong học đường cũng sẽ giảm và chấm dứt.
Nguyễn Văn Thái
(Phó hiệu trưởng Trường TH Phạm Ngọc Thạch, Phú Nhuận, TP.HCM)
Bình luận (0)