SV Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đặt câu hỏi về ngành kỹ thuật tại buổi hội thảo
|
Vừa qua, tại hội thảo “Vị trí kỹ thuật viên sản xuất” tổ chức ở Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, không ít sinh viên (SV), đặc biệt là SV nữ đã rất quan tâm đến nhu cầu nhân lực, mức lương, điều kiện làm việc… ở lĩnh vực này.
Tuy nhiên, một trong những điều làm các SV ngạc nhiên là ở vị trí này Công ty Intel Việt Nam chỉ tuyển SV hệ trung cấp, CĐ chứ không tuyển dụng SV hệ ĐH.
Chọn đúng người, đúng việc
Kỹ thuật viên là người giỏi về tay nghề kỹ thuật nên nhiều người cho rằng chủ yếu dành cho phái mạnh, nhưng hiện nay có không ít nữ SV ở các trường ĐH, CĐ và TCCN chọn nghề này.
Sơn Nữ Trà My (SV năm 2 ngành điện – điện tử, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) chia sẻ: “Em rất thích mày mò, sửa chữa máy móc nên đã theo học ngành kỹ thuật. Tuy nhiên, vấn đề là liệu sau khi tốt nghiệp, em có được trọng dụng như các bạn nam không vì phái yếu tụi em thường chân yếu tay mềm”. Đối với vấn đề này, ông Giáp Mai Hùng, Giám đốc tuyển dụng Intel Việt Nam, cho biết: “Mỗi năm, công ty chúng tôi đều tuyển một số lượng nữ nhất định ở vị trí kỹ thuật viên. Chẳng hạn, năm 2011 chúng tôi đặt mục tiêu tuyển khoảng 30% lao động nữ, năm 2012 khoảng 40%. Hàng năm, chúng tôi đều cấp học bổng khuyến học cho các nữ sinh học ngành kỹ thuật ở các trường như: ĐH Công nghiệp TP.HCM, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng… Chúng tôi chú trọng đến lao động nữ bởi vì trong môi trường làm việc nếu có cả nam và nữ sẽ cho ra nhiều ý tưởng hay. Hơn nữa, nữ có tính tỉ mỉ, cẩn thận còn nam thì chịu khó tìm tòi, chấp nhận rủi ro. Những đức tính này sẽ giúp họ hỗ trợ lẫn nhau tạo hiệu quả cao trong công việc”.
Tại hội thảo, các nữ kỹ thuật viên đang làm việc ở Công ty Intel Việt Nam cũng đã trao đổi con đường đến với nghề của họ để các SV có cách nhìn nhận sâu sát hơn. Chị Nguyễn Thị Cẩm Giang (kỹ thuật viên sản xuất) chia sẻ: “Năm 2010, tôi tốt nghiệp ngành quản trị nhà hàng – khách sạn, Trường CĐ Du lịch Sài Gòn và nộp đơn ứng tuyển vào công ty. Qua nhiều vòng thi tuyển, rất may mắn tôi đã được tuyển dụng với vị trí là nhân viên kiểm hàng. Tôi nghĩ, nếu không có bằng cấp cao, các bạn nên chuẩn bị cho mình các kỹ năng thì cơ hội vẫn đến. Khi làm kiểm hàng, công ty có mở khóa đào tạo kỹ thuật, tôi đăng ký học và hiện nay tôi đã trở thành kỹ thuật viên”.
Bằng cấp quan trọng nhưng đây không phải là yếu tố quyết định thành công của các bạn trẻ. Hiện nay, Công ty Intel Việt Nam chỉ nhận những lao động có bằng CĐ và TCCN, điều này làm cho không ít SV đang học ĐH khối kỹ thuật thắc mắc. Ông Giáp Mai Hùng giải thích: “Ở công ty chúng tôi, bất cứ vị trí nào cũng phải tuyển đúng người, đúng việc chứ không phải chỉ chăm chăm chú trọng vào bằng cấp. Nếu nhận bằng ĐH vào vị trí kỹ thuật viên, chúng tôi nghĩ các em sẽ không phát huy hết những gì mà mình đã học ở trường, rất dễ nhàm chán trong công việc”.
Nâng cao tính chuyên nghiệp
Ông Giáp Mai Hùng cho hay: “Năm 2012, ở Việt Nam chúng tôi tuyển được 300 nhân lực. SV Việt Nam rất nhanh nhẹn, có tinh thần học hỏi, cầu tiến, chăm chỉ. Tuy nhiên, khi làm việc với người nước ngoài vẫn làm mất lòng họ bởi tính chuyên nghiệp chưa cao, nhiều bạn chưa tuân thủ đúng giờ giấc làm việc. Vì vậy, muốn làm việc ở môi trường tốt thì ngoài việc học và hành tốt, các em nên rèn luyện cho mình các kỹ năng sống cũng như tác phong làm việc trong môi trường chuyên nghiệp…”.
Cùng bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng Trường CĐ Công Nghệ Thủ Đức, cho rằng: “Nếu các em có tài năng nhưng không biết lắng nghe, quá tự tin vào bản thân mình mà không phát huy được tính tích cực trong làm việc nhóm thì các em khó làm việc lâu dài trong một môi trường. Ngược lại, nếu các em có tinh thần tập thể, ý thức cao nhưng không có trình độ thì cũng không làm được gì. Để thành công trong công việc, các em cần tích hợp cho mình 3 năng lực chính là thực hành tốt, các kỹ năng sống và hành vi thái độ trong ứng xử”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)